Đưa chương trình giáo dục trải nghiệm về di sản văn hoá đến gần hơn với công chúng

Mai Phương

18/05/2024 18:40

Bảo tàng có vai trò như nguồn sử liệu gốc, là trung tâm khuyến khích học tập, thúc đẩy tìm tòi, sáng tạo và xây dựng tư duy độc lập của khách tham quan. Từ nghệ thuật và lịch sử đến khoa học và công nghệ, bảo tàng là không gian quan trọng, nơi sản phẩm của nghiên cứu và giáo dục gặp nhau để hình thành nên hiểu biết của con người và thế giới.

Ngày 17/5, Tọa đàm chuyên đề “Hoạt động giáo dục bảo tàng-Kết nối cộng đồng” đã diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5).

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, ông Đặng Minh Vệ - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, trong năm 2023 và tính đến tháng 4/2024, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức cho khoảng 17.000 khách tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm tại bảo tàng. Đối tượng tham gia trải nghiệm phần lớn là học sinh, sinh viên nên nhóm đối tượng này được xác định là đối tượng chính, trọng tâm của bảo tàng khi xây dựng các nội dung hoạt động trải nghiệm.

ong-dang-minh-ve-pld-1715966110.jpg
Ông Đặng Minh Vệ - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội.

Với lợi thế lưu giữ một kho tàng di sản quý giá là trên 73.000 tài liệu, hiện vật gốc về lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội, Bảo tàng Hà Nội đã xây dựng các hoạt động trải nghiệm giáo dục ở khuôn viên bảo tàng: các trò chơi dân gian, chợ Tết, rước trăng chơi phố dịp Trung thu...

Đồng thời, Bảo tàng Hà Nội còn nghiên cứu, tổ chức các hoạt động giáo dục gắn liền với di sản văn hóa phi vật thể, các hoạt động giáo dục văn hóa phi vật thể, nghệ nhân là người giữ vai trò quyết định trong sự thành công của công tác giáo dục cũng như bảo tồn di sản văn hóa.

Bảo tàng Hà Nội thường xuyên tổ chức mời các nghệ nhân là những chủ thể của di sản tham gia trực tiếp vào việc giới thiệu, trình diễn. Đơn cử, trình diễn các nghề thủ công truyền thống làm tò he, nón chuông, cốm Mễ Trì, làng gốm Bát Tràng… hay các tập quán xã hội và tín ngưỡng, các chương trình biểu diễn nghệ thuật như: múa rối nước Đào Thục, ca trù, hát xẩm… và còn rất nhiều các hoạt động giáo dục ý nghĩa khác.
“Với vai trò then chốt của các thiết chế văn hóa, Bảo tàng Hà Nội mong muốn cung cấp hoạt động giáo dục toàn diện, đồng thời góp phần đưa chương trình giáo dục trải nghiệm di sản văn hóa của Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng đến gần hơn với công chúng” – Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể (VICH) chia sẻ: “Khi có điểm chạm với di sản thì người ta sẽ mở ra nhu cầu kết nối với di sản đó. Trung tâm đạt được nhiều thành công khi triển khai sản phẩm nghệ thuật biểu diễn truyền thống cho đối tượng học sinh và gia đình, khi đưa yếu tố về giáo dục, trải nghiệm vào chương trình. 

Hơn nữa, Trung tâm thiết kế chương trình biểu diễn không chỉ là phục vụ mục tiêu biểu diễn, mà còn phục vụ mục tiêu truyền tải được kiến thức, hiểu biết, cảm quan, công thức của di sản văn hóa đó đến với công chúng. Trung tâm coi khán giả không chỉ là người nghe thụ động mà là một phần trong sản phẩm. Bởi vậy, để kết nối giáo dục tại bảo tàng tới công chúng cũng cần tìm ra những hướng đi hiệu quả”.

hoat-dong-giao-duc-bao-tang-pld-1715966110.jpg
Các diễn giả trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại Toạ đàm.

Bà Lê Thị Liên – Cán bộ Phòng Giáo dục – Công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, giáo dục là hoạt động thế mạnh của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hằng ngày, bảo tàng đón tiếp công chúng, cộng đồng đến với bảo tàng với mong muốn tìm hiểu về di sản.

Hiện nay, bảo tàng xây dựng 3 gói sản phẩm cung cấp cho từng đối tượng khách tham quan: Tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp cho nhóm gia đình, bố mẹ con cái cùng tham gia hoạt động tương tác, trải nghiệm; kết nối các đơn vị du lịch xây dựng chương trình dành cho nhà trường thông qua các hoạt động ngoại khoá; chương trình hoạt động giáo dục mang tính chuyên ngành, chuyên sâu thông qua tổ chức các workshop, giao lưu, toạ đàm hướng đến đối tượng công chúng đặc thù.

Với khẩu hiệu “Công chúng là đối tượng bảo tàng hướng tới”, các hoạt động giáo dục, trải nghiệm của bảo tàng luôn phải thu hút được công chúng, để lại ấn tượng và làm cho công chúng muốn quay lại bảo tàng. “Đặc thù của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, 60 - 70% khách tham quan là thế hệ trẻ học đường, Bảo tàng là cuốn cẩm nang sách giáo khoa lịch sử để học sinh các trường học đến tìm hiểu, là bước đệm cung cấp nền tảng kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hoá, di sản dân tộc” – bà Liên chia sẻ.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng khẳng định, sự chuyển mình mạnh mẽ từ những không gian trưng bày truyền thống sang trung tâm giáo dục và trải nghiệm đa dạng có ý nghĩa quan trọng. Một khi bảo tàng nắm bắt xu thế, khai thác tốt tiềm năng từ hiện vật, không gian sẵn có không chỉ giúp thu hút được nhiều lượt khách tham quan hơn mà còn góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức của công chúng về lịch sử, văn hóa dân tộc.

Mai Phương