Để kiến tạo quốc gia hùng cường, phồn thịnh, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thiết lập hệ thống chính sách hữu hiệu, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực nhằm hướng tới mục tiêu cao cả, trên hết là “vì con người”, lấy con người có kỹ năng nghề (KNN) làm trung tâm của quá trình kiến tạo.
Con người là nguồn lực quốc gia cho nên việc phát triển con người (nguồn nhân lực) là nhiệm vụ then chốt, quyết định thành công của sự nghiệp kiến tạo đất nước. Trong các hệ thống chính sách “vì con người” đó có chính sách đánh giá KNN.
80 nghìn lượt người lao động được ĐGKNN.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định “nâng cao kỹ năng nghề” là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của đào tạo nhân lực quốc gia. Đánh giá kỹ năng nghề (ĐGKNN) là khâu quan trọng của quá trình quản lý NNL nói chung, đào tạo nghề nghiệp nói riêng. Chính sách này giữ vai trò cầu nối, thu hẹp dần khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng dựa trên hệ thống đo lường chính xác, khách quan.
Chính sách ĐGKNN lần đầu tiên được quy định tại Chương 7,8 của Luật Dạy nghề năm 2006. Đến năm 2013, chế định này được tách ra khỏi Luật Dạy nghề để quy định tại Chương 4 của Luật Việc làm, sự kiện đã đánh dấu, khẳng định vị trí độc lập, vai trò quan trọng của Chính sách đối với chất lượng GDNN và phát triển NNL.
Khảo sát chính sách ĐGKNN có thể thấy nó mang ba đặc trưng cơ bản như sau: Đặc trưng đầu tiên, đó là chính sách mang tính đặc thù, hình thành một hệ thống đánh giá dựa trên chuẩn KNN quốc gia, hướng tới mục tiêu đánh giá cho mọi đối tượng NLĐ trong xã hội (luật hiện hành mới chỉ áp dụng thực hiện đánh giá đối với một số đối tượng và công việc nhất định). Đánh giá cho NLĐ cả trong khu vực lao động chính thức, lao động phi chính thức, đặc biệt thực hiện đánh giá cho cả đối tượng NLĐ chưa qua đào tạo.
Thứ hai, phương thức đánh giá KNN mang tính linh hoạt cao, diễn ra liên tục tại các thời điểm cụ thể trong năm, được tổ chức ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước giúp người dân dễ dàng tham gia các kỳ thi đánh giá.
Thứ ba, Chính sách ĐGKNN là giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh đe dọa con người, cộng đồng xã hội góp phần mang lợi các lợi ích kinh tế cho đất nước và đảm bảo an toàn, sinh kế cho người dân.
Về thực hiện chính sách, theo số liệu của Tổng cục GDNN đã có 52 tổ chức được cấp phép hoạt động ĐGKNN theo Luật Việc làm, hình thành nên hệ thống mạng lưới phân bố đồng đều ở các miền trong cả nước; Đồng thời cũng đã thiết lập được 200 bộ tiêu chuẩn KNN quốc gia, ngân hàng đề ở 96 nghề. Tính đến nay, hệ thống đã thực hiện đánh giá cho gần 80 nghìn lượt người lao động ở các lĩnh vực của nền kinh tế góp phần cung cấp NNL chất lượng cho các ngành, nghề đòi hỏi yêu cầu cao về tay nghề, an toàn sức khỏe cho người dân và cộng đồng xã hội.
Những kết quả đạt được đã khẳng định vai trò, sự cần thiết của hệ thống ĐGKNN không chỉ đối với hoạt động đào tạo nghề nghiệp mà cả trong hoạt động tuyển dụng, sử dụng người lao động, góp phần nhất định nhằm ổn định, phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng giai đoạn khác nhau.
Và với việc thực hiện ĐGKNN thời gian qua như là giải pháp hữu hiệu, giúp ứng phó, khôi phục nền kinh tế đất nước trong, sau đại dịch Covid-19. Điều này, thể hiện rõ nét ở đích đến của Chính sách là đảm bảo an toàn, duy trì việc làm, thu nhập cho NLĐ trong xã hội.
Hệ thống ĐGKNN cùng với hệ thống GDNN thực hiện sứ mệnh chung đó là đảm bảo, duy trì và phát triển chất lượng đào tạo nghề nghiệp, cung cấp lực lượng lao động có tay nghề cao cho nền kinh tế. Và chính sách này của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với khung hướng dẫn các biện pháp khẩn cấp ứng phó COVID-19 của Liên Hợp Quốc ứng phó và phục hồi kinh tế trước,sau đại dịch, các chính phủ phải tập trung vào bảo vệ việc làm, doanh nghiệp vừa và nhỏ và NLĐ trong khu vực chính thức và phi chính thức nhằm giữ bình ổn, từng bước phục hồi nền kinh tế.
