Còn đối với thu nhập từ lượt xem tại Việt Nam: Cá nhân áp dụng VAT 2%, thuế TNCN 1%; Với doanh nghiệp VAT là 10% (Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC)
Đề xuất này được Liên minh Sáng tạo Nội dung số - DCCA (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) kiến nghị tại “Hội nghị Khai thác thị trường quốc tế và Chính sách thuế đối với lĩnh vực sáng tạo nội dung số” tổ chức tại Hà Nội vào ngày 31/03/2023 vừa qua.
Ngành dịch vụ nội dung số “kêu” bị thu thuế 2 đầu
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Việt Tiệp - Chuyên viên cao cấp về kế toán thuế (đại diện cho DCCA) đã phân tích một trường hợp cụ thể đối với các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube. Theo chính sách của YouTube, các nhà sáng tạo nội dung ở các quốc gia ngoài Mỹ thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế của Mỹ sẽ chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập cho các lượt xem đến từ Mỹ; còn các lượt xem từ các quốc gia khác YouTube không khấu trừ thuế.
Chính sách của YouTube cũng quy định, các nhà sáng tạo nội dung từ các quốc gia ngoài Mỹ không thực hiện đăng ký thuế tại Mỹ sẽ bị khấu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu. (Chính sách này nhằm khuyến khích YouTuber đăng ký thuế tại Mỹ)
Khi dòng tiền về đến Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân phải nộp thêm 7% (bao gồm 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân). Còn tổ chức/doanh nghiệp kinh doanh trên YouTube phải đóng khoản thuế là 30% (bao gồm 10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp).
Như vậy có thể thấy, các doanh nghiệp/cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu 2 lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Mỹ (do phía Mỹ đã thu thuế), bản chất là các doanh nghiệp/cá nhân đang bị nộp thuế chồng thuế.
Trong khi đó, từ năm 1992 tới nay, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ (sau đây gọi tắt là Hiệp định), trong đó, 60 Hiệp định đã có hiệu lực áp dụng. Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ đã được hai nước ký kết vào ngày 07/07/2015.
3 kiến nghị về thuế cho ngành sáng tạo nội dung số
Từ thực tế này, DCCA kiến nghị, Tổng cục Thuế xem xét áp dụng chính sách thuế đối với các cá nhân/doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ nội dung số trên các nền tảng quốc tế như sau:
1. Áp dụng nguyên tắc tránh đánh thuế 2 chiều với các nguồn thu nhập từ các quốc gia đã ký kết Hiệp định với Việt Nam đối với các tổ chức/cá nhân kinh doanh nội dung số trên các nền tảng toàn cầu. Kiến nghị Chính phủ thúc đẩy để Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ sớm được thực thi.
2. Với các nội dung số sản xuất kinh doanh phục vụ cho thị trường nước ngoài, cho người xem nước ngoài áp dụng thuế suất VAT là 0% (VAT 0% với cả cá nhân và doanh nghiệp).
* Với thu nhập từ lượt xem tại Việt Nam: Cá nhân áp dụng VAT 2%, thuế TNCN 1%; Với doanh nghiệp VAT là 10% (Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC)
3. DCCA cũng kiến nghị, nhà nước xem xét để hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số với các chính sách ưu đãi về: Thuế, ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ đào tạo nhân lực… tương tự như ưu đãi đối với thuộc lĩnh vực phần mềm và công nghệ cao. Cụ thể, sản phẩm thuộc ngành phần mềm và công nghệ cao đang được ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm, cùng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư khác.
Làm sao để kiểm soát công bằng nghĩa vụ thuế khi kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới?
Bày tỏ sự đồng thuận với đề xuất tránh đánh thuế 2 lần để công bằng hơn cho các doanh nghiệp, từ góc độ của đơn vị quản lý nhà nước lĩnh vực công nghiệp ICT, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, để thúc đẩy phát triển, việc cần thiết là đề xuất việc giảm thuế thu nhập cá nhân, hơn là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo ông Nghĩa, giảm thuế thu nhập cá nhân chính là cách để giữ chân các chuyên gia giỏi ở lại Việt Nam. Lấy ví dụ ở lĩnh vực thiết kế vi mạch hiện đã có các kỹ sư giỏi được doanh nghiệp Singapore mời với mức lương gấp đôi tại Việt Nam.
“Nếu chúng ta không thay đổi cách để trân trọng người tài, các chuyên gia giỏi thông qua chính sách thuế thì chúng ta sẽ rất khó để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển trong ngành ICT nói chung và nội dung số nói riêng”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nhấn mạnh.
Chia sẻ về điểm khác biệt trong hoạt động quản lý thuế giữa hoạt động kinh doanh trên nền tảng số toàn cầu và kinh doanh truyền thống, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lý Phương Duyên - Giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính cho biết, chúng ta vẫn 2 nguyên tắc đánh thuế: Nguyên tắc điểm đến: Tiêu dùng ở đâu đánh ở đó và Nguyên tắc nguồn thu nhập: Đánh ở nguồn phát sinh thu nhập
Vậy thì tại sao các doanh nghiệp quảng cáo đang phải trả tiền cho nền tảng nước ngoài mà phải nộp thuế? Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lý Phương Duyên, đối với các tổ chức/cá nhân thì có 3 khái niệm thuế chính: thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, và giá trị gia tăng. Bên cạnh đó còn có 1 khái niệm thuế khác là thuế nhà thầu, đánh vào các nhà thầu chính ở nước ngoài khi không có sự hiện diện ở Việt Nam, thì người tiêu dùng Việt Nam sẽ là người chịu trách nhiệm thay. Đó là một ví dụ cho sự khác nhau giữa thuế dành cho kinh doanh trên nền tảng số và kinh doanh truyền thống.
“Ngoài yếu tố trên, còn có 9-12 góc độ khác nhau giữa thuế kinh doanh và thuế trên nền tảng số. Điểm khác biệt lớn nhất của hoạt động thuế trên các nền tảng số là khó quản lý, đặc biệt đối với các giao dịch xuyên quốc gia, những vấn đề tiền đi qua biên giới rất khó quản lý. Hiện nay chúng tôi vẫn đang nghiên cứu vì đối với nền kinh tế số thì một số nguyên tắc không còn đúng nữa, nên các chuyên gia đang nghiên cứu thay đổi những quy định về thuế cho phù hợp hơn trong thời gian tới”, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lý Phương Duyên nhấn mạnh.
Trước câu hỏi làm thế nào kiểm soát, đảm bảo công bằng cho tất cả các nhà sáng tạo nội dung số trong việc thực hiện nghĩa vụ với nhà nước? Ông Vũ Tú Thành -Phó Giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN chia sẻ: Năm 2018 Quốc hội thông qua Luật quản lý thuế sửa đổi, lần đầu tiên có quy định các nhà cung cấp xuyên biên giới được cấp 1 mã số thuế ở Việt Nam để đăng ký kê khai và nộp thuế trực tiếp tại Việt Nam mà không cần lập cơ sở thường trú. Điều đó có nghĩa các nền tảng xuyên biên giới không cần lập cơ sở ở Việt Nam mà vẫn có thể cung cấp dịch vụ và đóng thuế ở Việt Nam, miễn là các nền tảng này không vi phạm các quy định luật pháp khác tại Việt Nam.
Luật pháp đã cho phép, vậy vấn đề chỉ là công tác tổ chức như thế nào, họ có kê khai đầy đủ không, có nộp thuế đúng đủ kịp thời cho Việt Nam hay không?
Tổng cục Thuế đã ứng dụng CNTT vào việc kê khai thuế, hiện nay trên cổng dịch vụ công về thuế đã có hơn 30 doanh nghiệp nước ngoài tiến hành kê khai. Như vậy các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới không cần đóng thuế nữa vì các nền tảng họ đã chủ động đóng thuế rồi, phía Việt Nam sẽ không khấu trừ thuế nữa mà để nền tảng chủ động khai thuế và đóng thuế.
Cũng theo ông Vũ Tú Thành, sau khi các nền tảng tự khai và đóng thuế thì có nhiều doanh nghiệp nhận thấy: Khi giữ lại khoản thuế khấu trừ thì phần tiền phải trả ít hơn so với bây giờ, nên truyền thông có cho rằng quy định này làm giá dịch vụ tăng lên. Thực chất chính sách đưa ra để chống thất thu thuế và không tác động tiêu cực đến doanh nghiệp Việt Nam. Thực chất đó không phải sự tăng giá, trước đây khấu trừ thuế đáng ra phải trả cho nhà cung cấp nước ngoài nhưng chúng ta giữ lại cho đến khi nộp thuế chúng ta mới nộp thay họ, vì thế chúng ta không phải trả ngay. Nhưng giờ doanh nghiệp phải đóng luôn để nộp thuế cho nhà nước, đây là sự thay đổi của dòng tiền chứ không phải giá bán.
Tại Hội nghị, còn rất nhiều câu hỏi của doanh nghiệp nội dung số đề nghị giải đáp về chính sách thuế, song rất tiếc không có đại diện Tổng cục Thuế hay Bộ Tài chính tham dự. Lãnh đạo Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, Hội sẽ tổng hợp các ý kiến thắc mắc, đề xuất của doanh nghiệp để gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, để các Bộ có câu trả lời.