Điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam

Phó giáo sư - Tiến sĩ Bùi Chí Trung

14/06/2024 08:09

Khái niệm cơ bản về kinh tế báo chí truyền thông là gì? Phạm vi, chức năng hoạt động, phương thức và mô hình quản lý kinh tế báo chí ra sao? Đó là yếu tố cơ bản đầu tiên để xác định con đường phát triển kinh tế báo chí - truyền thông.

Điểm nghẽn trong nhận thức 

Trên thực tế, khái niệm “kinh tế báo chí - truyền thông” chưa được thống nhất và chưa xuất hiện chính thức trong bất kỳ một văn bản quy định pháp luật nào mà chỉ được đề cập trong một số báo cáo tổng kết hoặc văn bản định hình chiến lược. Khái niệm này cũng chưa thể hiện rõ ràng trong hệ thống cơ sở sở lý luận báo chí - truyền thông, trong các giáo trình cơ bản của các trung tâm đào tạo nghiên cứu. 

Chính vì vậy, tư duy lý luận và nhận thức về kinh tế báo chí - truyền thông còn đơn sơ. Bài toán đặt ra hiện nay cho báo chí - truyền thông Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu làm thế nào để các cơ quan báo chí “tự chủ được tài chính”, tự đảm bảo được “nguồn lực kinh tế - kỹ thuật” cho các hoạt động nghiệp vụ, cũng như khả năng mở rộng quy mô sản phẩm và tầm ảnh hưởng. 

bao-chi-1718327287.jpg
Bài toán đặt ra hiện nay cho báo chí - truyền thông Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu làm thế nào để các cơ quan báo chí “tự chủ được tài chính”. Ảnh minh họa: ST

Đề cập về những mô hình, giải pháp kinh tế báo chí -truyền thông ở Việt Nam hiện nay đã có nhiều ý kiến. Bài toán kinh tế báo chí đặt ra là cần trả lời câu hỏi cơ bản và quan trọng nhất, thậm chí có ý kiến chất vấn rằng “chúng ta đã có, muốn có và thực sự muốn phát triển thị trường báo chí - truyền thông hay chưa”?

Vì muốn có một thị trường báo chí - truyền thông mạnh, trước tiên phải cho nó vận hành đúng các quy luật của kinh tế thị trường bao gồm:

 Quy luật giá trị: Ở đâu có sản xuất và trao đổi hàng hoá thì ở đó có sự hoạt động của quy luật giá trị, việc sản xuất và trao đổi hàng hóa dịch vụ báo chí truyền thông phải được tiến hành trên cơ sở của việc tính hao phí lao động cần thiết. 

 Quy luật cung cầu: Cung - cầu trong thị trường báo chí - truyền thông đã thực sự tồn tại và hoạt động một cách khách quan, có mối quan hệ hữu cơ với nhau, thường xuyên tác động lẫn nhau trên thị trường. Như vậy, cần có một cuộc “đại phẫu” để rà soát, cắt bỏ những thứ không cần thiết, muốn tồn tại thì phải có lý do hợp lý.

Quy luật cạnh tranh: Là sự tác động lẫn nhau giữa người mua và người bán hay giữa người sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm báo chí - truyền thông. Hai nhóm này tác động lẫn nhau với tư cách là một thể thống nhất, một hợp lực. 

 Quy luật lưu thông tiền tệ: Là quy luật xác định lượng tiền cần cho lưu thông. Lượng tiền cần cho lưu thông chính bằng tỷ số giữa tổng giá cả hàng hoá với tốc độ lưu thông tư bản 

 Ngoài ra, thị trường báo chí - truyền thông cũng chịu tác động của một số quy luật khác như: quy luật tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm, quy luật khủng hoảng kinh tế, quy luật tâm lý…

Trước tiên, cần thống nhất nhận thức rõ về đặc điểm kinh tế, chức năng kinh tế của cơ quan báo chí. Cần làm rõ câu hỏi: “Cơ quan báo chí có hoạt động giống như một doanh nghiệp”- chí ít là một “doanh nghiệp đặc biệt”? 

Trong nền kinh tế thị trường, cơ quan báo chí chỉ có thể vận hành hoạt động kinh tế linh hoạt nếu như có vị thế của một doanh nghiệp. Nhất là với các cơ quan báo chí chính trị chủ lực, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải thực hiện nhiệm vụ báo chí, vừa phải chăm lo đời sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

Kinh tế báo chí nói chung đang thu hút nguồn thu trên môi trường số, thông qua các hệ thống nội dung số, thu dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông, các dịch vụ thu phí bạn đọc với nội dung chuyên biệt, hấp dẫn… Trong khi đó, Luật Báo chí hiện hành chưa công nhận các sản phẩm đặc thù trên nền tảng số là thể loại báo chí. Vì thế, cần bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi Luật Báo chí, đồng thời bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động sáng tạo, sản xuất nội dung trên môi trường số, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển nội dung số được thuận lợi.

