Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số cấp xã tại các tỉnh phía Nam

Nhóm nghiên cứu của Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam

08/12/2024 15:53

Mới đây, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Công bố kết quả khảo sát giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã tại các tỉnh phía Nam”.

Chương trình tổ chức trực tiếp tại điểm cầu chính ở TP.HCM và kết nối trực tuyến với các huyện trên địa bàn khảo sát trong khu vực phía Nam. Đây là hoạt động nhằm triển khai Dự án 8, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025.

Bà Nguyễn Thị Oanh (Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, chủ nhiệm dự án) cho biết, dự án khảo sát 7 huyện thuộc 4 tỉnh, thành có đông đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Trà Vinh, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bình Phước.

Kết quả khảo sát đã đạt được những nội dung như sau:

1. Lý‎ do chọn đề tài

Việt Nam có 53 dân tộc thiệu số (DTTS) chiếm 14.7% dân số. Vùng DTTS và vùng núi có vai trò chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái, tuy nhiên cũng là vùng khó khăn nhất, phải đối mặt với nhiều thách thức, rào cản trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá.

Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định phải ở những địa bàn có đồng bào DTTS phải có cán bộ là người DTTS phù hợp với cơ cấu dân cư. Cán bộ cấp xã nói chung và cán bộ nữ dân tộc thiếu số cấp xã (DTTSCX) nói riêng có vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính trị. Đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sự phát triển của cộng đồng. Nâng cao năng lực của họ sẽ giúp cải thiện chất lượng quản lý và hiệu quả công việc tại địa phương. 

Hội LHPN Việt Nam được giao chủ trì, tổ chức thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em". Dự án 8 được thiết kế chú trọng 4 nội dung, nội dung thứ ba là: Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giám sát và phản biện xã hội, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Trong đó, có mục tiêu về nâng cao năng lực cho phụ nữ DTTS tham gia ứng cử, vận động bầu cử vào các cơ quan dân cử. Năm 2026 là năm bầu cử HĐND các cấp, do vậy từ năm 2025 một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ DTTS để chuẩn bị cho họ có đủ năng lực để tham gia ứng cứ, vận động bầu cử vào các cơ quan dân cử.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện dự án khảo sát“Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ DTTS cấp xã tại các tỉnh phía Nam”.

3ba079a29e4f24117d5e-1733647748.jpg
Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam trình bày báo cáo nghiên cứu.

2. Mục tiêu khảo sát

Làm rõ cơ sở lý luận về năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý; năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX.

Đánh giá thực trạng năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX (khảo sát tại 4 tỉnh Trà Vinh, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước).

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX.

Xác định các nhu cầu bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX.

Đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX.

3. Các phương pháp thu thập thông tin

Các phương pháp thu thập thông tin được dùng cho dự án khảo sát bao gồm phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp, phương pháp điều tra dùng bảng hỏi, phương pháp PVS và phương pháp TLN. Nhóm khảo sát tiến hành PVS đối với 32 mẫu, phỏng vấn bảng hỏi với 264 cán bộ nữ DTTSCX. Ngoài ra, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp TLN tập trung.

Các số liệu định lượng được xử lý bằng SPSS 22.0. Các dữ liệu và thông tin định tính được xử lý bằng phương pháp tổng hợp, phân tích dựa lý thuyết nền. Dữ liệu được lọc và làm sạch trước khi phân tích bằng phần mềm thống kê SPSS 20.0. 

TỔNG QUAN CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ KHẢO SÁT

Chương 1 trình bày các khái niệm có liên quan đến nội dung khảo sát như DTTS, cán bộ cấp xã, đội ngũ cán bộ DTTSCX, năng lực, quản lý, lãnh đạo, năng lực quản lý, năng lực lãnh đạo và một số vấn đề lý luận chung về vai trò quản lý, lãnh đạo của cán bộ cấp xã, cách thức đo lường năng lực quản lý, lãnh đạo của cán bộ cấp xã, giải pháp nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo của cán bộ cấp xã, các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực quản lý, lãnh đạo của cán bộ cấp xã, khung phân tích. Trên cơ sở phân tích, bàn luận các cơ sở lý luận liên quan đến vấn đề khảoc sát, nhóm tác giả đã xác định phương pháp nghiên cứu và các biến số nghiên cứu. Đây là cơ sở khoa học cho việc xác định thực trạng năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX.

THỰC TRẠNG NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ NỮ DÂN TỘC THIỂU SỐ CẤP XÃ TẠI CÁC TỈNH PHÍA NAM

1. Đặc điểm của khách thể nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát và phân tích năng lực lãnh đạo, quản lý của 264 cán bộ nữ DTTSCX tại 4 tỉnh. 

Cán bộ nữ DTTS chủ yếu trong nhóm tuổi từ 30 tuổi đến dưới 40 (54,92%), tiếp đó là nhóm tuổi từ 40 tuổi đến 50 tuổi (36,74%). 

Hầu hết cán bộ nữ DTTSCX có tuổi đảng từ 6 đến 15 năm thể hiện sự ổn định và đóng góp của các cán bộ nữ DTTS đang trong giai đoạn cống hiến cao nhất của sự nghiệp chính trị. 

Phần lớn cán bộ nữ DTTSCX đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị với 86,36% người trả lời có trình độ đại học và 78,79% người trả lời có trình độ lý luận chính trị trung cấp.

Tỷ lệ cán bộ nữ DTTSCX đảm nhận chức vụ hiện tại dưới 5 năm chiếm tỷ lệ cao nhất (48,11%), tiếp đó là từ 5 năm đến dưới 10 năm (32,58%). 

Đa phần cán bộ nữ DTTSCX có thâm niên công tác từ 10 đến dưới 20 năm, chiếm 47,73%. 

Đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX hiện đang đảm nhận hầu hết các chức vụ quản lý, lãnh đạo quan trọng trong hệ thống chính trị cấp xã, tuy nhiên vẫn tập trung chủ yếu ở khối đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN (chiếm tỷ lệ cao nhất với 39,02%). Các chức vụ lãnh đạo như Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND rất thấp với 1,14%.

a538ed330adeb080e9cf-1733647748.jpg
Các thành viên chủ trì điều hành hội thảo, lắng nghe ý kiến đóng góp, đánh giá.

2. Thực trạng năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

Trong phần này, nhóm tác giả tập trung mô tả, phân tích thực trạng năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX thông qua sáu khía cạnh chính, bao gồm: (1) đạo đức công vụ, (2) năng lực am hiểu địa phương, (3) năng lực chuyên môn, (4) năng lực quản lý, điều hành, (5) năng lực quản trị nhân sự và (6) năng lực quản trị bản thân. Chúng tôi đã sử dụng thang đo Liket 5 điểm tương ứng với các mức độ: 1 là còn hạn chế, 2 là trung bình, 3 là khá, 4 là tốt, 5 là rất tốt. Cán bộ nữ DTTSCX tự đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của bản thân về sáu khía cạnh theo thang điểm 5 nêu trên.

2.1. Thực trạng năng lực đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

Nhóm khảo sát đã đưa ra 6 tiêu chí để cán bộ nữ DTTSCX tự đánh giá năng lực đạo đức công vụ của bản thân, bao gồm: (1) Gương mẫu trong thực hiện các chủ trương của Đảng; (2) Gương mẫu trong thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước; (3) Gương mẫu trong thực hiện các nội quy, quy chế và quy định của cơ quan; (4) Gương mẫu về thái độ và trách nhiệm phục vụ người dân; (5) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (6) Thể hiện sự công bằng, không thiên vị, tập trung vào lợi ích chung khi giải quyết công việc.

Điểm trung bình chung của cả 6 tiêu chí là 4,47 cho thấy cán bộ nữ DTTSCX đã thực hiện tốt các yêu cầu về đạo đức công vụ. Điểm trung bình của các tiêu chí đều cao, có sự chênh lệch nhưng không nhiều. Tiêu chí “Gương mẫu trong thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước" có điểm trung bình cao nhất với 4,53 điểm và tiêu chí “Thể hiện sự công bằng, không thiên vị, tập trung vào lợi ích chung khi giải quyết công việc” có ĐTB thấp nhất với 4,43 điểm. Các tiêu chí còn lại có ĐTB từ 4,44 đến 4,50.

Độ lệch chuẩn chung là 0.53 ở mức thấp, cho thấy năng lực đạo đức công vụ của cán bộ nữ DTTSCX có sự đồng đều cao.

Kết quả tự đánh giá năng lực đạo đức công vụ của cán bộ nữ DTTSCX tại các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Trà Vinh cho thấy sự chênh lệch nhưng không đáng kể giữa các địa phương. Tỉnh Trà Vinh có ĐTB cao nhất là 4,71, tiếp theo đó là tỉnh Bình Phước với 4,46 điểm, Ninh Thuận với 4,45 điểm và thấp nhất là tỉnh Lâm Đồng với 4,37 điểm. 

2.2. Thực trạng năng lực am hiểu địa phương của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

Nhóm tác giả đã khảo sát năng lực am hiểu địa phương của cán bộ nữ DTTSCX qua bốn tiêu chí, bao gồm: (1) am hiểu địa lý, lịch sử, chính trị địa phương; (2) Am hiểu văn hóa, phong tục địa phương; (3) Am hiểu chính sách phát triển địa phương; (4) Am hiểu ngôn ngữ đồng bào DTTS địa phương.

Điểm trung bình của 4 tiêu chí là 4,10 điểm cho thấy nhìn chung, đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX đã có hiểu biết khá tốt về địa phương mình công tác. Tiêu chí “am hiểu văn hóa, phong tục địa phương” có ĐTB cao nhất là 4,22. Tuy nhiên vẫn còn một số cán bộ chưa am hiểu sâu sắc về địa phương.

Độ lệch chuẩn của các tiêu chí dao động từ 0,61 đến 0,99, phản ánh sự đa dạng, khác biệt tương đối lớn về mức độ am hiểu địa phương của đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX. Có những cán bộ có kiến thức rất sâu rộng về địa phương, trong khi đó có những cán bộ kiến thức còn hạn chế. Trong đó, tiêu chí "Am hiểu ngôn ngữ đồng bào DTTS" có ĐLC cao nhất (0,99). Kết quả PVS và TLN cho thấy, phần lớn cán bộ nữ DTTSCX am hiểu ngôn ngữ đồng bào DTTS của địa phương và đây được coi là ưu thế lớn nhất giúp họ dễ dàng tiếp cận và truyền đạt hiệu quả các chính sách, chủ trương của nhà nước, đặc biệt là xây dựng niềm tin vững chắc từ phía người dân. Tuy nhiên, tại các xã mà tỷ lệ người DTTS thấp hoặc có nhiều người DTTS cùng sống trên địa bàn thì cán bộ nữ DTTSCX dù biết tiếng DTTS nhưng vẫn gặp khó khăn trong công việc.

Điểm trung bình chung về năng lực am hiểu địa phương của đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX giữa các tỉnh có sự chênh lệch nhưng không đáng kể. Tỉnh Trà Vinh tiếp tục có ĐTB cao nhất với 4,25 điểm, tiếp đó là tỉnh Ninh Thuận với 4,23 điểm và tỉnh Lâm Đồng với 4,04 điểm. Điểm trung bình của tỉnh Bình Phước thấp nhất với 3,94 điểm, thấp hơn ĐTB chung.

2.3. Thực trạng năng lực thực hiện chuyên môn của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

Nhóm tác giả đã khảo sát năng lực thực hiện chuyên môn của cán bộ nữ DTTSCX qua 5 tiêu chí, bao gồm: (1) Am hiểu bộ máy và các nhiệm vụ cơ quan; (2) Am hiểu lĩnh vực mình phụ trách; (3) Phân tích, tổng hợp, viết báo cáo; (4) Xây dựng văn bản quản lý, điều hành trong lĩnh vực mình phụ trách; (5) Tham mưu xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách trong lĩnh vực mình phụ trách.

Kết quả đánh giá năng lực thực hiện chuyên môn của đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX cho thấy các tiêu chí đều đạt ĐTB tương đối cao, dao động từ 3,98 đến 4,18 điểm. Điểm trung bình chung của 5 tiêu chí là 4,06 điểm cho thấy rằng phần lớn cán bộ nữ DTTSCX tự đánh giá năng lực thực hiện chuyên môn của họ ở mức khá tốt.

Hầu hết các cán bộ nữ DTTSCX am hiểu lĩnh vực đang phụ trách (ĐTB cao nhất là 4,18 điểm), am hiểu bộ máy và các nhiệm vụ cơ quan (ĐTB cao thứ hai là 4,06 điểm). Tiêu chí "Tham mưu xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách" có ĐTB thấp nhất (ĐTB = 3,98). Đây là một khía cạnh năng lực thực hiện chuyên môn mà cán bộ nữ DTTSCX cần được hỗ trợ thêm để họ có thể đóng góp nhiều hơn vào quá trình tham mưu ban hành và thực hiện chính sách tại địa phương.

Độ lệch chuẩn chung là 0,59, cho thấy sự phân tán về năng lực giữa các cán bộ nữ DTTSCX ở mức vừa phải. Điều này có nghĩa là, bên cạnh những cán bộ có năng lực tốt, vẫn còn một số ít cán bộ có năng lực còn hạn chế.

Sự chênh lệch ĐTB chung giữa các tỉnh không quá lớn cho thấy năng lực thực hiện chuyên môn của đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX tại 4 tỉnh khảo sát tương đối đồng đều, đa số họ đều có năng lực thực hiện chuyên môn khá tốt. Tỉnh Trà Vinh tiếp tục có ĐTB cao nhất với 4,29 điểm, cho thấy cán bộ nữ DTTSCX ở tỉnh này có năng lực tổng hợp tốt nhất, tiếp đó là tỉnh Bình Phước với ĐTB là 4,08 và tỉnh Ninh Thuận với ĐTB là 4,03. Tỉnh Lâm Đồng có ĐTB thấp nhất với 3,96 điểm.

d69dd1e3360e8c50d51f-1733647728.jpg
Các đại biểu tham gia đánh giá trực tiếp và trực tuyến tại hội thảo.

2.4. Thực trạng năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

Nhóm tác giả đã khảo sát năng lực quản lý, điều hành của cán bộ nữ DTTSCX qua 14 tiêu chí, bao gồm: (1) Quản lý nguồn lực cơ quan (tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người); (2) Quản lý thông tin nội bộ; (3) Quản lý sự thay đổi (khả năng ứng biến với những thay đổi từ bên ngoài hoặc bên trong cơ quan một cách có hệ thống); (4) Định hướng kết quả (tập trung và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ nhằm đạt được kết quả như dự kiến); (5) Xây dựng văn hóa tổ chức; (6) Lập kế hoạch công việc; (7) Ra quyết định quản lý, điều hành công việc; (8) Tổ chức, triển khai thực hiện công việc; (9) Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công việc; (10) Tổng kết, lượng giá kết quả thực hiện các hoạt động; (11) Phân tích và giải quyết vấn đề; (12) Tham gia thực hiện các chương trình, đề án, dự án; (13) Tuyên truyền, vận động; (14) Xử lý tình huống chính trị - xã hội ở địa phương.

Điểm trung bình chung là 4,02 điểm, cho thấy đa số cán bộ nữ DTTSCX tự đánh giá năng lực quản quản lý, điều hành ở mức khá. Tiêu chí "Quản lý thông tin nội bộ" (ĐTB = 4,27) và "Tuyên truyền, vận động” (ĐTB = 4,18) có ĐTB cao hơn nhiều so với các tiêu chí còn lại. Tuy nhiên, họ cần được cải thiện thêm ở một số năng lực có ĐTB thấp hơn như “Phân tích và giải quyết vấn đề” (ĐTB = 3,83); “Xử lý tình huống chính trị - xã hội ở địa phương” (ĐTB = 3,93); “Tham gia thực hiện các chương trình, đề án, dự án” (ĐTB = 3,94); “Quản lý sự thay đổi” (ĐTB = 3,95); “Quản lý nguồn lực cơ quan” (ĐTB = 3,96).

Độ lệch chuẩn chung là 0.60, cho thấy sự phân tán khá lớn về năng lực giữa những người trả lời. Trong đó, tiêu chí “Phân tích và giải quyết vấn đề” có ĐTB thấp nhất nhưng có có ĐLC cao nhất là 0,73.

Tỉnh Trà Vinh có ĐTB cao nhất trong các tỉnh, có sự chênh lệch đáng kể với 3 tỉnh còn lại. Ở cả 4 tỉnh khảo sát, hai kỹ năng được cho là hạn chế nhất bao gồm “Phân tích và giải quyết vấn đề” và “Xử lý tình huống chính trị - xã hội ở địa phương”.

2.5. Thực trạng năng lực quản trị nhân sự của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

Các tiêu chí được đưa ra để cán bộ nữ DTTS cấp xã tự đánh giá về năng lực quản trị nhân sự, bao gồm: (1) Phân công và sử dụng nhân sự cấp dưới; (2) Gây dựng niềm tin tích cực cho cấp dưới; (3) Tạo động lực làm việc cho cấp dưới; (4) Kiểm tra, giám sát cấp dưới và (5) Bồi dưỡng và phát triển cấp dưới.

