Thông tin tại buổi Gặp mặt báo chí nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức vào chiều 18/11, PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến nay có sự thay đổi rõ rệt từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục.
Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6,5% tháng 9 năm 2024; tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% năm 2010 lên 70,8% vào tháng 9/2024.
Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nam nghiện chích ma túy (khoảng 12%) và nhóm phụ nữ bán dâm (dưới 5%) có xu hướng ổn định qua các năm. Tuy nhiên, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong thời gian qua (tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM trong giám sát trọng điểm HIV tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022). Kết quả ước tính và dự báo cũng cho thấy MSM là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam.
Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nhóm người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội là 5,8% năm 2022, tại TP Hồ Chí Minh tỷ lệ này là 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.
Về địa bàn, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu ở khu vực phía Nam và các thành phố lớn - nơi có nhiều khu công nghiệp, trường đại học, là nơi tập trung kinh tế, văn hóa, giáo dục nên dân cư đổ về làm việc, học tập đông, dễ xảy ra các hành vi nguy cơ làm lây nhiễm HIV. Đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 70% số người nhiễm HIV mới phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các số liệu cảnh báo dịch cho thấy các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đang tiềm ẩn các nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV.
Chia sẻ thông tin về chủ đề Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS 2024, PGS.TS Phan Thị Thu Hương cho biết, chủ đề năm nay là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Đây là chủ đề hưởng ứng chủ đề “Take the Rights Path” của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), nhằm nhấn mạnh vai trò của quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.
Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của UNAIDS mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.
Tại buổi Gặp mặt báo chí, ông Raman Hailevich - Giám đốc Quốc gia Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV như số nhiễm mới giảm khoảng 60% kể từ năm 2010, vượt xa mức giảm trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cao hơn nhiều so với mức giảm 39% của thế giới.
“Thành tựu này cho thấy tác động tích cực của việc đầu tư cả cho dự phòng và điều HIV của Việt Nam trong việc tiếp nhận và triển khai những sáng kiến mới như trong xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, mở rộng liệu pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone và đẩy mạnh chiến lược không phát hiện = không lây truyền trong điều trị HIV” - ông Raman Hailevich nói.
Cũng theo Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam, với việc khoảng 1/3 số nhiễm HIV mới ở Việt Nam là người trẻ trong độ tuổi 15 - 24, sự thiếu hiểu biết về HIV, sự kỳ thị, phân biệt với HIV vẫn đang tiếp tục cản trở việc tiếp cận các dịch vụ. Ông nhấn mạnh, đây không chỉ là khó khăn, thách thức của Việt Nam. Do đó, chúng ta cần tiếp tục chung tay nỗ lực trên tất cả các mặt trận ứng phó với HIV, đặc biệt ứng phó với phân biệt kỳ thị, đối xử, để bảo đảm quyền về sức khỏe cho những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV.