Mua lại mỏ Hải Sư Trắng và Hải Sư Đen từ Repsol, Bitexco Group của đại gia Vũ Quang Hội nhảy vào lĩnh vực dầu khí

Lê Long

28/08/2021 22:04

Tập đoàn Bitexco của doanh nhân Vũ Quang Hội vừa mua lại Talisman Vietnam thuộc sở hữu Repsol – nhà đầu tư sở hữu 60% mỏ dầu khí ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam. Bitexco Group là tập đoàn tư nhân thứ 2 của Việt Nam, sau Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tham gia vào lĩnh vực dầu khí ở Việt Nam.

Ngày 20/8, Bitexco Energy Ltd (công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Bitexco) đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Repsol Exploración SA để mua lại toàn bộ cổ phiếu thuộc sở hữu Repsol của Talisman Việt Nam (15-2/01).

screenshot-2-1630162121.jpg
 Thông báo Bitexco mua toàn bộ cổ phiếu Talisman Vietnam thuộc sở hữu Repsol trên website BItexco Group

Talisman Vietnam (15-2/01) Ltd là hiện nắm giữ 60% phần tham gia trong Hợp đồng dầu khí Lô 15-2/01, ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam và giữ 60% quyền điều hành trong Công ty Điều hành chung Thăng Long – JOC.

Bitexco thông tin thương vụ dự kiến kết thúc trước cuối năm khi nhận được các sự chấp thuận cần thiết của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.

Vào năm 2005, Talisman Vietnam (15-2/01) Ltd đã cùng với Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) thuộc PVN ký hợp đồng dầu khí lô 15-2/01 ngoài khơi Việt Nam. Theo thỏa thuận, Talisman tham gia 60% quyền lợi và nghĩa vụ hợp đồng, PVEP tham gia 40%. Các bên lập liên doanh điều hành chung là Thăng Long JOC để tiến hành các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.

Lô 15-2/01 có diện tích khoảng 2.800 km2, có mực sâu nước biển khoảng 25-50m, nằm ở khu vực trung tâm của bể Cửu Long, là bể trầm tích có tiềm năng dầu khí cao với một số mỏ dầu có trữ lượng lớn đang khai thác, cách thành phố Vũng Tàu khoảng 20 km về phía Đông.

Sau hơn 1 năm thành lập (tháng 9/2006), mỏ Hải Sư Trắng thuộc dự án đã có phát hiện dầu từ giếng khoan HST-1X. Đến tháng 9/2007, mỏ Hải Sư Đen đã được phát hiện từ giếng HSĐ-1X. Cả 2 mỏ được đưa vào khai thác từ 2013 với sản lượng 10.000 thùng/ngày.

Bitexco tham gia vào lĩnh vực năng lượng từ 2002. Theo giới thiệu, tập đoàn sở hữu 21 dự án năng lượng điện, 2 mỏ dầu khí. Bitexco chiếm 15% cổ phần trong liên doanh khai thác giàn khoan CTC1 mỏ Cá Tầm, lô 09/3-12 cùng với Việt – Nga Vietsovpetro (VSP), PVEP, việc khai thác thành công bắt đầu từ 25/1/2019. Tại lô 16-1/15 vẫn đang triển khai nghiên cứu, thăm dò. Lô 16-1/15 có sự tham gia của các bên bồm VSP (là nhà điều hành) 51%, PVEP 29%, Bitexco 10% và Sovico 10%.

Ngoài Bitexco Group, trong lĩnh vực này, Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là tập đoàn nổi lên với việc tham gia cổ phần vào nhiều lô dầu khí từ nhiều năm trước.

Năm 2017, Sovico của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã ký hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) tại lô 125-126 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam với Petrovietnam và tập đoàn dầu khí SOCO International của Anh.

Tập đoàn của Anh nắm giữ 70% lợi ích trong hợp đồng này, trong khi tỷ lệ của hai đối tác Việt Nam không được công bố.

SOCO đã bắt đầu quan tâm đến lô dầu khí này từ năm 2010 và sau nhiều năm theo nghiên cứu, đàm phán, đến tháng 7/2015, một thỏa thuận ghi nhớ đã được ký giữa 3 bên. Hơn 2 năm sau, hợp đồng PSC mới được cơ quan chức năng Việt Nam phê duyệt.

Theo kế hoạch, giếng khoan thăm dò đầu tiên tại lô dầu khí trong hợp đồng này sẽ được thực hiện vào năm 2021. Lô dầu khí 125-126 nằm tại bể Phú Khánh, ngoài khơi miền Trung, được đánh giá cao về tiềm năng dầu khí nhưng chưa có nhiều hoạt động khai thác.

Đây không phải là lần đầu tiên tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo xuất hiện trong một hợp đồng dầu khí của Việt Nam.

Hồi tháng 5, nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Sovico và các đối tác đã trao bản đề xuất ký hợp đồng dầu khí Lô 15-2/17, thuộc bể trầm tích Cửu Long để PetroVietnam và cơ quan chức năng phê duyệt.

125126-1-1630162121.png
PetroVietnam, Sovico và SOCO ký biên bản ghi nhớ năm 2015.

Lô dầu khí này có diện tích khoảng 2.576 km2, nằm cách thành phố Vũng Tàu khoảng 75 km về phía Đông Nam. Tổ hợp Nhà thầu tham gia vào hợp đồng này gồm tập đoàn Murphy (35%), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí - PVEP (35%), tập đoàn SK Innovation - Hàn Quốc (20%) và Sovico (10%).

Trước đó một năm, một hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí Lô 16-01/15 cũng được ký giữa PetroVietnam với Liên doanh Vietsovpetro (51%); PVEP (29%); Bitexco (10%) và Sovico (10%). 

Lô 16-01/15 cũng nằm trong bể trầm tích Cửu Long, khu vực khai thác dầu khí sôi động nhất ngoài khơi Việt Nam trong nhiều năm qua.

Bên cạnh việc góp vốn nắm giữ lợi ích tại các lô dầu khí, Sovico và các công ty liên quan đang nắm giữ phần lớn cổ phần tại công ty Petechim, một công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật, thương mại và thiết bị cho các dự án trong ngành dầu khí. Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch của Sovico trực tiếp là chủ tịch của công ty này.

Trong những năm gần đây, Petechim được định hướng trở thành nhà tổng thầu (EPC) trong lĩnh vực hạ nguồn dầu khí với sự hỗ trợ của tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Cùng với nhóm cổ đông Sovico, công ty Petechim đang xem xét việc đầu tư góp vốn vào PV Oil, PV Power, nhà máy lọc dầu Dung Quất và các công ty của Vietsovpetro khi các doanh nghiệp này cổ phần hóa hoặc lập liên doanh.

Lê Long