Thị trường bán lẻ Việt Nam trong thập kỷ gần đây vốn là một trong những nơi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, Việt Nam cũng đồng thời trở thành thị trường có giá bất động sản cao nhất khu vực châu Á
Dịch COVID-19 kéo tới khiến hoạt động của ngành bán lẻ gần như đóng băng trong hai tháng tuy nhiên các nhà bán lẻ vẫn phải trả tiền cho thuê mặt bằng. Đây là một tác động lớn với những ngành dựa vào lưu lượng khách hàng. Tiền thuê hàng tháng gần như là khoản chi lớn nhất của các nhà bán lẻ hiện tại. Chủ một chuỗi cửa hàng thời trang cho biết, chi phí thuê mặt bằng chiếm khoảng 20% doanh thu. Trong đó, các địa điểm tại trung tâm thương mại thường có giá thuê cao hơn so với mặt bằng mặt phố. Đổi lại, các trung tâm thương mại làm việc chặt chẽ hơn với nhà bán lẻ trong việc chia sẻ tiền thuê trên doanh thu, thực hiện các chương trình nhằm đảm bảo lưu lượng khách đến trung tâm.
Với những mặt bằng mặt phố, đa phần các nhà bán lẻ đều cho biết, trong việc đối thoại với chủ nhà cũng khó khăn do mặt bằng bán lẻ của hầu hết các chuỗi cửa hàng nhỏ đều thuê của tư nhân. Nhà bán lẻ chỉ có thể thương lượng với chủ nhà với mức giảm giá thuê vào khoảng 10%. Trong khi đó, các mặt bằng bán lẻ, các cửa hàng phố vẫn chiếm phần lớn diện tích bất động sản bán lẻ của Việt Nam.
Đứng trước khó khăn, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng kêu gọi hỗ trợ. Thông qua hai lần giảm lãi suất, Chính phủ Việt Nam cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Tính tới đầu tháng 5.2020, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho 215 nghìn khách hàng với tổng dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng.
Thực tế từ trước COVID-19 xảy ra, mặc dù ngành bán lẻ tăng trưởng cao và đều đặn 10% mỗi năm nhưng rất nhiều nhà bán lẻ cũng rút khỏi thị trường từ thương mại điện tử cho đến bán lẻ ví dụ nhà đầu tư nước ngoài Parkson. Năm 2019, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến nhiều diễn biến lớn như thương vụ Masan mua lại hơn 1.000 cửa hàng Vinmart+. Hồi đầu tháng Năm vừa qua, báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2020 của Masan cho thấy, riêng hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ có khoản lỗ gần 900 tỉ đồng.
Một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất của bán lẻ, thời trang chứng kiến sự đóng cửa hàng loạt cửa hàng trong các chuỗi như Hoàng Phúc, Canifa bên cạnh sự tiến vào của các thương hiệu nước ngoài. Uniqlo, một trong những hãng bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới, mới vào Việt Nam từ hồi tháng 10.2019 nhưng đã góp phần làm cho bức tranh ngành trở nên sôi động. Chưa đầy sáu tháng vào thị trường, thương hiệu này đã mở rộng cửa hàng liên tiếp lên bốn cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn tại TP.HCM và Hà Nội với diện tích trung bình lên tới hơn 2.000 mét vuông/cửa hàng.
Không chỉ các nhà bán lẻ truyền thống gặp khó, các sàn thương mại điện tử cũng ngày càng co hẹp lại với những cái tên tốp đầu như Shopee, Tiki, Lazada. Năm 2019 nhiều sàn thương mại điện tử đã phải đóng cửa như Adayroi của Vingroup, Robins của tập đoàn Thái Lan Central Group hay sàn Lotte.vn. Sau gần hai năm ra mắt, Sendo của tập đoàn FPT cũng có thể sẽ về với Tiki.
Dịch bệnh COVID-19 diễn ra khiến khách hàng chuyển đổi hành vi mua sắm lên nền tảng online nhưng chỉ trong một thời điểm nhất định khi dịch bùng phát mạnh. Sau giai đoạn đó, sức mua lại có xu hướng giảm sút, theo chia sẻ của một đại diện sàn thương mại điện tử. Nguyên nhân do người dùng phải cân đối chi tiêu và tập trung nhiều hơn vào những mặt hàng thiết yếu.
Tăng trưởng kinh tế và những hoạt động đầu tư vốn được xem như một sự hứa hẹn. Tuy nhiên, bên cạnh những nhà bán lẻ vẫn đang sống tốt, một loạt các nhà bán lẻ cũng gặp khó khi giá cho thuê ở mức cao. Cùng với Trung Quốc, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được thế giới ghi nhận tốt về việc khống chế bệnh dịch. Do đó ngành bán lẻ, tiêu dùng cũng có không gian phục hồi sớm. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới sẽ cực kỳ khó khăn cho bán lẻ kể cả những nhà bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động.
Dâng Phạm