Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, cùng với đó phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền; mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng. Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời.
Nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục bao gồm: Ngân sách nhà nước; Nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Nguồn thu từ dịch vụ giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ; dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục; nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; lãi tiền gửi ngân hàng và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; Kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước; Nguồn vốn vay; Nguồn tài trợ, viện trợ, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Hệ thống văn bản Luật trong đấu thầu có nhiều, nhưng cốt lõi vẫn nằm ở Luật đấu thầu của Quốc hội, Nghị định số 63/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 09/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chỉ thị số 47/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu…
Đấu thầu thực chất là quá trình lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất, hướng đến nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả. Để đảm bảo cho hoạt động này được diễn ra thuận lợi, pháp luật về đấu thầu đã có những quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu thầu trong đó có hành vi thông thầu và gian lận thầu. Đồng thời, xác lập các quy định về xử lý vi phạm trong đấu thầu nhằm răn đe các hành vi tiêu cực có thể xảy ra, tạo hành lang pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhưng trên thực tế, chưa bao giờ hệ thống giáo dục lại gây chấn động dư luận với nhiều vụ việc lớn về tiêu cực trong đấu thầu, chỉ định thầu như thời điểm hiện tại. Những nghi vấn, bức xúc về công tác đấu thầu thiết bị giáo dục vẫn chưa dừng lại. Mục đích của việc mua sắm tập trung tài sản nhà nước thông qua đấu thầu là để tiết kiệm tiền cho ngân sách nhà nước. Từ những vấn đề đã đặt ra, Tạp chí Nhà Quản Lý đã triển khai Chuyên đề “Góc nhìn quản lý môi trường đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục”, tại một số địa phương. Qua đó, đã nhận được những phản ánh đa chiều, tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ tại Sở Giáo dục và đào tạo (gọi tắt là Sở GD&ĐT) tỉnh Lạng Sơn.
Không đăng tải đầy đủ thông tin về sản phẩm mua sắm
Tại Khoản 3, Điều 22, Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ Tài chính quy định: Đối với mỗi chủng loại hàng hóa, thiết bị trong gói thầu mua sắm hàng hóa, bên mời thầu phải đăng tải các thông tin: Tên hàng hóa; Công suất; Tính năng, thông số kỹ thuật; Xuất xứ; Giá (hoặc đơn giá trúng thầu).
Khoản 3, Điều 17, Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng cũng quy định: "Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa phải công khai chi tiết thông tin vể các hạng mục hàng hóa thuộc gói thầu
Tuy nhiên, theo thông tin tư liệu và nghiên cứu hồ sơ về một số gói thầu tại Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư có dấu hiệu che dấu thông tin về sản phẩm cung cấp trong gói thầu.
Cụ thể: Ngày 03/01/2021, Ông Hồ Công Liêm - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã kí quyết định số 1599/QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt hồ sơ mời thầu (E-HSMT) “Gói thầu số 3: Mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiếu lớp 6 năm học 2021-2022 cho các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Gói thầu này do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư đồng thời cũng là bên mời thầu.
Theo thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, đây là gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và sử dụng nguồn ngân sách theo Quyết định số 2599/QĐ – UBND ngày 15/12/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn. Giá gói thầu theo quyết định phê duyệt E-HSMT là 31.036.590.600 đồng (Bằng chữ: Ba mươi mốt tỷ, không trăm ba mươi sáu triệu, năm trăm chín mươi nghìn, sáu trăm đồng). Đơn vị lập hồ sơ mời thầu (E-HSMT) là Công ty CP Tư vấn và đầu tư công nghệ Đức Trí còn Công ty CP Tư vấn giáo dục và y tế Việt Nam là đơn vị thẩm định hồ sơ mời thầu (HSMT).
Mặc dù là một gói thầu có giá trị lớn, thế nhưng sau khi kết thúc giai đoạn mở thầu, chỉ có duy nhất một đơn vị nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu.
Ngày 30/12/2021, Ông Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã ký Quyết định số 1911/QĐ – SGDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 3: Mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiếu lớp 6 năm học 2021-2022 cho các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Theo đó, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Công nghệ tin học viễn thông – Công ty CP xây lắp thiết bị và công nghệ Phương Nam; giá trúng thầu là 30.368.386.000 VNĐ (Bằng chữ: Ba mươi tỷ, ba trăm sáu mươi tám triệu, ba trăm tám mươi sáu nghìn đồng).
Đáng nói, các thông tin được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, tất cả 179 sản phẩm, thiết bị trúng thầu đều có cùng một loại kí hiệu, nhãn mác ‘TBLS’ và được đánh số thứ tự từ TBLS001 đến TBLS260 “mập mờ” không rõ ràng.
Theo khảo sát của phóng viên tại một số đơn vị phân phối, cung cấp thì các thiết bị điện tử có trong gói thầu như: Máy tính xách tay, nồi cơm điện, bếp điện tử, quạt điện, đồng hồ, nhiệt kế điện tử... trên thị trường hiện nay không hề tồn tại loại ký hiệu, nhãn mác là TBLS.
Đơn cử như sản phẩm máy tính xách tay, ký hiệu, nhãn mác của sản phẩm sẽ gắn với thương hiệu của nhà sản xuất như: Dell Inspiron 15 3511 hay Apple MacBook Air M1 256GB 2020... Không có thương hiệu máy tính xách tay nào có kí hiệu TBLS260 cả và các đại lý cho rằng đây chỉ là nhãn mác tự đặt ra.
Không chỉ mập mờ về nhãn mác, ký hiệu hàng hóa mà ở mục ‘Mô tả hàng hóa’ cũng không được đăng tải theo đúng quy định. Tất cả các sản phẩm trúng thầu đều chỉ nêu: “Thông số kỹ thuật chi tiết của hàng hóa trong chương V của E- HSMT”.