Điểm trung bình chung về năng lực quản trị nhân sự là 4,06, cho thấy cán bộ nữ DTTSCX đã có năng lực quản trị nhân sự ở mức khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn số tỷ lệ nhỏ cán bộ còn hạn chế về năng lực quản trị nhân sự, đặc biệt là ở kỹ năng “phân công và sử dụng nhân sự cấp dưới” và “bồi dưỡng phát triển cấp dưới”.

Độ lệch chuẩn của các tiêu chí dao động từ 0,52 đến 0,66, cho thấy sự phân tán của dữ liệu ở mức độ vừa phải.

Kết quả tự đánh giá năng lực quản trị nhân sự cho thấy sự khác biệt giữa các tỉnh, tuy nhiên mức độ chênh lệch không quá lớn. Tỉnh Trà Vinh có ĐTB chung cao nhất (ĐTB = 4,31), tiếp đến là tỉnh Ninh Thuận (ĐTB = 4,11), Tỉnh Bình Phước (ĐTB = 4,02) và tỉnh Lâm Đồng có ĐTB thấp nhất là 3,94.

2.6. Thực trạng năng lực quản trị bản thân của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

Nhóm tác giả đã đưa ra năm tiêu chí để cán bộ nữ DTTSCX tự đánh giá năng lực quản trị bản thân, bao gồm: (1) Trình độ ngoại ngữ; (2) Trình độ tin học/công nghệ thông tin; (3) Kỹ năng tư duy; (4) Kỹ năng giao tiếp, hợp tác và học tập suốt đời; (5) Kỹ năng quản lý thời gian và áp lực công việc.

Trình độ ngoại ngữ: Tỷ lệ cán bộ nữ DTTS đạt chuẩn về trình độ ngoại ngữ còn thấp, chỉ có 47,68% cán bộ có trình độ ngoại ngữ từ B1 trở lên.

Trình độ tin học/công nghệ thông tin: 100% cán bộ nữ DTTSCX đạt chuẩn về trình độ CNTT. Mặc dù 100% cán bộ đạt chuẩn về trình độ tin học nhưng khi PVS và TLN tập trung, hầu hết cán bộ nữ DTTSCX đều cho biết còn hạn chế về kỹ năng ứng dụng CNTT.

Kỹ năng tư duy: Điểm trung bình chung về năng lực tư duy của các cán bộ nữ DTTSCX là 3,63, cho thấy họ đã kỹ năng tư duy phân tích, tư duy phản biện và tư duy đổi mới sáng tạo ở mức khá, cần được cải thiện nhiều. Kỹ năng tư duy phân tích có ĐTB cao nhất là 3,66, tiếp đến là tư duy phản biện (ĐTB = 3,63), thấp nhất là “tư duy đổi mới, sáng tạo” (ĐTB = 3,60). Tỉnh Trà Vinh có ĐTB về năng lực tư duy cao nhất là 4,01. Tiếp theo là tỉnh Ninh Thuận với ĐTB là 3,66. Tỉnh Bình Phước có điểm trung bình cao thứ ba với 3,59 điểm, thấp nhất là tỉnh Lâm Đồng với 3,47 điểm.

Kỹ năng giao tiếp, hợp tác và học tập suốt đời: Cán bộ nữ DTTSCX đã tự đánh giá kỹ năng giao tiếp, hợp tác và học tập suốt đời theo 8 khía cạnh: (1) Xây dựng và phát triển các mối quan hệ trong công việc; (2) Lắng nghe, giao tiếp dùng lời, giao tiếp không dùng lời; (3) Giao tiếp điện tử (email, mạng xã hội như zalo, facebook); (4) Thuyết phục; (5) Thuyết trình/trình bày; (6) Làm việc nhóm; (7) Giải quyết mâu thuẫn; (8) Học hỏi không ngừng. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng đa số cán bộ nữ DTTSCX có năng lực giao tiếp, hợp tác và học tập suốt đời ở mức khá (ĐTB = 3,90). Kỹ năng thuyết trình/trình bày có ĐTB thấp nhất (ĐTB = 3,61); tiếp đến là kỹ năng thuyết phục (ĐTB = 3,76), kỹ năng giải quyết mâu thuẫn (ĐTB = 3,78), kỹ năng làm việc nhóm (ĐTB = 3,84). Mặc dù sự chênh lệch không đáng kể nhưng cũng phán ánh phần nào hạn chế của cán bộ nữ DTTSCX trong các kỹ năng nói trên. Điểm trung bình chung về năng lực giao tiếp, hợp tác và học tập suốt đời của cán bộ nữ DTTSCX ở cả 4 tỉnh đều đạt mức khá. Tỉnh Trà Vinh có ĐTB cao nhất (ĐTB = 4,15), tiếp đó là tỉnh Bình Phước (ĐTB = 3,91) và tỉnh Ninh Thuận (ĐTB = 3,88). Tỉnh Lâm Đồng có ĐTB thấp nhất (3,79 điểm). Tuy có sự khác biệt về ĐTB giữa các tỉnh nhưng mức độ chênh lệch không cao. Số liệu thống kê cho thấy cán bộ nữ DTTSCX ở cả 4 tỉnh đều cho thấy thuyết trình/trình bày và thuyết phục là hai kỹ năng cần cải thiện nhiều nhất.

Kỹ năng quản lý thời gian và áp lực công việc: Kết quả khảo sát cho thấy năng lực quản lý thời gian và áp lực công việc của cán bộ nữ DTTSCX ở mức khá (ĐTB = 3,79). Cán bộ nữ DTTSCX có xu hướng quản lý thời gian tốt hơn so với quản lý áp lực, căng thẳng. Tỉnh Trà Vinh có ĐTB cao nhất (4,12 điểm), tiếp đến là tỉnh Ninh Thuận (3,81 điểm) và tỉnh Bình Phước (3,70 điểm). Tỉnh Lâm Đồng có ĐTB thấp nhất trong số 4 tỉnh (3,68 điểm).

