Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex; HOSE: PLX) ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 68.656 tỷ đồng, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm từ 4.285 tỷ xuống còn gần 3.982 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính sụt giảm mạnh, từ hơn 920 tỷ xuống còn 606 tỷ đồng. Các mảng chi phí đều chiếm tỉ trọng cao như: Chi phí tài chính hơn 357 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăn 2% lên 3.252 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 24% lên 299 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lợi nhuận khác lại giảm tới 82%, từ 288 tỷ còn gần 51 tỷ đồng, do gần như không còn ghi nhận thu nhập từ việc thanh lý nhượng bán tài sản cố định.
Cuối cùng, Petrolimex ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế đạt gần 850 tỷ và 764 tỷ đồng; lần lượt giảm 48,4% và 46% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế cả năm 2023, nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước đạt hơn 274.200 tỷ đồng, giảm gần 10% so với kết quả thực hiện được năm 2022, tương đương mang về hơn 750 tỷ đồng doanh thu mỗi ngày.
Tuy nhiên, lãi sau thuế cả năm 2023 tăng hơn 60%, khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương lãi hơn 8 tỷ đồng mỗi ngày. Khoản lãi này của doanh nghiệp nhờ mức lãi lớn trong quý III do ghi nhận khoản lợi nhuận hoạt động tài chính từ kết quả thoái vốn tại PGBank.
So với kế hoạch được ĐHĐCĐ 2023 thông qua, tập đoàn vượt 44% chỉ tiêu doanh thu, và vượt gần 22% mục tiêu lợi nhuận trước thuế của cả năm.
Tính đến ngày 31/12/2023, quy mô tổng tài sản của Petrolimex đạt gần 79.000 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi nắm giữ tăng mạnh 60%, lên gần 30.000 tỷ đồng và hơn 14.600 tỷ đồng là hàng tồn kho, giảm hơn 2.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và trích lập dự phòng giảm giá hơn 45 tỷ đồng.
Hết năm 2023, nợ phải trả của Petrolimex tăng gần 7% lên gần 50.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với gần 49.000 tỷ đồng, tổng nợ vay là gần 20.000 tỷ đồng chủ yếu là nợ vay ngắn hạn.
Hiện, tại thị trường Việt Nam, Petrolimex sở hữu hơn 50% thị phần kinh doanh, bán lẻ xăng dầu với 43 đơn vị thành viên trực tiếp kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc với 5.500 cửa hàng xăng dầu.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ngày 6/2/2024, ông Đào Nam Hải - Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, với việc đảm bảo xăng dầu năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán, Petrolimex đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch tạo nguồn ngay từ cuối năm 2023.
Theo đó, cuối tháng 12/2023, Petrolimex đã xây dựng kế hoạch nhập khẩu dài hạn khoảng 70% so với dự kiến đơn vị có thể bán ra. Trong tháng 1/2024, tập đoàn đã nhập khẩu trên 1 triệu m3 xăng dầu các loại, tăng hơn 10% so với cùng kỳ và tăng khoảng 10% so với tổng nguồn Bộ Công Thương phân giao bình quân một tháng cho Petrolimex. Tập đoàn cũng lên các kịch bản để ứng phó với những tình huống khác nhau.