Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay

Hoàng Thảo

05/06/2024 19:14

Ngày 5/6 tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành, các cơ sở đào tạo, cơ quan báo chí - truyền thông nghiên cứu trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số.

Đồng thời, đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng, chia sẻ các kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.

dao-tao-bao-chi-pld-1717600358.jpg
Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Quốc Minh Lê Quốc Minh – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh tin học hóa và số hóa dữ liệu trong hoạt động báo chí mà còn là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí truyền thông trên nền tảng công nghệ số.

Điều này đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay để có thể theo kịp xu thế phát triển chung và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời cho xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số.

Thực tế trong thời gian qua, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông đã sớm tích hợp, đưa các nội dung của chuyển đổi số vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các chương trình khung, chương trình chi tiết của từng chuyên ngành, phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Các nhà trường cũng đã chú trọng đổi mới tư duy, phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, giữa giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành; trang bị các kiến thức, kỹ năng lao động cần thiết cho người học trong môi trường số, đưa các mô hình tòa soạn số, trường quay ảo, công nghệ truyền thông thế hệ mới... vào giảng đường.

ong-le-quoc-minh-pld-1717600358.jpg
Ông Lê Quốc Minh Lê Quốc Minh – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tuy nhiên, bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần xác định lại triết lý, mục tiêu đào tạo phù hợp với xu thế mới; sớm xây dựng một khung chương trình chuẩn về đào tạo báo chí, truyền thông của quốc gia, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đây là những thách thức mới đặt ra đối với công tác đào tạo báo chí, truyền thông trong nước, nhất là trong bối cảnh chất lượng đào tạo có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc chậm được đổi mới về phương pháp, việc đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực, xây dựng cơ chế riêng cho đào tạo báo chí, truyền thông còn nhiều bất cập, thiếu thốn...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi thảo luận và phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo báo chí - truyền thông. Từ đó, định hướng, giải pháp và khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo người làm báo. Các đại biểu khẳng định, chuyển đổi số không đơn giản chỉ là trang bị thật nhiều công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại, mà cốt là phải thay đổi từ tư duy, tầm nhìn, kiến thức, kỹ năng, thái độ của đội ngũ nhân lực báo chí - truyền thông số.

Hoàng Thảo