Đây là một trong những hoạt động triển khai Nhiệm vụ “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 của Bộ Khoa học và Công nghệ do Cục Sở hữu trí tuệ quản lý.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng đối với không chỉ chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng, chủ thể sản xuất, kinh doanh, mà còn liên quan đến vấn đề phát triển của quốc gia; là nghĩa vụ bắt buộc và là điều kiện tiên quyết đối với các quốc gia là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới và với những quốc gia muốn trở thành thành viên của Tổ chức này.
Nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển, đã coi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một điều kiện không thể thiếu để thiết lập mối quan hệ thương mại, việc thực hiện không đầy đủ về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể tạo ra sự căng thẳng về thương mại. Bên cạnh đó, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn góp phần trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại lành mạnh trên phạm vi toàn cầu.
Tại buổi đào tạo, tập huấn các học viên được nghe các chia sẻ về Tổng quan sở hữu trí tuệ; Khai thác thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; Hướng dẫn tìm kiếm thông tin công nghệ, lựa chọn công nghệ thích hợp cho doanh nghiệp; Mối liên kết giữa chiến lược công nghệ và chiến lược kinh doanh và Phương thức đánh giá năng lực tiếp nhận công nghệ; Phương thức thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, thông tin liên quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp do Cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia hoặc Tổ chức sở hữu công nghiệp quốc tế công bố. Trong đó bao gồm: thông tin về các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và các bằng độc quyền/giấy chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp được định kỳ công bố theo tuần, tháng…
Chia sẻ tại buổi tập huấn, Ths. Lê Thị Khánh Vân – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp nhận định, công nghệ tốt đủ sức cạnh tranh, tạo sản phẩm chất lượng là một trong những yếu tố tạo nên kinh doanh tốt. Công nghệ tốt, nhưng trong quá trình phát triển, nếu không phân tích tốt nhu cầu thị trường tương lai - kinh doanh sẽ kém đi dẫn tới công nghệ trở thành lạc hậu.
Do vậy, căn cứ vào năng lực của chủ thể có nhu cầu đổi mới công nghệ, ta cần xem xét 4 yếu tố: Thị trường, Công nghệ, Nguồn nhân lực, Tài chính. Nếu chủ thể thiếu một trong 4 yếu tố trên sẽ không đủ năng lực tiếp nhận công nghệ.
Cũng theo Ths. Lê Thị Khánh Vân, công nghệ mới phải được định giá bằng nhiều biện pháp như: Tìm kiếm thông tin liên quan, Phân tích nhu cầu của thị trường, Thông tin về các công nghệ tương tự của đối thủ cạnh tranh. Qua đó, tiềm năng thương mại hoá của công nghệ mới sẽ được đánh giá cụ thể và tương đối chính xác. Kết quả đánh giá có thể được xem xét để xây dựng kế hoạch bảo vệ và khai thác công nghệ mới hay kết quả nghiên cứu.