Thực tiễn quản lý nguồn vốn trong công tác đấu thầu tại Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn với hàng loạt gói thầu giá trị “khủng” tiết kiệm 0 đồng

Hoàng Bảo - Minh Anh

06/04/2023 10:46

Trong giai đoạn 2021-2022, đã có khoảng hơn 40 gói thầu do Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn làm chủ đầu tư được triển khai dưới hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, rất nhiều gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm ở mức rất thấp, thậm chí bằng 0 đồng, chỉ có duy nhất một nhà thầu tham dự và nghiễm nhiên trúng thầu không có yếu tố cạnh tranh...

Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn là đơn vị thành viên Tổng công ty Xi măng Việt Nam, tiền thân là Công ty Xi măng Bút Sơn được thành lập theo Quyết định số 54/BXD-TCLĐ ngày 28/01/1997 của Bộ Xây dựng, khi đó, Công ty có 01 dây chuyền sản xuất hiện đại với công suất thiết kế 4.000 tấn clinker/ngày đêm, tương đương 1,4 triệu tấn xi măng/năm.

Thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước, ngày 06/12/2005 Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty xi măng Bút Sơn.

Ngày 23/3/2006 Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 485/QĐ-BXD điều chỉnh phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty Xi măng Bút Sơn thành Công ty Cổ phần Xi măng Bút Sơn. Từ ngày 01/5/2006, Công ty chuyển hoạt động từ mô hình doanh nghiệp Nhà nước sang hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần, mở đầu chặng đường mới với nhiều cơ hội, khó khăn và thách thức. Ngày 05/12/2006, cổ phiếu Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn với mã cổ phiếu là BTS chính thức giao dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội).

Ngày 17/5/2004, Phó Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 658/CP-CN cho phép đầu tư Dự án dây chuyền II Nhà máy Xi măng Bút Sơn công suất thiết kế 4.000 tấn Clinker/ngày đêm, tương đương 1,6 triệu tấn xi măng/năm. Ngày 26/01/2007, dây chuyền II Nhà máy xi măng Bút Sơn đã được khởi công xây dựng. Ngày 01/12/2010, dây chuyền 2 chính thức đi vào hoạt động, đưa tổng công suất của Công ty lên 3 triệu tấn xi măng/năm.

Kể từ khi đi vào hoạt động, 02 dây chuyền sản xuất luôn đạt và vượt công suất thiết kế; chất lượng sản phẩm tốt, ổn định, đảm bảo TCVN và hầu hết các tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm xi măng Bút Sơn mang nhãn hiệu “Quả địa cầu” từ năm 1998 đến nay được tiêu thụ tại thị trường trong nước, tự hào là sản phẩm chủ lực cung cấp cho các công trình trọng điểm Quốc gia như: Thủy điện Sơn La, Thủy Điện Na Hang, Sân Vận Động Quốc Gia Mỹ Đình, cầu Thanh Trì, cầu Yên Lệnh, đường Hồ Chí Minh…và đáp ứng phần lớn nhu cầu xây dựng dân dụng. Từ năm 2010, Công ty đã mở rộng xuất khẩu sang một số nước khu vực Châu Á, Châu Phi, Châu Âu…

Đến nay, sau gần 25 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu xi măng Vicem Bút Sơn ngày càng được khẳng định trên thị trường trong nước và xuất khẩu, được đông đảo khách hàng tin dùng, đánh giá cao. Công ty luôn duy trì ổn định việc làm cho hơn 1.200 lao động với đời sống, thu nhập ngày càng nâng cao; môi trường, điều kiện làm việc ngày càng được cải thiện.

Với sự phấn đấu bền bỉ và những thành tích đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn đã được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước và các Bộ, Ban ngành, tỉnh, Đoàn thể TW trao tặng: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ Thi đua của Chính phủ; Bằng Khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ Thi đua Bộ Xây dựng; Bằng khen Bộ Xây dựng, Cờ Thi đua của UBND Tỉnh Hà Nam, Cờ thi đua của Tổng công ty Xi măng Việt Nam…và nhiều phần thưởng cao quý khác.