2.7. So sánh các năng lực quản lý, lãnh đạo của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

Am hiểu đạo đức công vụ có ĐTB cao nhất với 4,47 điểm cho thấy cán bộ nữ DTTSCX đã thực hiện tốt các yêu cầu về đạo đức công vụ.

Năng lực am hiểu địa phương có ĐTB cao thứ hai với 4,1 điểm cho thấy cán bộ nữ DTTSCX đã có sự am hiểu tốt về bối cảnh địa phương nơi đang công tác. Tuy nhiên, họ cần nghiên cứu thêm về địa lý, lịch sử của địa phương cũng như các chính sách phát triển địa phương để làm tốt hơn công việc quản lý, điều hành.

Năng lực thực hiện chuyên môn và năng lực quản trị nhân sự có ĐTB cao thứ ba với 4,06 điểm. Ở năng lực thực hiện chuyên môn, cán bộ nữ DTTSCX cần được nâng cao thêm kỹ năng tham mưu xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách trong lĩnh vực đang phụ trách. Bên cạnh đó cần được trang bị thêm kỹ năng phân công và sử dụng nhân sự cấp dưới và bồi dưỡng và phát triển cấp dưới để phát huy tối đa năng lực của cấp dưới.

Năng lực quản lý, điều hành có ĐTB cao thứ tư với 4,02 điểm chứng tỏ cán bộ nữ DTTSCX có khả năng điều hành công việc tương đối tốt. Tuy nhiên, hai kỹ năng cần phải cải thiện là “Phân tích và giải quyết vấn đề” và “Xử lý tình huống chính trị - xã hội ở địa phương”.

Năng lực quản trị bản thân có ĐTB thấp nhất với 3,82 điểm. Cán bộ nữ DTTSCX đã chú trọng đến việc phát triển bản thân nhưng cũng cần trau dồi thêm về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng tư duy, kỹ năng quản quản lý thời gian và quản lý áp lực, căng thẳng trong công việc và trình độ ngoại ngữ để có thể phát huy hết tiềm năng của mình.

Như vậy, cán bộ nữ DTTSCX đã có ý thức đạo đức công vụ cao, am hiểu địa phương và thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn. Họ cần được bồi dưỡng, trau dồi thêm để cải thiện năng lực quản lý, điều hành, năng lực quản trị nhân sự và đặc biệt là năng lực quản trị bản thân để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực quản lý, lãnh đạo của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

Nhóm tác giả đã khảo sát 16 yếu tố ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ nữ DTTSCX, trong đó có 9 yếu tố môi trường và 7 yếu tố bản thân. Cán bộ tự đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố với thang đó từ 1 đến 4, trong đó 1 là không ảnh hưởng, 2 là ít ảnh hưởng, 3 là khá ảnh hưởng, và 4 là nhiều ảnh hưởng.

3.1. Các yếu tố môi trường ảnh hưởng tới năng lực quản lý, lãnh đạo của cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

Các yếu tố môi trường được khảo sát bao gồm 9 yếu tố: (1) mức thu nhập chưa tương xứng vị trí việc làm; (2) khối lượng công việc nhiều; (3) kiêm nhiệm nhiều công việc và khó tập trung; (4) cơ sở vật chất không đầy đủ; (5) thiếu hụt trang thiết bị; (6) ít có cơ hội nâng cao các năng lực lãnh đạo, quản lý; (7) ít có sự hỗ trợ từ cấp trên; (8) ít có sự ủng hộ của cấp dưới; (9) gia đình, người thân không ủng hộ, ngăn cản. 

Điểm trung bình của các yếu tố môi trường dao động từ 2,02 đến 2,60 cho thấy rằng tất cả các yếu tố từ môi trường đều có ảnh hưởng nhất định đến năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX. Điều này có nghĩa là hầu hết các yếu tố môi trường đều có ảnh hưởng tương tự như nhau đến năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX. 

Ba yếu tố được đánh giá là ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm “mức thu nhập chưa tương xứng vị trí việc làm” (ĐTB = 2,60), tiếp đó là “thiếu hụt trang thiết bị” (ĐTB = 2,59) và “cơ sở vật chất không đầy đủ” (ĐTB = 2,56).

Ba yếu tố có ĐTB thấp nhất bao gồm “gia đình, người thân không ủng hộ, ngăn cản” (ĐTB = 2,02), ít có sự hỗ trợ từ cấp trên” (ĐTB = 2,37), “ít có sự ủng hộ của cấp dưới” (ĐTB = 2,36). Điều này chứng tỏ rằng các yếu tố liên quan đến gia đình và sự hỗ trợ từ tổ chức có ảnh hưởng đến năng lực quản lý, lãnh đạo của đội ngũ cán bộ nữ DTTS nhưng mức độ ảnh hưởng không cao.

Độ lệch chuẩn dao động từ 0.94 đến 1,10 cho thấy sự phân tán của dữ liệu khá lớn. Điều này có nghĩa là, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này đối với mỗi cán bộ nữ DTTSCX là khác nhau. 

Khi phân tích các yếu tố ảnh hưởng theo từng tỉnh cho thấy kết quả như sau: Tỉnh Bình Phước có ĐTB cao nhất (2,55), thứ hai là tỉnh Lâm Đồng (2,51), thứ ba là tỉnh Trà Vinh (2,36) và thấp nhất là tỉnh Ninh Thuận (2,27). Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến năng lực quản lý, lãnh đạo của cán bộ tại từng tỉnh không có sự khác biệt nhiều. Năm yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tại 4 tỉnh đều có sự tương đồng. Yếu tố ảnh hưởng ít nhất tại 4 tỉnh đều là “gia đình, người thân không ủng hộ, ngăn cản có mức độ ảnh hưởng thấp nhất” cho thấy các mối quan hệ cá nhân ít gây trở ngại cho họ.

