6 hoạt động nổi bật của World Bank Việt Nam
11/01/2019 17:21
Năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam đã diễn ra với nhiều hoạt động đa dạng từ tài chính, thương mại, cho đến môi trường, giáo dục, bình đẳng giới.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ousmane Dione và Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Craig Chittick, trình “Khung chính sách kinh tế Việt Nam” lên Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc, và Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng, tại Diễn đàn Phát triển và Cải cách Việt Nam năm 2018 (Ảnh: MPI)
Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione cho biết, trong năm 2018, định chế tài chính này đã chứng kiến nhiều thành quả từ những nỗ lực tại Việt Nam. Từ tư vấn chính sách quan trọng để phát triển thị trường trái phiếu trong nước, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cho đến việc giúp Tập đoàn Điện lực (EVN) được quốc tế ghi nhận vì những thành tựu tài chính và xã hội.
Dưới đây là tổng hợp 6 hoạt động nổi bật của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam năm 2018, theo ấn phẩm đặc biệt "Âm vang Việt Nam" (Echoes from Vietnam) do Ngân hàng Thế giới phát hành đầu tháng 1.2019.
Nguồn vốn mới
Năm 2018, Ban Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản vay 80 triệu USD cho Việt Nam để cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng đô thị trọng điểm, bao gồm kết nối giao thông, thoát nước và xử lý nước thoải, không gian công cộng và trường mẫu giáo tại thành phố Thái Nguyên.
Trong năm, Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) cũng thông qua khoản vay bổ sung 6,1 triệu USD cho dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Delta Integrated Climate Resilient and Sustainable Livelihoods) nhằm phát triển các công cụ hoạch định ứng phó với biến đổi khí hậu một cách thông minh và cải thiện khả năng chống chịu với sự biến đổi của khí hậu. Quỹ GEF cũng đồng thời phê duyệt thêm khoản hỗ trợ 3 triệu USD để bảo vệ động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam.
Quỹ hợp tác Toàn cầu về chương trình hỗ trợ dựa trên kết quả (Global Partnership on Output-Based Aid) duyệt cấp khoản vay 3 triệu USD hỗ trợ Chương trình cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học cho trẻ em khiếm thính. Do nhắm đến đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất về giáo dục, chương trình này được coi là cơ hội tốt cho Việt Nam thúc đẩy các vấn đề bình đẳng, tăng tỷ lệ đến trường và đảm bảo chất lượng giáo dục cho mọi trẻ em.
Từ tư vấn đến tác động: Hỗ trợ một EVN ổn định về tài chính và quan tâm tới bình đẳng giới
Những hỗ trợ cả về tài chính và tư vấn lâu dài của Ngân hàng Thế giới với EVN đã đem lại những kết quả đáng kể trong năm 2018. Tháng 6.2018, EVN nhận được xếp hạng tín dụng lần đầu tiên từ cơ quan xếp hạng tín dụng uy tín Fitch Ratings, với kết quả tích cực.
Theo đó, EVN nhận xếp hạng Nhà phát hành tín dụng dài hạn (IDR) ở mức BB với “triển vọng ổn định”. Chỉ riêng xếp hạng tích cực góp phần gửi đi tín hiệu tích cực về năng lực kỹ thuật và tài chính của EVN tới các nhà đầu tư khu vực tư nhân và các ngân hàng, thay đổi cách tiếp cận về rủi ro khi hợp tác với EVN. Xếp hạng mới này cũng là yếu tố quan trọng giúp EVN phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế trong tương lai.
Tháng 11.2018, EVN trở thành doanh nghiệp nhà nước Việt Nam đầu tiên có công ty thành viên (Tổng công ty điện lực TP.HCM) được cấp chứng nhận EDGE vì những hoạt động liên quan tới bình đẳng giới. EDGE (Economic Dividends for Gender Equality) là tiêu chuẩn toàn cầu dùng để đánh giá cam kết của doanh nghiệp trong việc tạo ra một môi trường làm việc bình đẳng giới.
Tham gia đóng góp ý kiến giúp Việt Nam phê chuẩn tham gia CPTPP
Ngày 12.11.2018, Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với tư cách là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất cho đến nay, CPTPP được kỳ vọng sẽ thúc đảy thương mại và đầu tư giữa các nước tham gia. Trong đó Việt Nam có thể là một trong những bên thu lợi lớn nhất. Được coi là Hiệp định thương mại của thế kỷ 21, CPTPP đôi khi vượt ra ngoài khuôn khổ giảm thuế quan và tăng cơ hội tiếp cận thị trường với quy mô mở rộng sang cả đầu tư, cạnh tranh, thương mại điện tử, kết hợp chính sách, lao động, môi trường và giải quyết tranh chấp đầu tư giữa các quốc gia.
