Chủ tịch Hội đồng quản trị của những tập đoàn lớn nhận thù lao 0 đồng

Minh Quân

06/09/2022 10:39

Họ vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị nhưng cũng vừa là những cổ đông lớn tại những tập đoàn với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng báo cáo tài chính thể hiện những tỷ phú này đều nhận thù lao 0 đồng.

ty-phu-viet-nam-1662435265.png

Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên, Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) chi tổng cộng gần 106 tỷ đồng trả tiền lương cũng như thù lao của cho các thành viên quản lý chủ chốt. Mức cụ thể trả cho từng bộ phận không được nêu rõ nhưng HĐQT không nhận thù lao sau nửa đầu năm.

Việc các thành viên HĐQT Masan Group không nhận thù lao diễn ra từ năm 2020 - sau khi nhận sáp nhập chuỗi VinMart và VinMart+ (hiện là WinMart và WinMart+) vào cuối năm 2019 khiến kết quả kinh doanh đi xuống. Hiện HĐQT đang có 8 thành viên bao gồm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang; các thành viên HĐQT gồm bà Nguyễn Hoàng Yến; ông Nguyễn Thiếu Nam; ông Nguyễn Đoan Hùng; ông David Tan Wei Ming; bà Nguyễn Thị Thu Hà; ông Ji Han Yoo và ông Woncheol Park. Trong hai năm 2021 và 2020, Tổng giám đốc Danny Le đã nhận lần lượt 12,2 và 9,5 tỷ đồng tiền lương, thưởng và các phúc lợi khác. 

Ông Nguyễn Đăng Quang là nhà sáng lập của Masan Group và là một trong 7 tỷ phủ USD tại Việt Nam với khối tài sản ước tính khoảng 1,8 tỷ USD, theo Forbes. Hiện ông đang nắm giữ hàng trăm triệu cổ phiếu MSN thông qua các công ty con. Vì vậy, dù không nhận thù lao nhưng ông vẫn sẽ nhận thêm cổ phiếu và tiền mặt mỗi lần Masan Group chia cổ tức hoặc thưởng cho cổ đông.

Ông Quang cùng HĐQT không nhận thù lao trong bối cảnh Masan Group vẫn có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý II. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần 36.023 tỷ đồng, giảm 12,6% so với đầu năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.576 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên của Tập đoàn Vingroup (VIC), doanh nghiệp này đã chi hơn 24 tỷ đồng thù lao cho các thành viên lãnh đạo, gồm Hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc và các thành viên quản lý khác. Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup và nhiều thành viên Hội đồng quản trị không nhận thù lao. Báo cáo cũng cho biết, tỷ phú giàu nhất Việt Nam cũng không nhận thù lao trong nửa đầu năm 2021. Theo tạp chí Forbes (Mỹ), Chủ tịch Vingroup hiện có tài sản gần 5 tỷ USD.

Báo cáo của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và các thành viên không nhận thù lao trong nửa đầu năm nay. Cùng kỳ năm ngoái, khoản chi các nhân sự HĐQT là hơn 17 tỷ đồng. Các khoản chi lương và thưởng cho các lãnh đạo của Hòa Phát trong 6 tháng đầu năm vì thế cũng giảm mạnh, chỉ còn hơn 5 tỷ đồng, bằng một phần tư cùng kỳ, chủ yếu cho các thành viên ban giám đốc.

Tại Techcombank, báo cáo tài chính kiểm toán cho biết, nhà băng này đã chi ra hơn 210 tỷ đồng trả thù lao cho nhân sự lãnh đạo. Trong đó, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank và các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhận về gần 19 tỷ đồng.

Tương tự, với Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam và các thành viên Hội đồng quản trị, ban giám đốc nhận tổng thu nhập 12,7 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Với Novaland, quỹ lương và các phúc lợi khác cho các thành viên lãnh đạo chủ chốt trong nửa đầu năm nay ghi nhận hơn 10,4 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với năm trước. Ngoài ông Bùi Thành Nhơn giữ chức Chủ tịch, Hội đồng quản trị NVL còn 5 thành viên khác.

Theo thống kê của Forbes ngày 23/12/2021, tổng tài sản của 6 tỷ phú nói trên là 19,6 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD. Cụ thể như sau: Phạm Nhật Vượng (7,4 tỷ USD); Nguyễn Thị Phương Thảo (2,5 tỷ USD), Trần Đình Long (3 tỷ USD); Hồ Hùng Anh (2,6 tỷ USD), Trần Bá Dương (1,6 tỷ USD) và Nguyễn Đăng Quang (2,2 tỷ USD).

Như vậy so với đầu năm, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - tỷ phú giàu nhất Việt Nam - chỉ tăng 100 triệu USD, nâng quy mô tổng tài sản lên 7,4 tỷ USD.

Mặc dù là tỷ phú có tài sản gia tăng chỉ 100 triệu USD, nhưng ông Phạm Nhật Vượng lại được Forbes vinh danh là Nhà từ thiện hào phóng tại châu Á năm 2021 (Heroes Of Philanthropy). Danh sách này có sự góp mặt của 15 tỷ phú, doanh nhân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương - những người có nhiều cống hiến cho hoạt động từ thiện trong năm qua.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup của Việt Nam là một trong 15 người được Forbes vinh danh trong danh sách Heroes Of Philanthropy Châu Á năm 2021. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp tỷ phú Phạm Nhật Vượng có mặt trong Top 15.

Theo Forbes, đa số nhân vật trong danh sách năm nay là những tên tuổi mới. Tuy nhiên, tạp chí này cũng đưa vào danh sách một số người được vinh danh trước đó nếu họ đạt được một cột mốc quan trọng trong quá trình làm từ thiện của mình.

“Một ví dụ là người đàn ông giàu nhất Việt Nam, Phạm Nhật Vượng. Tỷ phú này tiếp tục có những đóng góp đáng kể vào việc giảm thiểu tác động của Covid-19 tại quê nhà. Kể từ năm ngoái, ông đã trao hơn 320 triệu USD để hỗ trợ cho công việc phòng dịch của Việt Nam”, Forbes viết.

Minh Quân