Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội nhận định, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ phát triển liên tục luồng sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, cạnh tranh, đem lại lợi ích cho người tiêu dung; thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn khỏi hiện tượng hàng giả, hàng lậu.
Tại Hội thảo, ông Ðào Anh Dũng – Phó giám đốc Trung tâm Thẩm định kiểu dáng công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã giải thích một số khái niệm cơ bản. Theo đó, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng quy luật tự nhiên.
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm, sản phẩm phức hợp.
Chia sẻ ý kiến về lĩnh vực này, PGS.TS Bùi Thị An – Viện Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng cho biết, chúng ta đều biết sở hữu trí tuệ là tiền là vàng. Nhưng nhiều trí thức không quan tâm tới sở hữu trí tuệ, như thế hệ của bà, do luật chưa có, ngoài ra, thủ tục rườm rà. Đến giờ, thì nhiều người đã quan tâm, tuy nhiên, cùng với đó là những băn khoăn.
Bà An nêu thực tế, nhiều nhà khoa học đi làm cho các doanh nghiệp, theo luật các tổ chức có quyền đăng ký sở hữu trí tuệ, nhưng nếu các nhà nghiên cứu không biết quyền lợi của mình sẽ dẫn tới những thiệt thòi.
“Chẳng hạn, doanh nghiệp ra một giá nhất định, rồi họ toàn quyền sử dụng sáng chế, thì các nhà khoa học cũng không biết cách để thỏa thuận. Nên tôi mong muốn tới đây, Luật Sở hữu trí tuệ có thể bổ sung nội dung bảo vệ quyền lợi cho các nhà khoa học, có cách nào đó để họ có thể được trả tiền đúng với giá trị chất xám của mình, để giới trí thức đỡ bị thiệt thòi. Bởi đặc điểm của trí thức là rất tự trọng, nếu cứ bắt họ đi đi lại lại, xin cho, họ rất ngại” – PGS.TS Bùi Thị An đề xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng ban Pháp chế, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam nhận định, một số thay đổi nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả là đã định nghĩa cụ thể hơn về đồng tác giả, cho phép chuyển giao quyền nhân thân, bổ sung và làm rõ một số trường hợp ngoại lệ và hạn chế đối với quyền tác giả và quyền liên quan.
Về sáng chế đã mở rộng phạm vi của “giải pháp kỹ thuật đã biết” bao gồm cả những đơn sáng chế có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn của đơn đang thẩm định. Bổ sung một số căn cứ mới cho việc hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế. Nới lỏng quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài.
Về nhãn hiệu đã giảm khoảng thời gian nhãn hiệu hết hạn hiệu lực có thể được sử dụng làm đối chứng từ 5 năm xuống còn 3 năm, cho phép tạm dừng thủ tục thẩm định đơn nhãn hiệu để chờ kết quả của việc chấm dứt hoặc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đối chứng.
Về thực thi quyền sở hữu trí tuệ: Cơ chế thực thi quyền được giữ nguyên với đủ 3 biện pháp: Hành chính, dân sự, hình sự; cho phép sự tham gia chủ động của cơ quan hải quan trong trường hợp phát hiện hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ; đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian bước đầu bị ràng buộc trách nhiệm liên quan tới quyền tác giả, quyền liên quan; pháp nhân thương mại được bao gồm trong đối tượng bị xử lý hình sự.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, cụ thể: quyền tác giả, sáng chế, nhãn hiệu; đề xuất về việc phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ; trong công tác nghiên cứu khoa học và thực hiện các đề án, đề tài, công trình khoa học, hoặc viết sách, viết các bài báo khoa học; cẩn trọng tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả, để tránh vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.