3.2. Các yếu tố bản thân ảnh hưởng tới năng lực quản lý, lãnh đạo của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

Các yếu tố từ bản thân được khảo sát bao gồm 7 yếu tố: (1) không đủ thời gian thực hiện công việc; (2) hạn chế năng lực chuyên môn; (3) thiếu hụt kỹ năng lãnh đạo, quản lý; (4) thiếu hụt kỹ năng quản trị nhân sự; (5) thiếu hụt kỹ năng giao tiếp, hợp tác, giải quyết mâu thuẫn; (6) thiếu hụt kỹ năng quản lý thời gian, quản lý áp lực công việc; (7) thiếu hụt kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Kết quả được thể hiện trong Bảng 3.2.

Bảng số liệu cho thấy hầu hết các yếu tố bản thân đều có ảnh hưởng nhất định đến năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ nữ DTTSCX. Điểm trung bình của các yếu tố dao động từ 2,16 đến 2,37, điểm chênh lệch giữa các yếu tố không cao, cho thấy mức độ ảnh hưởng của các yếu tố bản thân cũng tương đối cao và đồng đều.

Thiếu hụt kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin là yếu tố có ĐTB cao nhất là 2,37. Tiếp theo là các yếu tố về thiếu hụt các kỹ năng như “kỹ năng lãnh đạo, quản lý” (ĐTB = 2,30), “kỹ năng giao tiếp, hợp tác, giải quyết mâu thuẫn” (ĐTB = 2,29), “kỹ năng quản trị nhân sự” (ĐTB = 2,28) và “kỹ năng quản lý thời gian, quản lý áp lực công việc” (ĐTB = 2,26). 

Mặc dù ĐTB của các yếu tố theo từng tỉnh chênh lệch không lớn, nhưng có sự khác biệt giữa các tỉnh về mức độ ảnh hưởng của các yếu tố bản thân đến năng lực quản lý, lãnh đạo của cán bộ. Điểm trung bình của tỉnh Lâm Đồng là cao nhất (2,38), thứ hai là tỉnh Ninh Thuận (2,24). Cả 2 tỉnh này, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến cán bộ là thiếu hụt kỹ năng ứng dụng CNTT, ĐTB lần lượt là 2,51 và 2,41.

Tỉnh Bình Phước và tỉnh Trà Vinh có ĐTB bằng nhau là 2,14. Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới cán bộ tỉnh Bình Phước là “thiếu hụt kỹ năng giao tiếp, hợp tác, giải quyết mâu thuẫn” (ĐTB = 2,22). Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới cán bộ tỉnh Trà Vinh là “thiếu hụt kỹ năng quản trị nhân sự” (ĐTB = 2,20) và “không đủ thời gian thực hiện công việc” (ĐTB = 2,20).

3.3. So sánh sự ảnh hưởng của các yếu tố môi trường với các yếu tố bản thân đến năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

Theo kết quả khảo sát, các yếu tố môi trường được đánh giá là có mức độ ảnh hưởng lớn hơn so với yếu tố bản thân, ĐTB chung của các yếu tố môi trường là 2,44 điểm, dao động từ 2,02 đến 2,60 điểm, trong khi nhóm các yếu tố bản thân có ĐTB chung là 2,26 điểm, dao động từ 2,16 đến 2,37 điểm. Điểm trung bình của hầu hết các yếu tố môi trường đều cao hơn ĐTB của các yếu tố bản thân, trừ yếu tố về sự cản trở của người thân và gia đình.

3.4. Năm yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến năng lực quản lý, lãnh đạo của cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

Nhóm khảo sát đưa ra 16 yếu tố ảnh hưởng đến năng lực quản quản lý, lãnh đạo, bao gồm 9 yếu tố về môi trường và 7 yếu tố về bản thân và yêu cầu khách thể khảo sát chọn ra 5 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới năng lực quản lý, lãnh đạo. Kết quả như sau: Cán bộ nữ DTTSCX đã chọn 5 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến năng lực quản lý, lãnh đạo của họ bao gồm: 

(1) Mức thu nhập chưa tương xứng vị trí việc làm (với 152/264 lượt chọn, chiếm 57,58%); 

(2) Khối lượng công việc nhiều (với 143/264 lượt chọn, chiếm 54,17%);

(3) Kiêm nhiệm nhiều công việc, khó tập trung (với 115/264 lượt chọn, chiếm 43,56%); 

(4) Ít có cơ hội nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý (với 98/264 lượt chọn, chiếm 37,12%); 

(5) Cơ sở vật chất không đầy đủ (với 93/264 lượt chọn, chiếm 35,23%). Tất cả các yếu tố này đều là các yếu tố môi trường. 

Năm yếu tố ảnh hưởng lớn nhất mà cán bộ nữ DTTSCX tại 4 tỉnh lựa chọn có sự tương đồng cao, cho thấy những khó khăn chung trong công tác quản lý, lãnh đạo của nhóm đối tượng này. Mặc dù có nhiều điểm chung, nhưng mỗi tỉnh cũng có những đặc điểm riêng. Hai yếu tố có tỷ lệ cao nhất ở tất cả các tỉnh đều là “khối lượng công việc nhiều” và “mức thu nhập chưa tương xứng với vị  trí việc làm”. Cán bộ tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh đến yếu tố ít có cơ hội nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý trong khi cán bộ tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh đến yếu tố thiếu hụt kỹ năng ứng dụng CNTT.

