HoREA kiến nghị mua nhà phải thanh toán qua ngân hàng, người dân quận 6 có thể mua NƠXH ở Bình Chánh

Gia Bình

27/06/2022 15:16

Vừa qua, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã có nhiều kiến nghị về việc người dân mua nhà cần phải thanh toán qua ngân hàng để tăng tính minh bạch. Đồng thời còn đề xuất người dân quận 6 có thể mua nhà ở xã hội (NƠXH) ở huyện Bình Chánh.

Theo HoREA, văn bản được gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng góp ý một số quy định của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

HoREA cho rằng, kiến nghị quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng sẽ làm tăng tính minh bạch của thị trường bất động sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, chống thất thu ngân sách Nhà nước và góp phần phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực này.

Hiệp hội BĐS TP.HCM còn cho rằng, hiện nay thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn thói quen thanh toán bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ nên chưa đảm bảo được tính minh bạch. Thậm chí, có trường hợp giá mua bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở ghi trong hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch thật. Điều này dẫn đến tình trạng chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp, hoặc có thể làm cho ngân sách Nhà nước bị thất thu.

121129940-3761859027166212-4042312336434663587-n-1656286973.jpg
Kiến nghị mua bán bất động sản cần phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng.

Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên Hiệp quốc về phòng, chống rửa tiền và để thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền, nên HoREA cho rằng, việc quy định thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng là rất cần thiết.

Cũng theo Hiệp hội, nội dung khoản 1, điều 16 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 về thanh toán trong giao dịch bất động sản quy định: Việc thanh toán trong giao dịch bất động sản do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán" cần được hướng dẫn thi hành tại Nghị định 02/2022 của Chính phủ với quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng để làm tăng tính minh bạch của thị trường bất động sản.

Theo đó, Hiệp hội kiến nghị bổ sung một điều mới vào Nghị định 02/2022 quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Tài chính cũng kiến nghị bổ sung quy định chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát giao dịch, quản lý thuế.

Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện giao dịch qua ngân hàng, giúp minh bạch kiểm soát giao dịch của các ngành, phục vụ quản lý giao dịch tài sản, bất động sản và quản lý thuế nói riêng. Ngoài bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng, Bộ Tài chính cũng đề xuất rà soát các quy định về chuyển nhượng bất động sản để sửa đổi nhằm thống nhất, đồng bộ.

Còn liên quan đến NƠXH, Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề xuất xét duyệt dự án NƠXH theo tổng quy mô dân số của cả thành phố, thay vì chỉ địa bàn nhỏ như hiện nay.

Theo ông Châu, nhiều dự án nhà ở xã hội bị ngưng trệ nhiều năm vì vướng chỉ tiêu ưu đãi. Cụ thể, dự án nhà ở xã hội được tăng 1,5 lần hệ số sử dụng đất và tăng 1,5 lần mật độ xây dựng. Điều này cho phép dự án gia tăng quy mô dân số. Tuy nhiên thực tế, các dự án lại bị giới hạn bởi chỉ tiêu dân số của khu vực.

"Đây là câu chuyện con gà - quả trứng làm 'tắc' các dự án NƠXH. Phải xét chỉ tiêu dân số này theo nguyên tắc bình thông nhau, bởi rõ ràng TP.HCM đang có hàng triệu người dân cần mua nhà ở xã hội…”, ông Châu cho hay.

263612153-1050843879033580-3213104290433224600-n-copy-1656287027.jpeg
Dự án NƠXH ở TP.HCM hiện nay rất thiếu, trong khi đó nhu cầu người dân thì rất cao.

Ông Châu cho rằng, một người ở quận 6 nên được mua NƠXH ở Bình Chánh, khi đó tổng quy mô dân số của thành phố không đổi, nhưng nếu áp dụng cụ thể theo địa bàn xã thì đã hết chỉ tiêu dân số để phê duyệt dự án.

Trước vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thừa nhận cái khó nhất hiện nay là cân đối tiện ích công cộng với quá trình tăng quy mô dân số.

Ông Khiết còn cho biết thêm, để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của người dân, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đang trình UBND thành phố về điều chỉnh quy hoạch theo hướng "bình thông nhau" như vậy, trên cơ sở đảm bảo hạ tầng và tiện ích. Còn Sở Xây dựng đề xuất vẫn phê duyệt các dự án làm tăng quy mô dân số không quá 20%.

"Định hướng của TP.HCM là phát triển về các khu vực nội thành phát triển như TP Thủ Đức, dọc metro, các khu vực vùng ven, các huyện còn có quỹ đất để có thể bố trí công trình công cộng, cây xanh..., còn các khu vực trung tâm thì tập trung chỉnh trang đô thị chứ không phát triển các khu dân cư mới…”, ông Khiết chia sẻ

Gia Bình