Các nhà quản lý mất bao lâu để tìm được việc làm mới?

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Chuyên gia tái cấu trúc Doanh nghiệp

29/04/2024 14:13

Một câu hỏi mà chắc hẳn ai đã từng là nhà quản lý cũng đắn đo khi trả lời. Thực vậy, hoàn toàn không phụ thuộc vào năng lực chuyên môn, đôi khi phụ thuộc vào các mối quan hệ đan xen để rút ngắn thời gian tìm đúng công việc phù hợp, tìm đúng người chủ “đắc nhân tâm”.

Trong thời buổi suy thoái kinh tế như hiện nay, không ít những nhà quản lý có kinh nghiệm thực tiễn lão luyện và năng lực chuyên môn “thượng thừa” phải… lao đao, tìm việc. Hầu hết, phải mất ít nhất từ 06 tháng đến hơn một năm ròng rã, họ mới tìm được công việc mới phù hợp…

Đã quá tuổi đời để nghỉ đến… “nhảy việc”

Để được đạt đến trình độ là nhà quản lý hay trưởng bộ phận chuyên môn tại doanh nghiệp. Hầu như, những nhà quản lý này đều có tuổi đời không còn trẻ nữa, hầu hết đã ngoài ba mươi (30) tuổi đời. Đây là lứa tuổi “chín muồi” của độ chín chắn, trưởng thành và sắc sảo trong tư duy quản lý. Họ đều có năng lực chuyên môn nhất định và đã được chứng minh trong suốt quá trình làm việc trước đây. Với cá nhân tôi, không có còn người nào “dở tệ” hay “vô dụng” họa chăng, là trách ở chúng ta khi chưa đặt họ ngồi đúng vị trí, chưa cho họ động lực và không gian làm việc để họ sáng tạo và cống hiến…

Thực tế đã chứng minh, không người lao động nào muốn hay thích “nhảy việc” khi đang làm việc trong môi trường hạnh phúc, công bằng và bác ái. Tư duy người lao động luôn luôn mong muốn một sự ổn định lâu dài, gắn bó và môi trường làm việc có tính cam kết cao. Dẫu là, nhà quản lý chuyên nghiệp thì cũng là người làm thuê và họ cũng không nằm ngoài nguyên tắc bất biến đó. Không ai mong muốn công việc của mình bấp bênh và đầy biến động…

Các nhà quản lý hầu hết đã lập gia đình ở lứa tuổi “tóc nhuốm màu mây”. Gánh nặng mưu sinh của họ vốn dĩ nặng nề hơn các bạn trẻ. Áp lực tài chính luôn canh cánh trong tâm trí họ, ngay cả trong giấc ngủ. Nhưng, làm việc vì tiền và mãi mê chạy theo đồng tiền… bất chấp pháp lý và đạo lý thì không nhà quản lý nào chấp nhận đánh đổi. Đơn giản, họ không còn trẻ để đánh đổi và còn cả một gia đình để chăm lo, vun đắp.

tuyen-dung-quan-ly-toa-nha-anh5-1714374620.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Tựu trung, các nhà quản lý không thích nhảy việc. Họ mong muốn tìm sự ổn định, lâu dài và một môi trường làm việc có tính cam kết cao. Trên thị trường hiện nay, rất nhiều doanh chủ có tư duy “ăn sỏi, ở thì”, phong cách quản trị “cổ hủ, cố chấp” bên cạnh năng lực văn hóa yếu kém… Đặc biệt, doanh chủ trong ngành kinh doanh địa ốc. Đó là lý do, những nhà quản lý chuyên nghiệp và các vị doanh chủ không có được tiếng nói chung…

Tìm ông chủ tốt – không hẳn tìm tập đoàn lớn

Dạo một vòng trên các trang tìm việc trực tuyến, không hiếm để nhìn thấy những Tập đoàn/doanh nghiệp lớn với quy mô hàng nghìn tỷ đồng tuyển dụng nhân sự quản lý. Điều kỳ lạ ở chỗ, cứ mỗi tháng họ đăng tuyển vị trí đó một lần và cũng có những vị trí mà họ tìm nhân sự ròng rã hàng năm trời vẫn chưa tìm được. Nguyên nhân vì sao? Phần lớn, những nhân sự trong ngành khi nghe đến cái tên của Tập đoàn/doanh nghiệp ấy đã phải “lắc đầu, ngao ngán” mà phải thốt lên một cụm từ rất dân dã… “cối xay thịt nhân tài”!

Với các nhà quản lý chuyên nghiệp, mức lương cao hay thấp hoặc cống hiến cho doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều không quá quan trọng. Quan trọng là nơi ấy có một ông chủ “đắc nhân tâm” và có năng lực văn hóa thực sự tốt. Năng lực văn hóa là “tinh túy” đặc biệt quý giá và rất khác biệt đối với các doanh chủ. Không phải bất kỳ chủ doanh nghiệp nào cũng có loại năng lực đặc biệt này, nó phải được trui rèn và gọt giũa theo thời gian cùng với trải nghiệm sâu sắc bên cạnh bề dày kiến thức quản trị uyên thâm.

tuyen-quan-ly-1714374620.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Ở giai đoạn “tranh tối-tranh sáng” khi mà Việt Nam chính thức mở cửa giao thương quốc tế từ những năm nữa cuối thập niên 1980, thế kỷ trước. Doanh nghiệp tư nhân được phép thành lập và phát triển mạnh số lượng, tuy nhiên “chất lượng quản trị” vẫn chưa xứng tầm khu vực. Thời điểm đó, thị trường kinh doanh ở nước ta vẫn chưa kịp “Luật hóa” hoàn chỉnh nên cách làm của các doanh chủ đôi khi chưa gọi là hoàn toàn phù hợp…

Thực vậy, các doanh chủ hầu như không có chuyên môn về nghệ thuật quản trị cùng với tư duy “cố chấp – chuyên quyền” mãi về sau đã ăn sâu vào huyết quản của họ. Không dễ gì thay đổi, trừ khi họ đã ngã thật đau, trả giá thật đắt và mong muốn phải thay đổi. Mỗi thời khắc, cách làm khác nhau. Tư duy quản trị của doanh chủ quá “cố chấp, chuyên quyền”, chiến lược phát triển doanh nghiệp không đổi mới, đội ngũ “nhân sự công thần” với năng lực yếu kém và cách làm cũ kỹ - đó là bài toán rất đau đầu và là nỗi niềm trăn trở đối với các nhà quản lý chuyên nghiệp khi phải đầu quân vào một doanh nghiệp như thế.

Thôi thì, lựa chọn những doanh nghiệp nhỏ nhưng hoài bão chủ doanh nghiệp to và cũng là một minh quân, ưa thích sự cầu thị vẫn hơn làm việc với ông chủ lớn với tư duy quản trị “ông chủ là trung tâm vũ trụ” vốn dĩ đã lỗi thời từ lâu…

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Chuyên gia tái cấu trúc Doanh nghiệp