1-1680748507.png

Website của công ty cổ phần Xi Măng Vicem Bút Sơn

Những gói thầu tiền tỷ, tiết kiệm “0 đồng”

Kết quả phân tích dữ liệu của phần mềm đấu thầu cho thấy, Công ty cổ phần Xi Măng Vicem Bút Sơn có quan hệ với 125 nhà thầu, doanh nghiệp này đã thực hiện mời thầu 583 gói thầu (với 618 thông báo mời thầu), thực hiện mời sơ tuyển 1 gói, đã công bố kết quả 436 kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Tổng giá trị theo gói thầu có kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) hợp lệ là 10.637.017.234.638 đồng (Bằng chữ: Mười nghìn sáu trăm ba mươi bẩy tỷ, không trăm mười bẩy triệu, hai trăm ba mươi tư nghìn, sáu trăm ba mươi tám đồng); trong đó tổng giá trị trúng thầu là 8.809.809.140.128 đồng, tỉ lệ tiết kiệm là 17,18%.

2-1680748663.jpg

Kết quả phân tích dữ liệu của phần mềm đấu thầu cho bên mời thầu Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn. Ảnh chụp màn hình.

Theo tìm hiểu ngẫu nhiên 12 gói thầu trong giai đoạn 2021-2022, thì cả 12/12 gói tỉ lệ tiết kiệm dưới 1%, 5/12 gói thầu tiết kiệm “0” đồng, các gói còn lại tỉ lệ tiết kiệm sát mức 0%.

Tổng giá trị trúng thầu của 12 gói này là 342.082.172.153 đồng (Bằng chữ: Ba trăm bốn mươi hai tỷ, không trăm tám mươi hai triệu, một trăm bẩy mươi hai nghìn, sáu trăm năm mươi ba đồng), tuy nhiên tiền tiết kiệm chỉ đạt 373.849.293 đồng (Bằng chữ: Ba trăm bẩy mươi ba triệu, tám trăm bốn mươi chín nghìn, hai trăm chín ba đồng), tỉ lệ tiết kiệm là 0,11%. 

3-1680748663.jpg

12/12 gói thầu nghiên cứu ngẫu nhiên giai đoạn 2021-2022 có tỉ lệ tiết kiệm sát mức 0% thậm chí là 0 đồng.

Điển hình, ngày 07/09/2021 ông Đỗ Tiến Trình – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi Măng Vicem Bút Sơn đã ký quyết định số 1091/BTS-VT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu: Cung cấp đất phong hóa phục vụ sản xuất. Đơn vị trúng thầu: Liên danh Công ty Tiến Ngân & Công ty Hạ Tầng Hà Nam với giá trúng thầu: 18.150.000.000 đồng (Bằng chữ: Mười tám tỷ, một trăm năm mươi triệu đồng chẵn).

Nhà thầu chào thầu chính xác 100% so với giá dự toán, đồng nghĩa với việc không tiết kiệm được đồng nào cho nguồn vốn, chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham dự và nghiễm nhiên trúng thầu không có yếu tố cạnh tranh (?)

4-1680748663.jpg

Quyết định số 1091/BTS-VT, ngày 07/09/2021 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu: Cung cấp đất phong hóa phục vụ sản xuất.

Vào tháng 3/2021, trong liên tiếp 2 ngày 24 và 25, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn và Công ty TNHH Dịch vụ vận tải và xếp dỡ Nam Sơn trúng các gói thầu Bốc xếp xi măng DC 1 và 2 với giá trị lần lượt là 9.861.890.000 đồng (Bằng chữ: Chín tỷ, tám trăm sáu mươi mốt triệu, tám trăm chín mươi nghìn đồng) và 8.843.534.000 đồng (Tám tỷ, tăm trăm bốn mươi ba triệu, năm trăm ba mươi tư nghìn đồng). Cả 2 gói thầu này số tiết kiệm bằng 0 đồng.

5-1680748663.jpg

Quyết định số 162/BTS-VT, ngày 03/02/2021 về việc phế duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu: Cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất xi măng.

Đáng chú ý, kịch bản “tiết kiệm 0 đồng” tiếp tục được lặp ở 02 gói thầu khi được ký quyết định vào cùng 1 ngày.

Cụ thể: Ngày 03/02/2021 ông Đỗ Tiến Trình – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi Măng Vicem Bút Sơn đã ký quyết định số 162/BTS-VT về việc phế duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu: Cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất xi măng. Đơn vị trúng thầu: Công ty TNHH đầu tư Vawaz Việt Nam với giá trúng thầu: 71.400.000.000 đồng (Bằng chữ: Bảy mươi mốt tỷ, bốn trăm triệu đồng chẵn).