Tính nhân văn trong chính sách ĐGKNN
Không những thế, ĐGKNN còn mang tính nhân văn sâu sắc bởi nó xuất phát từ các đặc trưng của chính sách ĐGKNN. Tính nhân văn của chính sách thể hiện rõ trên các khía cạnh: Đó là, đảm bảo quyền quyền được lao động của con người trong điều kiện môi trường làm việc an toàn, ổn định thu nhập. Đảm bảo duy trì an toàn cho cộng đồng xã hội, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước. Đáp ứng nguyện vọng cho mọi người dân được khẳng định giá trị bản thân, trình độ tay nghề “mọi lúc, mọi nơi” mà không có sự phân biệt giới tính, độ tuổi, tôn giáo, giàu nghèo. Giúp người dân thuận tiện, dễ dàng chuyển dịch nghề nghiệp thông qua hệ thống công nhận chứng chỉ kỹ năng nghề 05 bậc trình độ, mang tính quốc gia. Tạo động lực để NLĐ ý thức học tập (tự học), rèn luyện, trau dồi hoàn thiện, nâng cao tay nghề (năng lực nghề nghiệp) thông qua sự liên kết chính sách giữa hệ thống đánh giá, công nhận và hệ thống sử dụng (tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ).
Đối với lĩnh vực giáo dục nói chung hay GDNN nói riêng thì đây là Chính sách nhằm hình thành xã hội học tập, học tập suốt đời, phát triển nguồn nhân lực đất nước, giúp người dân không phân biệt tầng lớp, giàu nghèo, giới tính được được tiếp cận mọi dịch vụ giáo dục; tôn vinh giá trị “kỹ năng nghề” của NLĐ, Nhà nước coi năng lực sáng tạo, phẩm chất tốt đẹp, thái độ, tình yêu lao động của mọi người dân trong xã hội là “nguyên khí quốc gia”. Định hướng cộng đồng doanh nghiệp hoạt động theo khuôn khổ luật định, tạo nên tiếng nói chung giữa chủ - thợ để hạn chế việc sử dụng, đãi ngộ không thỏa đáng, bất bình đẳng.
Tuy nhiên, hệ thống ĐGKNNQG hiện nay cũng còn một số tồn tại, hạn chế cơ bản đang diễn ra trên thực tế, cụ thể: Nhận thức về chính sách của các cấp chính quyền, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước (QLNN) các cấp, người sử dụng lao động và NLĐ còn hạn chế. Hệ thống Chính sách chưa đảm bảo tính đồng bộ, nhiều chính sách đã được luật hóa nhưng chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể. Đội ngũ làm công tác QLNN các cấp, người làm việc tại các tổ chức số lượng ít, chất lượng còn hạn chế, chưa được chuẩn hóa hoàn toàn. Các bộ chuẩn KNN quốc gia và đề thi đánh giá chậm xây dựng mới và chỉnh sửa, bổ sung dẫn tới lạc hậu, không còn phù hợp với công nghệ mới và yêu cầu của thực tiễn.
Đặc biệt, nguồn lực để tổ chức triển khai các hoạt động của hệ thống ĐGKNNQG chưa đảm bảo, mang tính “nhỏ giọt” và chủ yếu dựa nguồn ngân sách Nhà nước đã làm giảm tính hiệu quả, khả thi của Chính sách. Do đó, để từng bước giải quyết những tồn tại, hạn chế như trên cần phải tăng cường tuyên truyền, phố biến Chính sách cho các cấp chính quyền, người sử dụng lao động và NLĐ; sử dụng các hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp, hiệu quả. Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ QLNN về ĐGKNNQG các cấp; từng bước hoàn thiện chuẩn đội ngũ làm việc tại các tổ chức và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng. Hoàn thiện và kịp thời xây dựng, ban hành các bộ chuẩn và đề thi ĐGKNNQG đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại đội ngũ lao động. Từng bước nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách thuế, lệ phí và giá trong lĩnh vực ĐGKNNQG; mạnh dạn luật hóa trách nhiệm của doanh nghiệp sử dụng NLĐ có chứng chỉ KNN quốc gia thông qua các công cụ tài chính (thuế, lệ phí). Ưu tiên nguồn lực thực thi Chính sách, đặc biệt nguồn lực xã hội hóa; tăng cường huy động sự tham gia của doanh nghiệp và toàn xã hội.