Doanh nhân Hàn Ngọc Vũ là ai?
Ông Hàn Ngọc Vũ sinh ngày 19/5/1965 hiện tại đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Ông Vũ được đào tạo với học vị Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của trường Solvay Business School - Vương quốc Bỉ. Ông cũng có các bằng đại học khác như: Trường Metropolitan Business College - Australia, Học viện Quan hệ Quốc tế - Việt Nam. Ngoài ra, ông Vũ còn tham gia các khóa học chuyên ngành như: Khóa Đào tạo Lãnh đạo của Harvard Business School, Khóa Đào tạo Quản lý Rủi ro, Nghiệp vụ Ngân hàng Thương mại, Phân tích Tài chính, Tài trợ Dự án, Tài trợ Thương mại… của Citigroup và của Credit Lyonnais.
Doanh nhân Hàn Ngọc Vũ gia nhập Ngân hàng Quốc tế VIB với vai trò là Tổng giám đốc từ cuối năm 2006 và đảm nhiệm chức vụ này đến năm 2008.
Năm 2008: Đảm nhiệm vai trò Thành viên HĐQT nhiệm kỳ V
Năm 2008 - 2013: Giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của VIB
Năm 2013: Đảm nhiệm vai trò Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI kiêm Tổng giám đốc VIB cho đến nay.
Năm 2016: Ông Vũ được bầu làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII.
Ông Hàn Ngọc Vũ Vũ có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động kinh doanh, trong đó 27 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bên cạnh đó, ông còn đảm nhiệm nhiều vị trí công tác trọng yếu trong hệ thống các ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế, trong đó có vị trí Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp toàn quốc kiêm Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của ngân hàng Citigroup Việt nam, Giám đốc Kinh doanh toàn quốc kiêm Giám đốc Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh của ngân hàng Credit Lyonnais Vietnam, Giám đốc Chi nhánh ngân hàng Calyon tại Hà Nội.
Ông Hàn Ngọc Vũ đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc của VIB
Ông Vũ gia nhập VIB vào năm 2006, thời điểm này ông giữ vai trò là Tổng Giám đốc và sau là đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT VIB từ năm 2008. Đến năm 2013, ông Vũ được bầu làm Tổng giám đốc của ngân hàng VIB.
Được biết, sự phân công lại nhiệm vụ trong Ban lãnh đạo VIB nhằm phát huy tốt nhất năng lực và kinh nghiệm của các nhân sự cấp cao bao gồm ông Vũ - những nhân sự này đã và đang gắn bó lâu dài với Ngân hàng trong suốt giai đoạn phát triển chiến lược của VIB.
Sự sắp xếp và phân công lại nhiệm vụ trong ban lãnh đạo cấp cao của ngân hàng, VIB tin tưởng vào khả năng của các nhân sự đặc biệt là ông Hàn Ngọc Vũ sẽ giữ vững được sự hoạt động ổn định vốn có, và tiếp tục sự phát triển bền vững trên con đường hội nhập và phát triển của Ngân hàng.
Tổng giám đốc VIB: Vừa ra trường vẫn dám xin gặp các CEO
Ông Hàn Ngọc Vũ chia sẻ mỗi lần nhớ về việc quyết định bỏ biên chế Nhà nước để về đầu quân cho một ngân hàng của Pháp ở Việt Nam: “Giờ nghĩ lại vẫn thấy bản thân mình liều, nói thật là lúc đó gia đình không ai ủng hộ vì thấy mình không biết gì về ngân hàng, mà lại là ngân hàng tư nhân của nước ngoài vừa mới được cấp phép ở Việt Nam và không có sự ổn định như trong biên chế nhà nước".
Mặc dù vậy nhưng ông vẫn liều chuyển sang tổ chức mới dù phải làm từ vị trí thấp nhất. Bởi ông Vũ tin rằng bản thân còn trẻ, còn nhiệt huyết lại có thêm chút sáng dạ thì các doanh nghiệp tốt sẽ chấp nhận sự thiếu kinh nghiệm để đầu tư đào tạo.
Sau một thời gian làm nhân viên thì ông Vũ đã được cất nhắc lên làm quản lý nhưng lại không phải kinh doanh nên ông đã xin chuyển sang làm nhân viên quản lý khách hàng FDI. Chia sẻ về điều này, ông Vũ cho biết: "Vì muốn tham gia sâu hơn vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng nên khi có cơ hội là tôi quyết định bỏ ngay vị trí quản lý để chuyển sang làm kinh doanh dù phải bắt đầu từ cấp nhân viên”.
Tuy là làm việc cho một nhà băng Pháp nhưng ông Vũ được giao phát triển các doanh nghiệp khác của thế giới - tức là chẳng phải Pháp mà cũng chẳng phải Việt Nam. Lúc này áp lực đối với ông rất lớn bởi vì công cụ tìm kiếm khách hàng chưa có, khi tìm được địa chỉ rồi thì người quyết định tài chính lại là CEO, CFO người nước ngoài, lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm. Họ sẽ chẳng mấy quan tâm để có thể chấp nhận gặp một người trẻ tuổi. Dù vậy nhưng nhờ vào sự nhanh trí nên ông Vũ đã bấu víu vào Tạp chí Vietnam Investment Review, Vietnam News cũng như các các mối quan hệ ở Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, thậm chí là cuốn danh bạ Trang Vàng và tổng đài giải đáp điện thoại,… để tìm kiếm được địa chỉ cũng như số điện thoại, thông tin khách hàng tiềm năng.
Ông Vũ chia sẻ rằng: “Mặc dù cũng run nhưng tôi cứ gọi điện để xin đặt lịch hẹn thẳng với tổng giám đốc hoặc trưởng đại diện. Cứ 10 cuộc gọi thì chỉ 1-2 nơi đặt được hẹn". Việc đặt hẹn được lần đầu đã khó thì để có được cuộc hẹn lần hai thì mới khó hơn bởi đây mới là mấu chốt quan trọng.
Để có buổi gặp chưa tới một giờ đồng hồ đối với một người ít kinh nghiệm như ông thì phải chuẩn bị có khi mất thời gian gấp cả chục lần như: Thu thập thông tin của công ty mẹ, công ty con, công ty tập đoàn; Thu thập ngành công nghiệp mà đối tác hoạt động; Thu thập về chính sách của Việt Nam đối với ngành công nghiệp đó.
Từ những kinh nghiệm mà bản thân có, vị CEO của VIB chia sẻ rằng: “Không nên ngồi chờ những cơ hội chưa tồn tại và cũng đừng chọn công việc bản thân không say mê vì nó không tạo ra được động lực làm mình có thể vượt lên trên năng lực hiện có”.
03 mũi nhọn của VIB dưới thời ông Hàn Ngọc Vũ
Không thay đổi thương hiệu trong 10 năm trở lại đây nhưng có một điều dễ nhận ra rằng VIB dưới sự điều hành của ông Hàn Ngọc Vũ đã có sự lột xác trong gần một thập kỉ qua. Đặc biệt là chiến lược tập trung vào cho vay mua ô tô, cho vay mua nhà và đặc biệt là hợp tác với Prudential trong lĩnh vực bảo hiểm.
Năm 2010, VIB tiến hành tăng vốn điều lệ từ 2.400 tỉ đồng lên 4.000 tỉ đồng và chính thức đón CBA trở thành cổ đông chiến lược sở hữu 15% cổ phần sau một khoảng thời gian đàm phán từ năm 2009. Một năm sau đó, tổ chức này đã nâng mức sở hữu tại VIB từ 15% lên 20%.
Đây cũng là thời điểm VIB bắt đầu đẩy mạnh tiến trình thực hiện trở thành một ngân hàng chuyên về bán lẻ. Khối ngân hàng bán lẻ được thành lập từ năm 2009 được tăng mạnh về qui mô, VIB đã tuyển dụng thêm 1.000 người trong năm 2010 với lượng nhân sự trẻ chiếm phần lớn (70% nhân viên của VIB có độ tuổi dưới 30).
Sau 3 năm thành lập, khối ngân hàng bán lẻ đã nâng tổng nhân sự lên 2.000 nhân viên. Cùng với sự mạnh tay trong đầu tư vào công nghệ cho thấy sự quyết tâm của ban lãnh đạo ngân hàng trong việc xây dựng VIB trở thành một ngân hàng chuyên về bán lẻ.
VIB là không phải là ngân hàng có quy mô lớn trong hệ thống, nhưng trong những năm qua, ngân hàng đã có những bước tăng trưởng thần tốc nhờ chiến lược kinh doanh đặc thù, dồn lực vào một số mảng cho vay nhất định, qua đó xây dựng lợi thế cạnh tranh riêng.
Cụ thể, kể từ năm 2017, VIB đã có những bước chuyển mình, tập trung vào xây dựng ngân hàng bán lẻ với tỷ trọng cho vay bán lẻ chiếm phần lớn trong tổng dư nợ. Hiện nay dư nợ bán lẻ hiện chiếm khoảng 85% trong số 180 nghìn tỷ đồng tổng dư nợ.
VIB được được biết đến rộng rãi là ngân hàng sở hữu thị phần lớn nhất trong mảng cho vay mua ô tô kể từ năm 2017 đến nay. Ngân hàng vẫn tiếp tục kỳ vọng tiềm năng cho vay mua ô tô sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.
Trong ngành ngân hàng, VIB là nhà băng chủ động nhất trong mảng cho vay mua ô tô khi xây dựng mối quan hệ hợp tác với đại lý ô tô từ rất sớm. Đây là yếu tố trọng điểm trong việc giúp ngân hàng thiết lập mạng lưới POS rộng khắp hiện có.
Ngân hàng đã ký kết hợp đồng với hàng trăm đại lý ô tô trên toàn quốc tính sau khi thiết lập mối quan hệ hợp tác với các đại lý bán ô tô lớn của Thaco, Honda, Ford, Hyundai và Mitsubishi. Ngoài ra, các đầu mối liên lạc chính tại trụ sở của VIB cung cấp sự hỗ trợ nhanh chóng cho các đại lý ô tô cùng với đội ngũ bán hàng nhằm hỗ trợ quy trình cho vay.
Nhờ nền tảng chuẩn bị vững chắc, đến năm năm 2020, VIB đã chiếm tới 30% thị phần cho vay mua ô tô toàn thị trường, tăng 4% so với năm 2019. Cho vay mua ô tô hiện cũng chiếm khoảng 30% dư nợ vay của ngân hàng.
Quá trình giải ngân được thực hiện nhanh chóng, cùng với các chương trình ưu đãi, giảm lãi suất và tham gia các buổi giới thiệu xe đã mang lại cho khách hàng các trải nghiệm tốt. Riêng năm 2020, VIB đã cùng hợp tác tổ chức gần 250 sự kiện bán hàng trên toàn quốc. Nhờ đó, dù lượng xe bán ra toàn thị trường sụt giảm do dịch Covid-19, VIB vẫn tiếp tục ghi nhận tăng trưởng dương cho tổng xe vay ra.
Một mũi nhọn khác trong chiến lược của VIB là cho vay mua nhà. Dữ liệu của ngân hàng cho thấy quy mô cho vay mua nhà của VIB đã tăng trưởng gấp 6 lần trong 4 năm qua.
Tuy nhiên, không giống các ngân hàng khác, VIB hạn chế cho vay mua nhà sơ cấp và hướng đến cho vay mua nhà thứ cấp, tập trung các khoản vay mua nhà/căn hộ đã được cấp số đỏ/sổ hồng và theo hình thức thế chấp.
Ngân hàng đánh giá đây cũng là đối tượng khách hàng có mức độ an toàn cao, qua đó, hoạt động cho vay mua nhà của VIB có ít rủi ro tiềm ẩn hơn.
Nhờ đặc thù từ mảng cho vay mua ô tô và mua nhà, VIB không phải trích lập dự phòng nợ xấu nhiều, qua đó thúc đẩy lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết hiện 96% khoản vay tại VIB là có tài sản đảm bảo với tỷ lệ khấu trừ cao theo Thông tư 02, vì vậy không cần phải trích lập dự phòng quá lớn. Tỷ lệ bao phủ nợ tính đến cuối năm 2020 chỉ đạt 58%, so với các ngân hàng khác là trên 100%, đây cũng là một yếu tố giúp thúc đẩy lợi nhuận cho ngân hàng.
Mũi nhọn cuối cùng của VIB nằm ở vị thế chắc chắn để phát triển kênh bảo hiểm (bancassurance). Có thể nói VIB là ngân hàng tiên phong trong việc ký kết thỏa thuận độc quyền với Prudential trong năm 2015. Ngoài việc ghi nhận thu nhập khoảng 700 tỷ đồng tiền hoa hồng trong 2 đợt vào năm 2015 và 2018, VIB còn ghi nhận thu nhập phí mạnh mẽ từ mảng này và đã đóng góp đáng kể cho thu nhập phí của ngân hàng.
Năm 2020, lãi thuần từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% lãi thuần từ hoạt động dịch vụa của ngân hàng. VIB cho biết, ngân hàng tiếp tục dẫn đầu thị trường về doanh số bán mới bảo hiểm nhân thọ và nhiều năm liền đứng vị trí số 1 về năng suất bán hàng tại các chi nhánh.
Dù có quy mô chi nhánh và phòng giao dịch không rộng lớn, hoạt động bancassurance của VIB được đánh giá rất cao về khả năng tạo doanh thu từ mảng này trên mỗi chi nhánh và phòng giao dịch.
Điều này có được nhờ lợi thế các sản phẩm của Prudential rất đa dạng và nhận được sự hài lòng của khách hàng cũng nhưng khả năng tư vấn bán hàng xuất sắc của nhân viên, dựa trên mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Trong năm nay, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 29% lên mức 7.500 tỷ đồng dựa trên khả năng tăng trưởng cho vay và huy động đều đặt 31%. Để thực hiện kế hoạch này, Ban lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng vị thế tài chính mạnh mẽ của VIB sẽ giúp ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hạn mức tín dụng bổ sung cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn hệ thống khoảng 12%.
VIB thay đổi như thế nào sau 10 năm?
Sau chặng đường 10 năm từ năm 2010 - 2020 vốn điều lệ của VIB tăng 131%, tổng tài sản của ngân hàng đã tăng trưởng 97%, cho vay khách hàng tăng lên gấp 3 lần, tiền gửi khách hàng gấp 2,7 lần và lợi nhuận sau thuế tăng hơn 4 lần. Số dư cho vay khách hàng đã vượt qua tổng tiền gửi khách hàng từ năm 2016.
Ngân hàng đã nâng số lượng chi nhánh từ 136 lên 163 và tuyển dụng thêm hơn 3.800 nhân viên trong 10 năm. Thu nhập bình quân của nhân viên cũng tăng trưởng đều đặn qua các năm (trừ thời điểm năm 2015 giảm so với năm trước đó) từ mức 14,35 triệu đồng/tháng (2012) lên 26,21 triệu đồng/tháng (2019), tương đương tăng 83% trong 8 năm.
Cập nhật theo báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2020, thu nhập bình quân hàng tháng ở mức 24,75 triệu đồng, tăng nhẹ so với cùng kì năm trước là 23,55 triệu đồng.
Theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của VIB tăng trưởng mạnh mẽ đạt 245 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.800 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 33% và 42% so với năm 2019.
Dư nợ tăng trưởng tốt, với quy mô tổng dư nợ đạt 171 nghìn tỷ đồng. VIB là một trong những ngân hàng có tỷ lệ dư nợ bán lẻ cao nhất, chiếm 84% tổng dư nợ, với rủi ro tập trung thấp và trên 95% dư nợ bán lẻ đều có tài sản đảm bảo.
Nợ xấu giảm mạnh xuống dưới 1,5% trong bối cảnh không còn dư nợ tại VAMC từ năm 2018.
Trong năm qua, VIB tiếp tục đi tiên phong trong việc triển khai áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế, trong đó có Basel II và thử nghiệm Basel III, song song với việc tuân thủ các chỉ số an toàn của NHNN như: Chỉ số cho vay/huy động (LDR) chỉ ở mức 76,6% so với quy định 85%, hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 34% và hệ số CAR đạt trên 10% so với quy định là trên 8%.