Hà Nội: Đặc sắc Lễ hội truyền thống Đình Chèm

Hạ Anh

20/06/2024 11:30

Ngày 19/6 (tức ngày 14/5 năm Giáp Thìn), quận Bắc Từ Liêm khai mạc Lễ hội truyền thống Đình Chèm năm 2024 nhằm tri ân công đức của Đức Thánh Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng - nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc và là người có công dẹp giặc ngoại xâm cứu nước.

Nằm bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, Đình Chèm (còn gọi là đền Chèm, đền Lý Hiệu Úy, Thụy Hương từ) đã trải qua thăng trầm hơn ngàn năm lịch sử. Đình Chèm thờ chính Đức Hy Khang thiên vương Lý Ông Trọng, cùng Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung. 

Lý Ông Trọng sinh ra ở làng Chèm, làm quan thời Hùng Vương và thời An Dương Vương; không chỉ có công đánh giặc giữ nước cả hai triều đại mà còn giúp vua Tần dẹp giặc Hung Nô. Trên tấm bia chữ Nôm tại Đình Chèm (được Tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng soạn vào năm Khải Định thứ 2) đã khắc ghi công đức của Đức Thánh Chèm cùng núi sông muôn thuở.

le-hoi-dinh-chem-pld-1718811323.jpg
Bản sắc văn hóa trong Lễ hội Đình Chèm được lưu truyền đời đời.

Phát biểu khai mạc Lễ hội, ông Nguyễn Hữu Tuyên - Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, từ ngàn năm nay, Đình Chèm vẫn là nơi thờ cúng tín ngưỡng của nhân dân 3 làng gồm: Làng Chèm (phường Thụy Phương), làng Hoàng và làng Mạc (nay là tổ dân phố Hoàng Xá và Hoàng Liên, phường Liên Mạc). Lễ hội truyền thống Đình Chèm, còn gọi là Pháp hội nhằm tri ân và tưởng niệm những chiến binh đã hy sinh vì đất nước, được tổ chức từ ngày 14 – 16/5 âm lịch hằng năm.

ong-nguyen-huu-tuyen-pld-1718811322.jpg
  Ông Nguyễn Hữu Tuyên - Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm.

Lễ hội là sự kết hợp chặt chẽ giữa tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng với tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp. Chính vì vậy, Lễ hội Đình Chèm giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân ba làng Chèm, Hoàng, Mạc nói riêng và nhân dân quận Bắc Từ Liêm nói chung; là sản phẩm sáng tạo thể hiện sự gắn kết cộng đồng; lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của nhân dân trên địa bàn...

Lễ hội có nhiều nghi lễ đặc trưng gồm: Lễ rước nước trên sông Hồng, lễ rước văn, phát tấu, lễ yên vị, lễ mộc dục, lễ phóng sinh,… Phần hội cũng được tổ chức quy mô với các cuộc thi và trò chơi truyền thống đặc sắc, như: Thi làm chè kho, thi bơi, thi vật, thi bắt vịt nước, chơi cờ người, tổ tôm điếm, đấu vật… thu hút sự tham gia của cộng đồng nhân dân, để lại ấn tượng với du khách thập phương.

dinh-chem-pld-1718811323.jpg
Đoàn tế xuống thuyền để thực hiện nghi thức rước nước.
le-ruoc-nuoc-pld-1718811323.jpg
Nghi lễ rước nước trên sông Hồng.

Để lễ hội diễn ra an toàn, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm đề nghị lãnh đạo các phường Thụy Phương, Liên Mạc và Ban tổ chức lễ hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về lễ hội. Các đơn vị bố trí sắp xếp hàng quán, bãi trông xe, dịch vụ gọn gàng, khoa học, bảo đảm tính thẩm mỹ, thuận tiện cho Nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra mê tín dị đoan, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng, chống cháy nổ… 

Năm 1990, Đình Chèm đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Lễ hội truyền thống Đình Chèm được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016. Với những giá trị đặc sắc về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, Đình Chèm vinh dự đón bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2017.

Hạ Anh
Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội: Đặc sắc Lễ hội truyền thống Đình Chèm" tại chuyên mục Cần biết.