Chỉ chưa đầy ba tháng, lần lượt RedDoorz, OYO - các công ty nhượng quyền và cho thuê khách sạn lần lượt công bố chính thức bước vào thị trường Việt Nam.
Mới đây nhất, OYO, kì lân đến từ Ấn Độ chính thức ra mặt thị trường Việt Nam. Chia sẻ trong thông cáo báo chí, OYO cho biết, đã có 90 khách sạn đối tác với hơn 1.500 phòng tại sáu thành phố du lịch của Việt Nam bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu và Nha Trang. Công ty đặt kế hoạch sẽ tăng thành 10 điểm đến năm 2020. Đồng thời, OYO cũng cho biết sẽ rót 50 triệu USD vào thị trường Việt Nam.
Thành lập từ năm 2013, OYO hoạt động theo mô hình nhượng quyền khách sạn. Trong đó, OYO sẽ đóng vai trò tạo quy chuẩn chung cho hệ thống của OYO và kiểm soát dịch vụ. Các khách sạn đăng kí nhượng quyền sẽ kinh doanh theo mô hình sản phẩm của OYO bao gồm, thương hiệu, hình ảnh, cách thức phục vụ theo quy chuẩn của công ty đề ra chung cho toàn bộ hệ thống. Ứng dụng app trên smartphone mà OYO xây dựng sẽ tạo giải pháp đặt phòng online cho khách và kiêm luôn vai trò marketing.
Trước khi vào Việt Nam, OYO đã có mặt tại Philippines, Malaysia, và Indonesia. Hồi tháng 3.2019, một đối thủ của OYO đến từ Indonesia, RedDoorz cũng chính thức ra mắt thị trường Việt Nam.
Tăng trưởng lượng khách du lịch đến Việt Nam là cơ hội tuyệt vời khiến chúng tôi đưa ra quyết định xây dựng hệ sinh thái dịch vụ du lịch tại quốc gia này, chia sẻ của ông Anil Goel, Giám đốc Sản phẩm và Công nghệ Toàn cầu của OYO Hotels & Homes nói trong thông cáo báo chí.
Năm 2018, Việt Nam đón hơn 15 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 20% so với năm 2017, theo số liệu của Tổng cục Du lịch. Trong đó, tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt 620 nghìn tỉ đồng, với gần 1.000 cơ sở lưu trú từ ba sao trở lên, tương ứng với khoảng gần 130 nghìn buồng phòng, tăng hơn 20% so với năm 2017.
Các dịch vụ như OYO hay RedDoorz đang thay đổi cách thức kinh doanh trong ngành khách sạn nói riêng và dịch vụ du lịch nói chung. Các dịch vụ như OYO ra đời và nhanh chóng trở nên phổ biến tại hầu hết các thành phố lớn tại Ấn Độ, đặc biệt tại những nơi mà cơ sở hạ tầng cho du lịch vẫn chưa phổ biến, như Kolkata, Shipra Shekhar, 28 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, từng có kinh nghiệm du lịch một mình qua 15 quốc gia, chia sẻ với Tạp chí Nhà Quản Lý. Tại Ấn Độ, khi những dịch vụ như OYO tạo ra sự chuẩn hóa mới cho thị trường, khách hàng có xu hướng dựa vào đó để đánh giá chất lượng cho các điểm lưu trú, Shipra cho biết thêm. Hiện OYO đang là nhà cung cấp dịch vụ lưu trú lớn nhất tại Ấn Độ.
Theo phân tích của đại học Harvard Business School, OYO tiếp cận các khách sạn có giá cả vừa phải và mua lại các phòng trống với mức giá đảm bảo tối thiểu cho chủ khách sạn. Để bán phòng cho OYO, khách sạn phải đáp ứng các hướng dẫn tiêu chuẩn hóa của OYO, bao gồm Wi-Fi miễn phí, vải rèm trắng sạch, TV màn hình phẳng, bao gồm bữa sáng. Khách sạn đạt chuẩn sẽ được gắn nhãn là Khách sạn OYO trong khi vẫn giữ nguyên tên khách sạn của mình. OYO sau đó đưa những phòng này vào danh sách của OYO trên ứng dụng.
Harvard Business School cũng đánh giá, những quốc gia như Ấn Độ, nơi có một lượng lớn khách sạn phát triển ồ ạt và phân mảnh, chính là nơi để các dịch vụ như OYO cất cánh. Ấn Độ có tới hàng triệu phòng khách sạn nhưng lại thiếu thương hiệu có uy tín và phương thức để đánh giá chất lượng và hầu hết không như mong đợi. Bằng cách hệ thống các khách sạn không có thương hiệu dưới chiếc ô của OYO, dịch vụ thu hút khách du lịch thông qua việc tạo nên sự tin tưởng, và chất lượng.
Các dịch vụ này đang nhận được sự quan tâm đầu tư của các quỹ tài chính lớn trên thế giới. SoftBank Vision Fund, Sequoia Capital and Lightspeed Venture Partners đang là những nhà đầu tư chính của OYO. Startup này được định giá ở mức năm tỉ USD. OYO hiện có 23.000 khách sạn tại các quốc gia trong khu vực Châu Á, Châu Âu, Mỹ. Còn đối thủ RedDoorz, sau ba năm thành lập, startup này cho biết, đã có mặt tại bốn quốc gia với mạng lưới hơn 1.000 khách sạn tại khu vực Đông Nam Á và nhận đầu tư từ các quỹ Jungle Venture, Innoven hay IFC.