Mục tiêu phát triển kinh tế báo chí với các nguyên tắc hoạt động báo chí - truyền thông

Làm thế nào để báo chí vẫn giữ được tôn chỉ, mục đích, làm tròn trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng, có tính chất định hướng về chính sách của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của Nhân dân nhưng vẫn phải có được nguồn thu để tái sản xuất, đầu tư và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả, đó là một bài toán khó giải quyết trong một sáng một chiều. 

Doanh thu từ phát hành báo in giảm chưa từng có trong lịch sử phát hành báo của Việt Nam. Doanh thu từ quảng cáo cũng gặp không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội mới xuất hiện. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan báo chí.

Có nhiều ý kiến cho rằng, tác phẩm báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt, không chỉ theo quy luật cung - cầu như các hàng hóa khác mà nội dung lại phục vụ cho công tác tư tưởng, cung cấp thông tin chính sách, tuyên truyền. Vì thế, cần thúc đẩy hơn nữa sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có chính sách thuế và các cơ chế ưu đãi bám sát với thực tiễn thị trường, để cơ quan báo chí có thể tập trung tốt nhất việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. 

Để báo chí vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, lại vừa thực hiện được chức năng kinh tế của mình, rất cần thúc đẩy các quy định mới về các sản phẩm báo chí đặt hàng. Cần quy định rõ hơn nội dung nào được coi là hàng hóa và đâu là sản phẩm tuyên truyền, cần phân định rạch ròi ranh giới giữa tuyên truyền và làm kinh tế, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan báo chí hoạt động.

Bùng nổ kỹ thuật và công nghệ, giữa nhu cầu hưởng thụ của công chúng với khả năng đáp ứng thực tế của hệ thống báo chí - truyền thông

Sau hàng trăm năm phát triển, tờ báo in đã không còn là nền tảng được ưa thích, công chúng đã thay đổi cách tiếp cận thông tin. Thậm chí, ngay cả các loại hình có nhiều thế mạnh như phát thanh, truyền hình truyền thống hiện đang mất dần sức hút với không chỉ giới trẻ, mà còn cả nhiều thành phần khác trong xã hội.

Khi truyền thông xã hội dần trở thành kênh tìm kiếm thông tin phổ biến đối với cộng đồng, các cơ quan báo chí buộc phải cạnh tranh trực tiếp với mạng xã hội và các kênh truyền thông khác để tồn tại. 

Nếu với kênh phân phối truyền thống là các sạp báo, các báo vẫn bán báo và thu tiền phát hành (bên cạnh nguồn thu chính nữa quảng cáo của doanh nghiệp trên báo), thì với "kênh phát hành số" – tờ báo không thu được tiền trực tiếp từ độc giả mà thu gián tiếp qua nguồn tiền quảng cáo trung gian. 

Một trong những nguyên nhân dẫn tới khó khăn trong hoạt động kinh tế báo chí đó là việc xây dựng và áp dụng các mô hình kinh doanh báo chí - truyền thông chưa thực sự phù hợp. Ngay từ xuất phát điểm ban đầu, tiếp cận của báo chí (đặc biệt là báo điện tử) cho phép được đọc miễn phí, thậm chí đã định hình thói quen khó thay đổi của công chúng. Thực tế hiện nay, nhiều tin tức báo chí được đưa lên mạng xã hội mà không trả bản quyền. Dù rằng bài báo đó là một tác phẩm do lao động của nhà báo, của cơ quan báo chí tạo ra, tốn nhiều chi phí. 

Nếu không tìm cách bảo vệ được bản quyền và tính phí sử dụng, cơ quan báo chí sẽ mất nguồn thu, sẽ không tiếp tục phát triển được nội dung chuyên biệt, đặc sắc. Vòng xoáy suy giảm chất lượng sẽ tiếp tục lún sâu khi mức độ đầu tư ngân sách cố định ngày càng giảm thiểu không đủ đáp ứng sự phát triển. Vì vậy, cần có những giải pháp đột phá hơn về bản quyền và mô hình thu phí bản quyền trong không gian mạng. 

Về mặt pháp luật, hiện nay Việt Nam chưa điều chỉnh cơ chế, phương thức bắt buộc các nền tảng lớn có số lượng người dung nhiều như Google, Facebook đã phải trả tiền khai thác thông tin (việc này đã được một số nước thực hiện). 

Mỗi tờ báo phải chọn một phân khúc thị trường phù hợp với tôn chỉ, mục đích cũng như thế mạnh của đơn vị và khai thác sâu thị trường đó. Sự khác biệt của mỗi tờ báo sẽ là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, để có chỗ đứng trong lòng độc giả. Đi tìm sự khác biệt sẽ là công việc đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi tờ báo. Kinh tế báo chí cũng từ đó giúp cho các nhà báo có thể sống được với nghề và tự hào với nghề của mình.

Hài hòa mối quan hệ lợi ích, tạo động lực cho sự phát triển nền báo chí - truyền thông đặc thù Việt Nam

Trong vòng một thập kỷ qua, xuất hiện một khái niệm “xã hội hoá” trong báo chí để mô tả sự tham gia của các nguồn lực xã hội khác nhau trong hoạt động báo chí - truyền thông, dù rằng cách hiểu về xã hội hoá như vậy là chưa thật đúng hàm nghĩa. Dù muốn hay không thì báo chí - truyền thông có thể phát triển được thì vấn đề đầu tiên cần được giải quyết đó là nguồn kinh phí. 

