Bài toán cho điện gió

thunguyen

13/06/2019 18:32

Năng lượng điện gió vẫn gặp nhiều lực cản trong quá trình hoà lưới điện quốc gia.

Cánh đồng điện gió Phú Lạc - tỉnh Bình Thuận, thuộc công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình là một trong những điển hình thành công của mô hình năng lượng điện gió, bắt đầu có lãi từ năm 2018 sau hai năm đấu vào lưới điện. Ông Bùi Văn Thịnh, giám đốc điều hành Thuận Bình cho biết ông hài lòng với kết quả vận hành của công ty. Sau gần ba năm hoà lưới điện quốc gia, hệ thống điện gió của Phú Lạc chỉ bị trục trặc hai lần, mỗi lần nửa tiếng.

Vốn đầu tư của dự án gần 1.100 tỉ đồng, theo ông Thịnh, phải vay ngân hàng với lộ trình trả nợ rõ ràng trong nhiều năm. Tuy nhiên, sau gần ba năm vận hành, ông Bình đang lo lắng việc quá tải lưới điện, khiến dự án Phú Lạc buộc phải cắt giảm công suất, có khi đến 40 - 50%.

Việc quá tải lưới điện giống như các phương tiện giao thông đi trên một con đường chật chội. Các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, do không chủ động được thời gian và cường độ phát điện, nên buộc phải hoà lưới điện quốc gia ngay sau khi điện được sản xuất nhờ năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Hệ thống truyền tải điện này, đến nay vẫn được Tập đoàn điện lực Việt Nam độc quyền sở hữu và vận hành. Chính phủ có quy định về mức giá mua vào cho các nguồn điện này.

Một dự án điện gió tại Philippines (Ảnh: GWEC)
Một dự án điện gió tại Philippines (Ảnh: GWEC)

Khi hệ thống quá tải, các nhà máy điện gió buộc phải giảm công suất phát điện. Việc này không nằm trong kế hoạch vận hành, khi dự án được lập ra để xin tài trợ vốn từ nước ngoài. Đó là một rủi ro không lường trước trong hoạt động kinh doanh điện gió. Nếu không chủ động việc phát điện và kinh doanh, công ty có thể thua lỗ hoặc không đủ dòng tiền trả các khoản nợ vay ngân hàng.

“Hiện nay điện gió chúng tôi và điện mặt trời có tỷ lệ cắt giảm như nhau trong khi chúng tôi vào trước” - ông Thịnh giải thích về những quy định mà ông cho là không công bằng với các doanh nghiệp đi đầu như Thuận Bình.

Điện gió Việt Nam đang được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển bằng nhiều chính sách, nổi bật nhất là PPA (hợp đồng mua bán điện) với EVN.

Tuy nhiên, như một tuyến đường chật chội, việc tổ chức các luồng xe tối ưu đến đâu, thì cũng khó tránh việc kẹt xe, tắc đường.

Truyền tải điện hiện vẫn đang là chức năng độc quyền của EVN, thông qua Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT). Mặc dù được Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm BB với viễn cảnh triển vọng ổn định, EVN NPT vẫn là một trong những doanh nghiệp nhà nước vay mượn nhiều nhất hiện nay. Nợ phải trả (trong đó phần lớn là nợ vay các tổ chức tài chính trong và ngoài nước) của EVN NPT tính đến cuối năm 2017 đạt trên 2 tỉ USD. Từ năm 2018, Chính phủ hạn chế bảo lãnh cho các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước, EVN NPT do vậy muốn vay phải tự mình thuyết phục các tổ chức tài chính.

Điện gió là nguồn năng lượng nằm trong quy hoạch điện 8, được ban hành năm 2016 của Chính phủ. Mục tiêu của quy hoạch là đưa công suất điện gió Việt Nam lên mức 800MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và tăng lên gấp ba, đạt 6.000 MW vào năm 2030. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, tỷ lệ điện gió trên tổng công suất phát điện cũng chỉ ở mức 2,1% vào năm 2030. Điện gió vẫn là nguồn điện thiểu số. Điện gió đóng góp vào bản quy hoạch với vai trò đa dạng hoá nguồn năng lượng điện hơn là góp phần giải quyết nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội.

Ông Ben Backwell - Giám đốc Hiệp hội điện gió toàn cầu - GWEC (Ảnh: GWEC)
Ông Ben Backwell - Giám đốc Hiệp hội điện gió toàn cầu - GWEC (Ảnh: GWEC)

Báo cáo mới đây của Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) cho biết Việt Nam có thể trở thành người dẫn đầu trong ngành năng lượng gió của khu vực với hơn 327 MW công suất gió trên bờ và trên biển được lắp đặt. Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá cao về tiềm năng khai thác điện gió do đường bờ biển kéo dài hơn 3.000 km.

Xu hướng sử dụng năng lượng sạch không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững mà còn giúp các quốc gia thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn coi trọng các tiêu chuẩn về môi trường, ông Ben Backwell - giám đốc điều hành GWEC nhận định.

Về giá thành điện gió nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung, ông Backwell cho rằng cần phải có quy mô đủ lớn để có thể giảm giá thành. Muốn vậy, Việt Nam phải thúc đẩy điện gió hơn nữa. "Ở Mexico, giá thành sản xuất điện gió chỉ ở vào khoảng 1,7 cents/kWh" - ông Backwell dẫn chứng.

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Bài toán cho điện gió" tại chuyên mục Khoa học quản lý.