Cùng ngày ông Đỗ Tiến Trình ký quyết định số 172/BTS-VT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu: Cung cấp nhiên liệu phục vụ sản xuất. Đơn vị trúng thầu: Công ty TNHH xuất khẩu Nam Phương với giá trúng thuầu: 6.894.720.000 đồng (Bằng chữ: Sáu tỷ, tám trăm chín tư triệu, bẩy trăm hai mươi nghìn đồng). Không chỉ tiết kiệm “tiết kiệm 0 đồng”, cả 2 gói thầu nêu trên đều “trùng hợp” chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham dự và nghiễm nhiên trúng thầu không có yếu tố cạnh tranh (?).

6-1680748663.jpg

Quyết định số 172/BTS-VT, ngày 03/02/2021 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu: Cung cấp nhiên liệu phục vụ sản xuất.

Trước đó, ngày 26/02/2021 tại 2 gói thầu: Cung cấp đá bazan phục vụ sản xuất và Cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng được ký trong cùng một ngày.

Điều đáng nói, tổng giá trị của 2 gói thầu 64.829.596.000 đồng nhưng tiết kiệm chưa đến 50.000.000 đồng (cả 2 gói thầu chỉ tiết kiệm được 36.296.000 đồng); tỉ lệ tiết kiệm đạt 0,055%.

7-1680748663.jpg

Quyết định số 232/BTS-VT và Quyết định số 233/BTS-VT, do ông Đỗ Tiến Trình – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn ký ngày 26/02/2021.

Có bất thường trong hoạt động đấu thầu (?)
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước. 

Nêu quan điểm về tình trạng đấu thầu, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: Đấu thầu thực chất là quá trình lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất, hướng đến nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả. Để đảm bảo cho hoạt động này được diễn ra thuận lợi, pháp luật về đấu thầu đã có những quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu thầu trong đó có hành vi thông thầu và gian lận thầu. Đồng thời, xác lập các quy định về xử lý vi phạm trong đấu thầu nhằm răn đe các hành vi tiêu cực có thể xảy ra, tạo hành lang pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. 

Có thể nói đầu thầu là một phương thức giao dịch đặc biệt, là một hình thức kinh doanh dựa vào tính chất cạnh tranh của thị trường. Khi có một thương vụ mua bán hay kinh doanh xây dựng các công trình có liên quan đến nhiều người hoặc nhiều bên khác nhau người ta sẽ áp dụng hình thức đầu thầu để có thể cạnh tranh một cách công khai và công bằng.

Việc những nhà thầu "quen mặt", trúng thầu sát giá hay tỷ lệ tiết kiệm ngân sách gói thầu thấp là một trong các vấn đề gây bức xúc trong công tác đấu thầu hiện nay. Đối với các trường hợp này cần xem xét lại quy trình đấu thầu có được làm đúng, đủ, công khai, minh bạch hay không.

Bên cạnh đó, việc nhiều gói thầu trúng thầu sát giá, tỷ lệ tiết kiệm thấp tại một chủ đầu tư cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy có sự bất thường trong hoạt động đấu thầu. Nếu trường hợp hiện tượng này diễn ra phổ biến, thường xuyên thì cơ quan cơ quan chức năng cần xem xét vào cuộc kiểm thanh kiểm tra, làm rõ.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ tiết kiệm thấp là tỷ lệ cạnh tranh trong đấu thầu thấp, đặc biệt là ở các gói thầu xây lắp. Bởi, theo kết quả khảo sát trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia ghi nhận khá phổ biến tình trạng đấu thầu không cạnh tranh, mỗi gói thầu xây lắp chỉ có 1 nhà thầu tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Đấu thầu là một hình thức cạnh tranh văn minh trong nền kinh tế thị trường phát triển nhằm lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu kinh tế kỹ thuật của chủ đầu tư. Đấu thầu phải đảm bảo bốn nội dung: hiệu quả – cạnh tranh – công bằng – minh bạch.

Hiệu quả có thể về mặt tài chính hoặc về thời gian hay một tiêu chí nào khác tùy thuộc vào mục tiêu của dự án. Với các dự án có tổng đầu tư lớn, có giá trị về mặt kinh tế hoặc xã hội thì công tác đấu thầu là một khâu quan trọng không thể thiếu và đấu thầu phải tuân thủ theo quy định của nhà nước hoặc tổ chức tài chính cho vay vốn.

Hoàng Bảo - Minh Anh