Bộ Tài chính bổ sung thêm phương pháp xác định giá khi thoái vốn nhà nước

thunguyen

30/04/2019 21:54

Từ 3.6.2019, Bộ Tài chính bổ sung phương pháp dựng sổ nhằm xác định mức giá chào bán cổ phần trong cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phiên đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của một doanh nghiệp nhà nước PV Power (Ảnh: MT)
Phiên đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của doanh nghiệp nhà nước PV Power tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (Ảnh: MT)

Phương pháp dựng số (book building) sẽ đưa cổ phần ra chào bán tại mức giá chào bán “hợp lý” đã được xác định trước, bằng cách yêu cầu một nhóm các nhà đầu tư (tối thiểu 30 nhà đầu tư theo quy định) đưa ra yêu cầu về mức giá và số lượng cổ phần họ sẽ muốn mua. Từ đó, đại lý dựng sổ thay mặt doanh nghiệp sẽ đưa ra mức giá chào bán được cho là hợp lý nhất để tối đa hoá lượng cổ phiếu được chào bán với mức giá tốt nhất.

Từ trước tới nay, nếu doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc bán vốn nhà nước không tìm được một bên bảo lãnh phát hành hoặc có các đối tác chiến lược để thỏa thuận riêng, thì việc chào bán sẽ bằng hình thức đấu giá công khai, là hình thức thông dụng và tự nhiên.

Tuy nhiên thực tế là khi đấu giá, nhiều nhà đầu tư vì muốn mua được cổ phần nên đã đẩy giá lên cao, nhưng sau đó bỏ không mua khi nhận ra mức giá của mình đưa ra quá cao so với các nhà đầu tư khác.

Việc xác định mức giá (price discovery) để tiến hành mua luôn là một thách thức đối với các nhà đầu tư – và phương pháp dựng sổ tập trung giải quyết bài toán này.

Phương pháp dựng sổ được một nhóm các chuyên gia giới thiệu lần đầu tiên tại Sở giao dịch chứng khoán Ấn Độ (SEBI) vào năm 1995. Đầu năm 2000, SEBI bắt đầu đưa ra các hướng dẫn thủ tục cho phương pháp chào bán này. Đến nay, dựng sổ là hình thức phổ biến trong các phiên chào bán cổ phần tại các thị trường chứng khoán phát triển.

Tại Việt Nam, hình thức này được Bộ Tài chính lần đầu tiên quy định cho các trường hợp bán vốn nhà nước, do yêu cầu mà nhà nước đặt ra trong các thương vụ này, đảm bảo thúc đẩy quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân đương nhiên có thể tự do sử dụng bất kỳ phương pháp chào bán cổ phần nào phù hợp mà không phải chịu các ràng buộc nói chung.

Về mặt lý thuyết, phương pháp dựng sổ có vẻ trao quyền tuyệt đối cho đại lý dựng sổ, khi họ có toàn bộ thông tin về doanh nghiệp lẫn nhu cầu của từng nhà đầu tư, và quyết định mức giá cuối cùng. Tuy nhiên, họ phải chịu sức ép từ phía người bán (nhà nước) và người mua (nhà đầu tư) nên buộc phải đưa ra mức giá phù hợp nhất, công khai cho tất cả các nhà đầu tư mà khó có thể lợi dụng để phân phối cổ phần cho “người quen” hay khách hàng thân thiết… Mặt khác, các công ty chứng khoán vẫn cạnh tranh nhau trong việc trở thành đại lý dựng sổ cho các thương vụ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước do vậy buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ của mình.

Về mặt kỹ thuật, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết đã chuẩn bị hệ thống dựng sổ (theo dõi nhu cầu các nhà đầu tư để đưa ra mức giá tối ưu) để phục vụ các phiên chào bán cổ phần nhà nước trong thời gian sắp tới. Hệ thống cho phép cập nhật liên tục biểu đồ thống kê số lượng cổ phần đặt mua tại mỗi mức giá trong khoảng giá khảo sát, nhờ đó nhà đầu tư có thể tham khảo thống kê này trước khi đặt lệnh tại công ty chứng khoán. Đối với dữ liệu sổ lệnh, hệ thống có thể kết xuất các báo cáo thống kê số liệu theo một số tiêu chí mà bên bán quan tâm, hỗ trợ việc xác định giá phân phối. Hệ thống cũng cho phép xác định kết quả phân phối cho từng nhà đầu tư dựa trên các tiêu chí đã được quy định tại Thông tư 21, ưu tiên lần lượt về giá, thời gian đặt lệnh và khối lượng đặt mua, đồng thời kết xuất ra các báo cáo liên quan.

Minh Thư

thunguyen