Liên tiếp phát hiện giấy xét nghiệm COVID-19 giả

Minh Quân (t/h)

29/07/2021 10:49

Lợi dụng việc nhiều người dân cần giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính để thông hành, một số đối tượng đã trục lợi bằng cách làm giấy xét nghiệm Covid-19 giả, nhận tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ giá từ 600.000 đồng đến 1.250.000 đồng để chiếm đoạt tiền.

giay-xet-nghiem-covid19-gia-1627476603.jpg

Giấy xét nghiệm giả bị phát hiện.

Ngày 28/7, Công an TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết đang tiến hành điều tra, xử lý đối tượng làm giấy xét nghiệm COVID-19 giả bán cho người dân để sử dụng qua các chốt kiểm soát.

Trước đó theo báo cáo của chốt kiểm soát tại cầu Phú Cường (phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một), khoảng 18h ngày 22/7, một người chạy xe ôm tên Q. (ngụ phường Hiệp Thành, TP. Thủ Dầu Một) trình giấy xét nghiệm có kết quả âm tính để qua chốt kiểm soát.

Phát hiện giấy tờ trên là  giả, lực lượng chức năng đã mời anh Q. làm việc. Tại đây anh Q. khai mua giấy xét nghiệm giả từ một thanh niên không rõ lại lịch tại phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát (Bình Dương) với giá 70.000đ.

Sau đó không lâu, cũng tại chốt kiểm soát này lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện một người đàn ông tên T. đi từ hướng Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) sang Bình Dương sử dụng giấy xét nghiệm giả.

Anh T. cho biết, do nhu cầu đi làm việc phải thường xuyên qua lại cầu Phú Cường nên anh có đến một phòng khám nằm trên Đại lộ Bình Dương (phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một) để làm xét nghiệm COVID-19. Tại đây, có một người đàn ông gạ bán cho anh giấy xét nghiệm COVID-19 kết quả âm tính giả với giá 450.000đ. 

Ngày 29/7, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP HCM phối hợp Công an TP Thủ Đức đã bắt Nguyễn Minh Phụng, (25 tuổi, ngụ TP Thủ Đức)  về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, cảnh sát phát hiện Phụng đăng Facebook, Zalo... chào bán giấy xét nghiệm Covid-19 để người dân thông hành qua các chốt kiểm dịch; nhận tiêm vaccine các loại như Pfizer (1.250.000 đồng/liều), AstraZeneca (1.080.000 đồng/liều) và bán nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Để tạo lòng tin, Phụng cho khách hàng xem những hình ảnh, video... về sản phẩm rồi yêu cầu chuyển một phần tiền đặt cọc.

Theo cơ quan điều tra, đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp vì muốn nhanh chóng có giấy thông hành cho nhân viên đi lại; muốn tiếp cận nguồn vaccine sớm nên liên hệ Phụng để mua. Nhưng sau khi các nạn nhân chuyển khoản, Phụng chặn liên lạc, chiếm đoạt tiền.

Minh Quân (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Liên tiếp phát hiện giấy xét nghiệm COVID-19 giả" tại chuyên mục Sức khỏe.