Hoạt động báo chí - truyền thông vận hành với chi phí tốn kém nên vấn đề trên lại càng trở nên quan trọng. 

Chúng ta hiểu rằng động lực sâu xa thúc đẩy con người hoạt động chính là lợi ích. Nguyên nhân kinh tế báo chí - truyền thông chưa phát triển có yếu tố từ việc chưa tìm ra chìa khóa trong việc đảm bảo lợi ích, hài hòa lợi ích chung của tập thể, của xã hội trong một giai đoạn lịch sử với lợi ích cá nhân, quyền lợi cá nhân của một nhóm người, một giai tầng trong xã hội. 

Quan điểm tiên quyết là hoạt động báo chí nhất thiết, triệt để không được “tư nhân hóa”, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí là điều bất biến. Nhưng việc lý giải nguyên tắc này dường như chưa thật đầy đủ. Sự thật thực tế là sẽ có những yếu tố cá nhân, những mầm mống gây bất lợi cho định hướng hoạt động báo chí cách mạng. Nhưng nếu “cấm-cản” toàn bộ cũng đồng nghĩa là tạo ra rào cản với những nhân tố tích cực, những lực lượng tiên phong khác. 

Nghiên cứu văn kiện Đại hội Đảng 13, chúng ta thấy Đảng nhấn mạnh việc cần ưu tiên, khuyến khích lợi ích riêng nhằm kích thích vai trò của cá nhân trong các hoạt động xã hội, nhưng phải định hướng cho quá trình thực hiện lợi ích riêng hướng vào lợi ích chung của cả xã hội. Nhưng trong lĩnh vực cụ thể của báo chí - truyền thông, chúng ta mới chỉ có khái niệm “liên kết báo chí, liên kết xuất bản”.

Thực tế cho thấy các phương thức này vẫn chưa tạo thành động lực huy động tối đa các nguồn lực cho sự phát triển.  

Điểm nghẽn trong xây dựng cấu trúc hệ thống tổng thể của nền kinh tế báo chí - truyền thông và thể chế quản lý báo chí - truyền thông đáp ứng yêu cầu mới

Một trong những câu hỏi khác cũng được đặt ra trong quá trình giải quyết bài toán kinh tế cho báo chí – truyền thông đó là trong việc sắp xếp hệ thống báo chí toàn quốc.

Theo nội dung của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và nâng cao chất lượng, các cơ quan báo chí phải xác định các loại hình báo chí. Ngoài những tờ báo có chức năng, nhiệm vụ đặc thù được nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động (dưới hình thức đặt hàng), còn lại hầu hết các tòa soạn sẽ phải tự chủ về tài chính. 

Hoạt động theo cơ chế tự chủ đồng nghĩa với việc cơ quan báo chí sẽ quản trị theo mô hình doanh nghiệp. Thông tin thế nào để vừa trung thực khách quan, đúng bản chất sự thật mà lại hấp dẫn, thu hút nhiều độc giả là một bài toán luôn đặt ra đối với mỗi tòa soạn, trước mỗi quyết định xuất bản kỳ báo, tạp chí.

Chúng ta quy hoạch về số lượng hay về bản chất cần quy hoạch nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động báo chí truyền thông? Những đơn vị thụ hưởng ngân sách phải đạt được mục tiêu gì, chỉ số nào khi nhận ngân sách?

Ngoài ra, vấn đề đội ngũ tham gia trực tiếp vào hoạt động quản lý, vận hành hoạt động kinh tế báo chí - truyền thông cũng là một điểm yếu. Kiến thức kinh tế, khả năng quản lý quản trị kinh doanh chưa/không là tiêu chí bắt buộc đối với lãnh đạo cơ quan báo chí. 

Quản lý và phát triển báo chí là để phát triển bền vững. Quản lý phải theo kịp sự phát triển của xã hội. Quản lý Nhà nước về báo chí thì quản lý là để phát triển báo chí bền vững. Muốn phát triển bền vững, trước tiên phải vững về kinh tế. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có quản lý hoạt động kinh tế báo chí, nếu quản thì quản đến đâu, phạm vi nào? Mục tiêu của quản lý kinh tế báo chí ở cấp độ Nhà nước cần xác định như thế nào, để báo chí cách mạng làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình trong tình hình mới.

Sự phát triển kinh tế báo chí đòi hỏi sự thay đổi cách tiếp cận để tránh phức tạp hóa, tiêu cực hóa vấn đề. Đổi mới động kinh tế báo chí truyền thông chính là mắt xích chính yếu để đổi mới toàn diện hệ thống báo chí - truyền thông trong bối cảnh số.

* Tác giả là Phó giáo sư, Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Đào Tạo báo chí và truyền thông trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội

Phó giáo sư - Tiến sĩ Bùi Chí Trung