Năm yếu tố được nhiều người lựa chọn nhất tại tỉnh Bình Phước bao gồm: kiêm nhiệm nhiều công việc và khó tập trung (57,78%); mức thu nhập chưa tương xứng vị trí việc làm (55,56%); thiếu hụt trang thiết bị (53,33%); cơ sở vật chất không đầy đủ (48,89%); khối lượng công việc nhiều (40%)

Năm yếu tố được nhiều người lựa chọn nhất tại tỉnh Lâm Đồng bao gồm:  mức thu nhập chưa tương xứng vị trí việc làm (58,12%); khối lượng công việc nhiều (52,14%); ít có cơ hội nâng cao các năng lực lãnh đạo, quản lý (38,46%); kiêm nhiệm nhiều công việc và khó tập trung (37,61); thiếu hụt trang thiết bị (33,33%)

Năm yếu tố được nhiều người lựa chọn nhất tại tỉnh Trà Vinh bao gồm: khối lượng công việc nhiều (68,63%); mức thu nhập chưa tương xứng vị trí việc làm (66,67%); kiêm nhiệm nhiều công việc và khó tập trung (50,98%); không đủ thời gian thực hiện công việc (47,06%); ít có cơ hội nâng cao các năng lực lãnh đạo, quản lý (45,10%).

Năm yếu tố được nhiều lựa chọn nhất tại tỉnh Ninh Thuận bao gồm: khối lượng công việc nhiều (68,63%); mức thu nhập chưa tương xứng vị trí việc làm (66,67%); không đủ thời gian thực hiện công việc (37,25%); thiếu hụt kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (37,25%); cơ sở vật chất không đầy đủ (35,29%).

Độ lệch chuẩn của cả yếu tố môi trường và yếu tố bản thân đều cao, cho thấy sự phân tán của dữ liệu khá lớn. Điều này có nghĩa là, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố là khác nhau. Trong cùng một yếu tố nhưng mức độ ảnh hưởng của yếu tố đó lên năng lực lãnh đạo và quản lý của từng cán bộ lại khác nhau. Có người bị ảnh hưởng rất nhiều, trong khi người khác lại ít bị ảnh hưởng hơn.

4. Nhu cầu nâng cao năng lực quản trị nhân sự của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

4.1. Nhu cầu nâng cao năng lực chuyên môn

Kết quả khảo sát cho thấy đa số cán bộ nữ DTTSCX có nhu cầu nâng cao năng lực chuyên môn là rất lớn (ĐTB = 3,27). Kỹ năng tham mưu xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách trong lĩnh vực đang phụ trách được đánh giá là cần thiết nhất (ĐTB = 3,34). 

Điểm trung bình của các tỉnh tương đương nhau, trong đó nhu cầu của tỉnh Lâm Đồng là cao nhất (ĐTB = 3,37). Tỉnh Bình Phước và tỉnh Lâm Đồng có nhu cầu nâng cao kỹ năng “tham mưu xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách trong lĩnh vực mình phụ trách” cao nhất, trong khi tỉnh Ninh Thuận và Trà Vinh có nhu cầu cao nhất ở kỹ năng “xây dựng văn bản quản lý, điều hành trong lĩnh vực mình phụ trách”.

4.2. Nhu cầu năng cao năng lực quản lý điều hành

Cán bộ nữ DTTSCX có nhu cầu nâng cao năng lực quản lý và điều hành rất lớn (ĐTB = 3,27). Ở tất cả các kỹ năng, ĐTB đều trên điểm 3 cho thấy sự đa dạng trong nhu cầu cập nhật kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao của cán bộ. Kỹ năng có nhu cầu cao nhất bao gồm: “Xử lý tình huống chính trị - xã hội ở địa phương" (ĐTB = 3,45), "Tuyên truyền, vận động" (ĐTB = 3,38), “Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động” (ĐTB = 3,36), “Phân tích và giải quyết vấn đề” (ĐTB = 3,34). 

Nhu cầu của từng tỉnh trong việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cán bộ nữ DTTSCX đều lớn. Ở cả 4 tỉnh, nhu cầu nâng cao kỹ năng xử lý tình huống chính trị - xã hội ở địa phương là cao nhất. 

Tỉnh Lâm Đồng có nhu cầu cao nhất (ĐTB = 3,39), tiếp đến là tỉnh Trà Vinh (ĐTB = 3,28). Các kỹ năng có ĐTB cao nhất ở cả hai tỉnh này là “Xử lý tình huống chính trị - xã hội" và "Tuyên truyền, vận động". 

Tỉnh Bình Phước có nhu cầu cao thứ ba (ĐTB = 3,16). Các kỹ năng có ĐTB cao nhất là xử lý tình huống chính trị - xã hội, tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động.

Tỉnh Ninh Thuận có nhu cầu thấp nhất (ĐTB = 3,08), với các kỹ năng có ĐTB cao nhất là xử lý tình huống chính trị - xã hội ở địa phương và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động

4.3. Nhu cầu nâng cao năng lực quản trị nhân sự

Kết quả khảo sát cho thấy cán bộ nữ DTTSCX đã nhận thức được sự cần thiết phải nâng cao các năng lực quản trị nhân sự. Điểm trung bình chung của tất cả các yếu tố là 3,29, cho thấy tổng thể các kỹ năng quản trị nhân sự đều được xem là cần thiết. Nhu cầu nâng cao năng lực “bồi dưỡng và phát triển cấp dưới” là cao nhất (ĐTB = 3,39), tiếp đó là “gây dựng niềm tin tích cực và tạo động lực làm việc cho cấp dưới” (ĐTB = 3,33).

Khi phân tích nhu cầu nâng cao năng lực quản trị bản thân của các tỉnh cho thấy các giá trị trung bình của các tiêu chí dao động từ 3,12 đến 3,42. Số liệu này phản ánh nhu cầu nâng cao năng lực quản trị nhân sự của các tỉnh đều cao, cao nhất là tỉnh Lâm Đồng (ĐTB = 3,42), tiếp đến là tỉnh Trà Vinh (ĐTB = 3,28), tỉnh Bình Phước (ĐTB = 3,14) và tỉnh Ninh Thuận (ĐTB = 3,12). 

Kỹ năng "Bồi dưỡng và phát triển cấp dưới" có điểm TB cao nhất ở cả ba tỉnh là Bình Phước, Lâm Đồng và Ninh Thuận. Riêng tỉnh Trà Vinh, kỹ năng có ĐTB cao nhất là “Gây dựng niềm tin tích cực và tạo động lực làm việc cho cấp dưới”.

