Báo Nga: Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua Singapore

T.H

04/07/2021 16:46

Không cần đến 10 năm như dự báo của DBS Bank, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng đuổi kịp và vượt Singapore, lọt top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN. Về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021, có nhiều chỉ dấu cho thấy GDP nền kinh tế có thể cán mốc 500 tỷ USD vào cuối năm 2021.

Việt Nam không cần đến 10 năm để vượt qua Singapore

Nhóm chuyên gia của DBS Bank từng nhận định, kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng khoảng từ 6 – 6,5% trong thập kỷ tới, nhờ sức hút mạnh mẽ FDI và tăng trưởng năng suất.

Theo DBS Bank, nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ 6-6,5%, nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô nền kinh tế Singapore sau 10 năm nữa. DBS đưa ra mốc cho rằng Việt Nam ‘đuổi kịp và vượt Singapore” (tính đến 2029- 2030), dựa trên một số cơ sở nhất định. Đặt giả thiết, Việt Nam có thể tăng trưởng bình quân 5,5% trong những năm tới và trung bình khoảng 6-6,5% trong trung hạn khoảng 10 năm. Tỷ lệ tăng trưởng dân số ngắn hạn trong độ tuổi lao động của Việt Nam là 1% rồi giảm dần xuống 0,5%. Các nền kinh tế khu vực cũng giữ mức tăng trưởng bình quân vốn có, với Singapore là 2,5%

vietnam-singapore-1625391675.jpeg
Điều đáng chú ý là, không cần đợi đến 10 năm, thực tế, Việt Nam đã vượt qua Singapore về mặt quy mô kinh tế chỉ một năm ngay sau đó.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 31/12/2020, năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN, GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD đứng thứ 6 ASEAN. Bất chấp đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng đầy bản lĩnh.

Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dẫn đầu ASEAN

Là một đất nước có nền kinh tế với độ mở cao, tăng trưởng của Việt Nam sẽ nhận được hỗ trợ rất lớn khi nền kinh tế thế giới phục hồi. Trong năm 2021, việc nhiều nước đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 và mở cửa trở lại đã giúp vực dậy nền kinh tế. Theo dự báo, sau một năm 2020 tăng trưởng âm 3,5%, thì năm nay kinh tế thế giới có thể trở lại với mức tăng trưởng 6% (theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế phát hành tháng 4/2021).

Thậm chí, trong báo cáo tháng 5/2021, Fitch Ratings còn cho rằng GDP toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 6,3%, cao hơn mức 6,1% như báo cáo tháng 3/2021. Còn theo WTO, thương mại toàn cầu sẽ tăng 8,3% trong năm nay và 6,3% năm 2022.

Ngoài những ảnh hưởng từ việc nền kinh tế thế giới khởi sắc trở lại, thì việc các nước tham gia FTA thế hệ mới cùng với Việt Nam (như CPTPP, EVFTA, RCEP…) cũng được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư, cơ hội mở rộng thị trường và giá cả để kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và trưởng trong thời gian tới.

Nửa đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2%. Xuất khẩu 5 tháng đầu năm sang Hoa Kỳ tăng 49,8%, sang Trung Quốc tăng 26%, sang ASEAN tăng 23,7%, sang EU tăng 20,8%, sang Hàn Quốc tăng 17,1% và sang Nhật Bản tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam dự kiến tăng trưởng GDP vào khoảng 6,6% trong năm 2021. Đây cũng là mức tăng trưởng dự báo cao nhất trong khu vực ASEAN.

GDP Việt Nam năm 2021: Kỳ vọng vượt 500 tỷ USD

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6% GDP cả năm 2021 theo kế hoạch, tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm 2021 phải đạt trên 7% GDP là thách thức không nhỏ. Sẽ là thách thức không nhỏ cho Việt Nam để hướng tới việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6%GDP cả năm 2021.

Tuy nhiên, với những điều kiện, giải pháp và nỗ lực từ mọi tầng lớp nhân dân và các cấp chính quyền, cũng như sự năng động và khả năng thích ứng tốt của giới doanh nghiệp, Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thể đạt mốc GDP 500 tỷ USD theo cách tính mới của Tổng Cục Thống kê.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD. GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Trong khi đó, theo đánh giá của IMF, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2020 tính theo sức mua tương đương đạt 1,05 nghìn tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10 nghìn USD.

Các chuyên gia từ Đại học Fulbright nhận định, sau khi được tính lại, GDP Việt Nam có thể cao hơn so với hiện tại trong khoảng 25 - 30%. Như vậy, GDP Việt Nam năm 2020 là 340 tỷ USD x 1,25 = 425 tỷ USD, hoặc là 340 tỷ USD x 1,30 = 442 tỷ USD, với mức trung bình là 433 tỷ USD.

Theo Sputniknews

 

T.H