Tương tự, tại “Gói thầu 03: Mua sắm đồ dùng – đồ chơi – thiết bị dạy học tối thiểu và đồ chơi ngoài trời cho giáo dục mầm non năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” cũng do Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư.
Đây là gói thầu được đấu thầu rộng rãi trong nước với giá gói thầu là 13.536.693.000 VNĐ, kinh phí từ nguồn hỗ trợ đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục: Đề án phát triển giáo dục mầm non đã giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo tại Quyết định số 2599/QĐ – UBND ngày 15/12/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn. Theo Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và đồ chơi Long Hưng – Công ty TNHH MTV công nghệ Thăng Long Việt (địa chỉ tại Tập thể xí nghiệp xây dựng cầu 202, khu Liên Cơ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội); giá trúng thầu là 13.130.165.000 VNĐ (Bằng chữ: Mười ba tỷ, một trăm ba mươi triệu, một trăm sáu mươi năm nghìn đồng).
Các thông tin về gói thầu được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy, có đến 45/46 sản phẩm, thiết bị trúng thầu đều cùng một loại ký hiệu “MN” được đánh số thứ tự lần lượt từ MN231001 đến MN231021 và MN232022 đến MN232076. Trong đó, sản phẩm đàn Organ xuất xứ Trung Quốc có nhãn hiệu MN231020; sản phẩm tivi màu 55 inch xuất xứ Indonesia có nhãn hiệu MN231018. Thế nhưng theo các đại lý phân phối mà nhóm phóng viên khảo sát thì không có sản phẩm đàn Organ hay tivi nào có nhãn hiệu MN231020, MN231018.
Nghi vấn đội giá thiết bị ở gói thầu nhiều tỷ đồng
Tại "Gói thầu số 03: Mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng khu nội trú cho các trường phổ thông vùng đặc biệt khó khăn có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước với giá 13.689.773.000 VNĐ.
Sau khi kết thúc giai đoạn mở thầu, vẫn chỉ có một nhà thầu tham dự và được phê duyệt trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Hoàng Mai - Công ty TNHH Công nghiệp FDI Việt Nam với giá 13.504.279.000 VNĐ (Bằng chữ: Mười ba tỷ, năm trăm linh bốn triệu, hai trăm bảy mươi chín nghìn đồng).
Đáng chú ý, nhiều sản phẩm trúng thầu trong gói thầu này có giá cao hơn rất nhiều so với giá trên thị trường và mua sắm tập trung tại một số đơn vị công lập khác.
Qua khảo sát ngẫu nhiên 3/21 sản phẩm tại gói thầu số 03: Mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng khu nội trú cho các trường phổ thông vùng đặc biệt khó khăn có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nhóm phóng viên đã nhận thấy có sự khác thường do công ty cung cấp lại có giá cao hơn so với thị trường nhiều, cụ thể:
Sản phẩm bộ sa bàn giáo dục giao thông, xuất xứ Việt Nam được Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn duyệt mua với giá 970.200 VNĐ/cái. Trong khi đó giá bán sản phẩm này do Công ty CP sách và thiết bị giáo dục Miền Nam niêm yết chỉ 262.000 đồng/cái. Với số lượng 904 bộ sa bàn cần mua, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao lên tới hơn nửa tỷ đồng, chỉ tính riêng ở hạng mục này.
Hay như sản phẩm thiết bị âm thanh (dàn âm thanh) TRAmp-STU được Sở GD&ĐT Lạng Sơn duyệt mua với giá 13.607.000 VNĐ/cái trong khi cũng sản phẩm này, Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội chỉ mua với giá bằng một nửa, tức 6.050.000 VNĐ/cái. Với số lượng 143 chiếc, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao lên tới hàng trăm triệu đồng.
Tương tự, cây nước nóng lạnh HC01-W, xuất xứ Việt Nam do Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn duyệt mua với giá 4.455.000 VNĐ/cái nhưng theo khảo sát giá thị trường chỉ 2.450.000 VNĐ - 2.650.000 VNĐ/cái. Với số lượng cần mua 181 cây, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao của Sở GD&ĐT Lạng Sơn lên tới hàng trăm triệu đồng.
Tất cả những đơn giá phóng viên đã thu thập dùng làm cơ sở so sánh đều hoàn toàn trùng khớp với yêu cầu nêu trong chương V của E-HSMT, phù hợp theo tiêu chuẩn quy định về thiết bị dạy học tối thiểu của bộ Giáo dục và Đào tạo. Mức giá trên đã được cộng thêm các khoản thuế VAT, chi phí vận chuyển, lắp đặt và bảo hành sản phẩm.
Đó là chúng tôi mới chỉ điểm qua một vài thiết bị ngẫu nhiên trong gói thầu trị giá hơn 13,5 tỷ nhưng có sự chênh lệch giá đáng kể giữa giá duyệt mua của Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn so với sản phẩm cùng thông số kỹ thuật, xuất xứ được rao bán trên thị trường.
Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu thì việc chênh lệch giá tại các gói thầu thời gian qua thường ở mức cao hơn giá thành sản phẩm ngoài thị trường, thậm chí có những gói thầu đội giá rất cao khiến nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước là điều cần phải xem xét. Rất có thể xảy ra hiện tượng “thổi” giá trị sản phẩm, nâng khống giá thiết bị, khoản tiền chênh lệch sẽ đi đâu, vào túi ai là điều cần làm rõ(?).
Qua các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện trong thời gian qua cho thấy, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực, gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Việc gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.