4.4. Nhu cầu nâng cao năng lực quản trị bản thân

Tương tự các nhu cầu khác, cán bộ có nhu cầu nâng cao năng lực quản trị bản thân rất cao (ĐTB = 3,33). Ở tất cả các kỹ năng, ĐTB đều trên điểm 3,2 điểm, cho thấy người trả lời có nhu cầu nâng cao các kỹ năng này.

Nhu cầu nâng cao kỹ năng giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn có ĐTB cao nhất là 3,45; tiếp đến là kỹ năng tư duy (ĐTB = 3,44). Kết quả khảo sát nhu cầu nâng cao năng lực quản trị bản thân của các tỉnh đều cao, cao nhất là tỉnh Lâm Đồng (ĐTB = 3,42), tiếp đến là tỉnh Trà Vinh (ĐTB = 3,28), tỉnh Ninh Thuận (ĐTB = 3,25) và tỉnh Bình Phước (ĐTB = 3,24). 

Tỉnh Trà Vinh và tỉnh Bình Phước có nhu cầu về kỹ năng tư duy cao nhất, ĐTB lần lượt là 3,45 và 3,40. Tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận có nhu cầu về kỹ năng giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn cao nhất, ĐTB lần lượt là 3,56 và 3,39.

4.5. So sánh mức độ cần thiết của các năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiếu số cấp xã

Khi so sánh bốn khía cạnh của năng lực lãnh đạo, quản lý, kết quả phân tích cho thấy rằng nhu cầu của cán bộ là rất lớn. Điểm trung bình của tất cả các khía cạnh năng lực đều cao, cụ thể là năng lực chuyên môn (ĐTB = 3,27), năng lực quản lý, điều hành (ĐTB = 3,27), năng lực quản trị nhân sự (ĐTB = 3,29) và năng lực quản trị bản thân (ĐTB = 3,33).

Trong số các năng lực được đưa ra khảo sát, nhu cầu nâng cao năng lực quản trị bản thân là cao nhất (ĐTB = 3,33). Đây cũng là năng lực có độ lệch chuẩn thấp nhất so với các năng lực khác (ĐLC = 0,68). Điều này cho thấy có sự đồng thuận giữa những trả lời về mức độ cần thiết của năng lực quản trị bản thân.  Kết quả phân tích theo từng tỉnh cũng cho kết quả tương tự. Ở cả bốn tỉnh khảo sát, cán bộ đều có nhu cầu cao nhất ở năng lực quản trị bản thân.

5. Cách thức nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý phù hợp với đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

Nhóm khảo sát đã đưa ra 8 cách thức để cán bộ nữ DTTSCX lựa chọn bao gồm: (1) Tập huấn tập trung và trực tiếp; (2) Tập huấn trực tuyến ; (3) Tập huấn kết hợp trực tiếp và trực tuyến; (4) Tham quan học tập mô hình, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý; (5) Hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng lãnh đạo, quản lý; (6) Hướng dẫn, tư vấn trực tuyến qua mạng Internet; (7) Kèm cặp 1-1 bởi một người có kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo; (8) Tạo ra các cộng đồng, diễn đàn, nhóm trên nền tảng mạng xã hội để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Cán bộ lựa chọn các cách thức phù hợp theo thang điểm 4, trong đó 1 là không phù hợp, 2 là ít phù hợp, 3 là phù hợp, 4 là rất phù hợp.

Điểm trung bình chung của tất cả các cách thức là 3,18, cho thấy hầu hết các phương pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý được đưa ra khảo sát đều phù hợp với cán bộ nữ DTTSCX.

Ba cách thức được đánh giá là phù hợp nhất bao gồm: Tham quan học tập mô hình, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý (ĐTB = 3,49); Hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng lãnh đạo, quản lý (ĐTB = 3,41); Tập huấn tập trung và trực tiếp (ĐTB = 3,29). Độ lệch chuẩn của ba cách thức này lần lượt là 0,53; 0,55 và 0,61. Điều này chứng tỏ rằng cán bộ có sự đồng thuận cao về tính hiệu quả của các phương pháp này.

Cách thức như “tạo ra các cộng đồng, diễn đàn, nhóm trên nền tảng mạng xã hội để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau” có ĐTB tương đối cao với 3,24 điểm. Bên cạnh đó các cách thức được cho ít phù hợp hơn nhưng đều có ĐTB trên 3 điểm, bao gồm “tập huấn kết hợp trực tiếp và trực tuyến, “kèm cặp 1-1 bởi một người có kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo”.

Hai cách thức được cho là ít phù hợp nhất đều liên quan đến trực tuyến bao gồm tập huấn trực tuyến và hướng dẫn, tư vấn trực tuyến qua mạng Internet Cán bộ tại 4 tỉnh khảo sát đều cho rằng hai cách thức nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý phù hợp nhất với họ là “tham quan học tập mô hình, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý” và “hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng lãnh đạo, quản lý”. Ngoài ra, cách thức “tập huấn tập trung và trực tiếp” và “tạo ra các cộng đồng, diễn đàn, nhóm trên nền tảng mạng xã hội để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau” cũng được các tỉnh đánh giá là phù hợp cao.

CHƯƠNG 3. GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ NỮ DTTS CẤP XÃ

Từ những căn cứ lý luận và thực trạng kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đề xuất các nhóm giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ DTTSCX, bao gồm: Nhóm giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ Hội LHPN và hội viên, phụ nữ về CTXH; Nhóm giải pháp về bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực thực hành CTXH; Nhóm giải pháp về công nghệ và cải thiện điều kiện, môi trường làm việc; Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách và các giải pháp khác. Trong mỗi nhóm giải pháp, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp cụ thể có thể triển khai trong thực tế.

Nhóm nghiên cứu của Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam