Cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý Uỷ ban Pháp luật Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở. Một trong những điểm đáng chú ý là kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Theo VCCI, Dự thảo Luật Nhà ở, người được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội, chủ yếu là có thu nhập thấp, không có điều kiện mua nhà ở thương mại.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, thực tế nhiều người không thuộc nhóm này, cũng không có khả năng mua nhà. Ví dụ người lao động đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức thấp.
“Thuế thu nhập cá nhân thực tế không phải là thuế đánh vào những người có thu nhập cao. Những người nộp thuế với khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương chưa hẳn là những người có thu nhập cao (lương trên 11 triệu đồng phải chịu thuế). Với mức lương này cùng với các khoản chi tiêu trong cuộc sống, việc người lao động có thể tích góp để mua được nhà ở thương mại là rất khó", VCCI cho biết.
Vì vậy, VCCI đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo hướng, những người thuộc diện phải nộp thuế thu nhập đối với khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định về thuế thu nhập cá nhân (tuy nhiên có giới hạn về mức đóng thuế, có thể là đóng thuế ở mức lũy tiến thứ 2 - tức phần thu nhập tính thuế trên 5 đến 10 triệu đồng một tháng) cũng thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Cũng theo VCCI, Dự thảo quy định “Doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp” thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Việc chỉ giới hạn là doanh nghiệp, hợp tác xã trong “khu công nghiệp” là chưa hợp lý, bởi vì thực tế các doanh nghiệp ở khu chế xuất, khu kinh tế, các doanh nghiệp có quy mô sử dụng lao động lớn cũng có nhu cầu thuê nhà lưu trú cho công nhân. Vì vậy, VCCI đề nghị mở rộng đối tượng mà không chỉ giới hạn trong “khu công nghiệp”.
Ngoài ra, VCCI cũng góp ý quy định về điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai, nhà ở có sẵn trong đó phải đáp ứng điều kiện “Đã có văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán”.
Theo VCCI, việc yêu cầu phải có “văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh” khiến cho quy trình bán nhà ở xã hội trở nên phức tạp và tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho chủ đầu tư, trong khi đó Nhà nước có thể kiểm soát bằng hậu kiểm, nên cần bỏ quy định này.
Trước đó, tại hội thảo "1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp" mới được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng để đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra cần mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách này, bao gồm cả người thu nhập trung bình thấp. Theo các chuyên gia, mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, song đề án vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, như chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu, cách tiếp cận… khiến mỗi địa phương tiến hành một kiểu. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục xây dựng nhà ở xã hội cũng phức tạp hơn nhiều so với dự án nhà ở thương mại. Các chuyên gia cho rằng, cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội dành cho cả nhu cầu mua và nhu cầu thuê; bố trí nhà ở xã hội riêng khu hay đan xen với nhà ở thương mại nên linh hoạt theo từng địa phương. |
Khu vực sạc xe điện cần được bố trí riêng
Bên cạnh về vấn đề mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội, VCCI cũng đã có kiến nghị về chỗ để xe ở chung cư.
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 142 Dự thảo quy định “khu vực sạc điện cho xe phải được xác định rõ trong hồ sơ thiết kế, không được bố trí tại tầng hầm nhà chung cư và phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật”.
Quy định này được hiểu nhằm tránh nguy cơ cháy nổ do sạc xe điện gây ra. Tuy nhiên, quy định không cho phép bố trí khu vực sạc điện cho xe tại tầng hầm cần được xem xét lại.
VCCI cho rằng, quy định này gây khó khăn cho những người ở chung cư sử dụng xe điện. Nhiều chung cư sẽ không có không gian bố trí chỗ sạc điện bên ngoài tầng hầm, điều này sẽ gây bất tiện, khó khăn cho những người sử dụng xe điện.
Trên thực tế, việc phương tiện sử dụng xăng cũng có nhiều nguy cơ cháy nổ, thậm chí còn hơn là xe điện.
“Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội gần đây xuất phát từ do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện bình ắc-quy thuộc phần đầu xe mô-tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga) đặt giáp tường gây cháy. Vì vậy, việc không cho phép khu vực sạc điện cho xe tại tầng hầm, trong khi các phương tiện sử dụng xăng lại không có hạn chế nào là chưa hợp lý”, VCCI nêu quan điểm.
VCCI cho rằng, việc không cho phép khu vực sạc điện cho xe tại tầng hầm, trong khi các phương tiện sử dụng xăng lại không hạn chế chưa hợp lý. Do đó, VCCI đề nghị sửa đổi quy định theo hướng, yêu cầu khu vực sạc điện được bố trí riêng tại tầng hầm, thay vì cấm như quy định tại Dự thảo.