HoREA kiến nghị không siết chặt tín dụng đối với người vay có tài sản đảm bảo

Gia Bình

30/06/2022 13:14

Vừa qua, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã có văn bản góp ý về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đặc biệt, HoREA cho rằng, cần cho vay tín dụng đối với những khách hàng có tài sản đảm bảo.

Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, một số nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo là chưa hợp lý, chưa hạn chế được rủi ro tín dung. Tuy nhiên, lại có biểu hiện của việc thắt chặt tín dụng.

Theo đó, HoREA đồng tình về nguyên tắc tổ chức tín dụng không được cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng, nhưng đề nghị cho vay trong trường hợp khách hàng có tài sản bảo đảm. Điển hình, như cho vay mở sổ tiết kiệm để chưng mình tài chính để đi du học, du lịch, tham gia đấu thầu, đấu giá…mà khách hàng có tài sản đảm bảo.

Tương tự, khách hàng vay vốn với mục đích góp vốn, hợp tác đầu tư, hiệp hội này cũng kiến nghị cho vay trong trường hợp khách hàng có tài sản bảo đảm. Ví dụ như cho vay để góp vốn thành lập công ty; hợp tác đầu tư với bên thứ ba; nhận chuyển nhượng vốn gópmà người vay có tài sản bảo đảm.

Hiệp hội cho rằng việc kiểm soát nhu cầu vốn thông qua biện pháp không được cho vay tín dụng chỉ nên quy định trong các trường hợp như mua bán vũ khí, ma túy, buôn lậu; mua bán vàng miếng hay vay để đảo nợ hoặc nhằm mục đích che giấu nợ quá hạn/nợ xấu.

1-1656542756.jpg
HoREA cho rằng, không nên siết chặt tín dụng đối với người có tài sản đảm bảo khi đi vay ngân hàng.

Ngoài ra, đối với các ngành nghề không khuyến khích cho vay thì chỉ yêu cầu áp dụng các điều kiện tín dụng khắt khe hơn để hạn chế tín dụng, đơn cử như giới hạn tỷ lệ cho vay/tài sản bảo đảm; giới hạn về tỷ lệ cho vay/tổng dư nợ…

Tuy nhiên, đối với khách có lịch sử tín dụng tốt, có tài sản bảo đảm tốt, thanh khoản cao, pháp lý đầy đủ thì tài sản đó cũng được xem là nguồn lực tài chính của khách hàng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, còn cho rằng việc NHNN chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng quy định nội bộ của các tổ chức tín dụng là rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Châu, quy định tại dự thảo nêu trên sử dụng từ "kiểm soát" việc "cho vay mua, kinh doanh bất động sản" và "kiểm soát" việc "cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn" nên đã dẫn đến luồng dư luận cho là NHNN định hướng "thắt chặt" tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.

Việc thắt chặt này, hướng đến khoản cho vay để mua bất động sản cao cấp do đây là khoản vay "có giá trị lớn", có thể dẫn đến hệ quả là các tổ chức tín dụng "ngại" hoặc "không dám" cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp và kể cả cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua bất động sản, nhà ở hoặc vay để xây nhà, sửa chữa nhà.

Lãnh đạo HoREA cho rằng, việc quy định này nếu đưa vào thực thi sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.

Do vậy, HoREA đề xuất nên thay thế từ "kiểm soát" bằng từ "quản lý" hoặc cụm từ "tăng cường quản lý" và NHNN cần quy định "khoản vay có giá trị lớn" để thuận tiện cho công tác thống kê và quản lý.

Gia Bình