Cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ

Mai Hoàng

14/12/2022 09:45

Đây là một trong những định hướng quan trọng trong năm 2023 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đối với các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) trực thuộc.

Chiều 13/12, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam – VUSTA đã tổ chức “Sự kiện gặp gỡ 2022 vì Hợp tác và Phát Triển”. Hội nghị nhằm đánh giá, chia sẻ về tình hình hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc, ghi nhận, tôn vinh sự đóng góp của các cá nhân, các tổ chức, trong sự phát triển chung của VUSTA năm 2022. Đồng thời định hướng hoạt động, xác định các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các tổ chức KH&CN trực thuộc, tăng cường sự hợp tác với các bên vượt qua những khó khăn trong năm tiếp theo.

a6-1670959605-1670982359.jpg

Sự kiện gặp gỡ 2022 vì Hợp tác và Phát triển là hoạt động thường niên của VUSTA.

Phát biểu khai mạc sự kiện, TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch VUSTA cho biết: Năm 2022 là một năm đầy biến động và khó khăn, đặt ra những thử thách đối với hầu hết mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, với các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức nói chung và các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA nói riêng. Mặc dù vậy, VUSTA vẫn thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, chỉ đạo các công việc của các tổ chức KH&CN trực thuộc cũng như hoàn thành Chương trình công tác năm 2022 theo kế hoạch đã đề ra.

a1-1670959606-1670982360.jpg

TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch VUSTA phát biểu khai mạc sự kiện.

Tại sự kiện, TS. Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký VUSTA đã trình bày Báo cáo Tổng kết hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA năm 2022.  Theo đó, tính đến ngày 10/12/2022, VUSTA có 590 đơn vị tổ chức KH&CN trực thuộc. Trụ sở chính của các đơn vị chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM, ngoài ra có 35 đơn vị ở 21 tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Trong năm 2022, VUSTA cũng đã thành lập mới 25 đơn vị và giải thể 28 đơn vị không còn đủ điều kiện hoạt động. Đồng thời, tiếp tục chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức và tiến hành rà soát các tổ chức hoạt động yếu kém, không hiệu quả, không đúng tôn chỉ mục đích. TS. Lê Công Lương nhấn mạnh các tổ chức KH&CN đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển chung của VUSTA, do đó cơ quan luôn quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ tối đa để các tổ chức có thể phát triển vững mạnh.

a3-1670959605-1670982360.jpg

TS. Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký VUSTA trình bày Báo cáo Tổng kết hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA năm 2022.

Nhờ sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ quản và các tổ chức KH&CN trực thuộc, trong năm vừa qua, VUSTA đã đạt được những con số ấn tượng. Cụ thể, trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, dịch vụ KH&CN có 33 bằng sáng chế độc quyền; 29 bằng giải pháp hữu ích độc quyền; 68 bài báo đã được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế; 802 bài báo đã được đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước; 279 đề tài, dự án, chương trình ký; 469 hợp đồng dịch vụ, dịch vụ KH&CN thực hiện; 457 mô hình đã triển khai. Trong hoạt động bảo vệ môi trường đã thực hiện 566 dự án bảo vệ môi trường; 214 dự án ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai; 07 dự án bảo tồn và khai thác tài nguyên nước, tài nguyên biển.

Trong hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học có tổng số 110 loài động vật được bảo tồn; 59 mô hình bảo tồn đa dạng sinh học được trực tiếp triển khai; 12 chiến dịch truyền thông được tổ chức. Trong hoạt động đào tạo, dạy nghề, chứng nhận chất lượng đã triển khai 1.282 lớp tập huấn các kỹ năng; 1.147 đợt truyền thông nâng cao nhận thức; 25.496 người dân được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực; 181 mô hình các công trình năng lượng được triển khai; 4.729 thanh niên được dạy nghề; 20.347 trẻ em, thanh thiếu niên được đào tạo tiếng Anh, tin học; 14.037 trẻ em, thanh thiếu niên được tham gia học các kỹ năng mềm; 56 chứng nhận chất lượng đã được cấp. Trong hoạt động chăm sóc sức khỏe đã thực hiện 114.907 lượt thăm/khám và tư vấn chữa bệnh; 154.864 bệnh nhân được can thiệp/hỗ trợ dịch vụ/thuốc.

Tổng huy động kinh phí đạt được trong năm 2022 là 681.389 triệu đồng, nguồn viện trợ nhận được là 9,5 triệu USD, VUSTA đã nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước số tiền 46.298 triệu đồng.

a4-1670959606-1670982360.jpg

Sự kiện có sự tham gia của đông đảo đại biểu, đại diện các đơn vị trực thuộc VUSTA.

Dù có những thuận lợi trong hoạt động như: hành lang pháp lý tương đối thông thoáng; đội ngũ cán bộ của các tổ chức là các nhà khoa học có trình độ chuyên môn, ngày càng đc trẻ hoá; mô hình tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt… thì nhìn chung, các tổ chức KH&CN vẫn có những tồn tại, hạn chế, khó khăn nhất định trong quá trình phát triển. Có thể kể đến như: một số tổ chức còn chưa nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật, các quy định của cơ quan chủ quản; tiềm lực của tổ chức, nhất là tiềm lực KH&CN còn khá mỏng; nhân sự của các tổ chức có sự biến động mạnh, thiếu sự ổn định dẫn đến triển khai công việc còn khó khăn; chưa có nhiều tổ chức được Bộ, ngành giao chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lớn, nhất là các nhiệm vụ về khoa học kỹ thuật; các quy định hiện tại chưa thực sự tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm.

Từ những hạn chế, khó khăn đã nêu, VUSTA đề ra một số phương hướng hoạt động và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. Trong đó, VUSTA sẽ tăng cường công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KH&CN hoạt động và phát triển. Song song với đó, các tổ chức cần đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, ý thức chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước, quy định của cơ quan chủ quản; tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội hóa giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững… để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện được những định hướng đã đề ra, VUSTA đề nghị các tổ chức KH&CN tập trung thực hiện các nội dung sau trong năm 2023: Tập trung định hướng lại mục tiêu, tầm nhìn của tổ chức, xây dựng chiến lược phát triển, mô hình tổ chức, kế hoạch nguồn lực nhân sự, nguồn lực tài chính, truyền thông và quảng bá hình ảnh của tổ chức,... Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thích ứng trong bối cảnh mới, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đối chiếu, rà soát với các quy định hiện hành để chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật và quy định của VUSTA, Điều lệ của tổ chức. Duy trì và tiếp tục mở rộng mối hệ hợp tác với các đối tác quốc tế, nhất là các tổ chức quốc tế có uy tín để triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, huy động thêm các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chú trọng hợp tác với các doanh nghiệp để mở rộng phạm vi hoạt động và tăng nguồn lực hoạt động. Tăng cường mở rộng quan hệ và phối hợp hoạt động với các tổ chức trong hệ thống VUSTA, đặc biệt với cơ quan chủ quản. Báo cáo đầy đủ, kịp thời hoạt động của đơn vị mình cho VUSTA và các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

a7-1670959605-1670982359.jpg

GS.TSKH Đặng Vũ Minh – Nguyên Chủ tịch VUSTA cùng TSKH Phan Xuân Dũng tặng bằng khen cho các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc năm 2021 - 2022.

Cùng trong khuôn khổ sự kiện, đại diện của một số tổ chức KH&CN tham gia trình bày cụ thể Báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và phương hướng công tác năm 2023 của tổ chức. Thông qua chương trình, VUSTA đã công bố quyết định khen thưởng và trao tặng bằng khen cho 06 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2021 – 2022.

Mai Hoàng