Ngân hàng Thế giới cùng với Chính phủ Australia đã hỗ trợ Việt Nam trong việc đánh giá tác động và tư vấn chính sách giúp các nhà hoạch định hiểu được các lợi ích tiềm năng từ việc tham gia CPTPP. Hồi tháng 3.2018, Ngân hàng Thế giới thực hiện báo cáo chuyên sâu cho thấy, Việt Nam sẽ thu được những lợi ích kinh tế lớn khi tham gia CPTPP. Từ tháng 1.2019, khi CPTPP bắt đầu có hiệu lực, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hợp tác giúp Việt Nam thực hiện các cam kết trong khuôn khổ CPTPP để tận dụng tối đa những cơ hội mà hiệp định này mang lại cho Việt Nam.
Tư vấn sửa đổi Luật giáo dục đại học cụ thể hơn
Luật giáo dục đại học sửa đổi được thông qua tháng 11.2018 cho thấy những thay đổi lớn nhằm tăng cường công tác quản trị hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, hướng tới mô hình hoạt động có trách nhiệm giải trình và tính tự chủ cao hơn cho các trường đại học. Những khuyến nghị chính sách của Ngân hàng Thế giới được thể trong nhiều điều khoản mới. Điển hình là những đóng góp làm rõ ý nghĩa và định nghĩa của trách nhiệm giải trình và tính tự chủ trong các trường đại học.
Ngân hàng Thế giới cũng kết hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Quốc hội thông qua các dịch vụ tư vấn phân tích và kết nối với các chuyên gia nước ngoài. Đây là một phần trong chương trình lớn hơn của Ngân hàng Thế giới, nhằm hỗ trợ Chính phủ xác định những ưu tiên cải cách chiến lược để cải thiện chất lượng giáo dục bậc cao và thị trường lao động.
Nghị định mới thúc đẩy thị trường trái phiếu trong nước
Trong cả năm 2018, Ngân hàng Thế giới hỗ trợ kỹ thuật giúp Bộ Tài chính chuẩn bị khung pháp lý vững vàng để phát triển một thị trường trái phiếu sâu rộng và có tính thanh khoản hơn. Một phần quan trọng của chính sách là Nghị định số 95/2018 của Chính phủ về phát hành, đăng ký, ký quỹ, niêm yết và giao dịch các công cụ nợ của Chính phủ. Nghị định này mở rộng phạm vi điều chỉnh cho thị trường trái phiếu Chính phủ, đồng thời đưa ra hệ thống giao dịch sơ cấp chặt chẽ hơn cùng các điều khoản về thanh khoản để hỗ trợ thị trường hoạt động và xây dựng lãi suất tham chiếu.
Một cải cách quan trọng nữa là Nghị định số 163/2018 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã tăng gấp 3-4 lần trong vòng 5 năm qua nhưng vẫn bị quá tải do những sắp xếp thiếu minh bạch, phần nào phản ánh lỗ hổng về quản lý. Do đó, nghị định trên ra đời giúp giải quyết vấn đề này, củng cố niềm tin thị trường và giúp điều tiết quy trình phát hành trái phiếu thuận lợi hơn, công bằng và minh bạch hơn.
Củng cố và cải thiện hệ thống mua sắm công
Với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới, Cục Quản lý Đấu thầu sắm công lần đầu tiên ban hành chiến lược phát triển cho ngành từ nay tới năm 2035. Hệ thống đấu thầu điện tử quốc gia cũng được mở rộng nhằm tăng cường minh bạch, liêm chính, tạo cạnh tranh và đem lại giá trị kinh tế cao hơn.
Các dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ cũng nằm trong số những sáng kiến giúp thúc đẩy sử dụng cổng đấu thầu điện tử, trong đó có hạng mục cho phép đấu thầu cạnh tranh và sẽ được thí điểm trong năm 2019. Đối với đảm bảo trách nhiệm sử dụng vốn, Ngân hàng Thế giới tiếp tục làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đánh giá sau mua sắm công đối với 21 Ban quản lý dự án trong năm 2018. Đây là mức tăng vọt so với 3 năm trước, khi chỉ có 2 Ban được tiến hành đánh giá.
Bên cạnh 6 hoạt động trên, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam còn công bố 3 ấn phẩm quan trọng trong năm 2018 bao gồm: "Tương lai việc làm tại Việt Nam", "Điểm lại - báo cáo bán niên cập nhật tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam" và "Tối da hoá tài chính cho phát triển trong ngành năng lượng của Việt Nam".
Bạn đang đọc bài viết "6 hoạt động nổi bật của World Bank Việt Nam " tại chuyên mục Khoa học quản lý.