Vì sao mốc 100 bệnh nhân COVID-19 quan trọng?

thunguyen

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành uỷ TP.HCM nhấn mạnh việc quan sát diễn biến dịch bệnh sau khi Việt Nam có 100 bệnh nhân COVID-19.

Sau 21 ngày hoàn toàn không xuất hiện ca nhiễm bệnh mới, VIệt Nam bắt đầu đợt dịch thứ hai từ ngày 6.3.2020. Từ đó, số lượng người nhiễm bệnh tăng lên rất nhanh chóng, và đạt con số 100 ca vào ngày 21.3, sau ca đầu tiên của đợt hai 15 ngày. 

Trong văn bản trình ngày 22.3, ông Nguyễn Thiện Nhân dự đoán đến ngày 24.3, số bệnh nhân của Việt Nam sẽ đạt con số 100 người. Thực tế đã diễn biến nhanh hơn dự đoán của Bí thư Thành uỷ TP.HCM. 

So với các nước, mất khoảng 29 ngày để số bệnh nhân lên tới con số 100, tốc độ lây nhiễm của Việt Nam ở mức cao, ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá. Dự đoán sẽ mất khoảng 10 ngày, số ca nhiễm của Việt Nam sẽ từ 100 lên con số 1.000 người, sau 11 ngày tiếp theo sẽ đạt khoảng 8.000 người nhiễm…

Để tránh kịch bản đã xảy ra như dự đoán nói trên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng bằng mọi cách phải kiềm chế sự lây lan, để không đạt mức 1.000 người trong vòng 10 ngày kể từ khi có 100 người nhiễm, tức là vào khoảng ngày 3.4.2020, và tốt nhất là chỉ có dưới 500 người nhiễm vào thời gian này. 

Cho đến ngày 21.3, sau khi có 100 ca nhiễm, Việt Nam mới bắt đầu cách ly toàn bộ các chuyến bay nhập cảnh Việt Nam. Trước đó, những hành khách từ nước ngoài, các nước có dịch đến Việt Nam chỉ bị cách ly khi có biểu hiện nhiễm bệnh như sốt, ho nhiều. Hàng ngàn người khác có thể đã mang mầm bệnh mà không có biểu hiện, lây nhiễm ra cộng đồng. 

Hiện nay ngành y tế TP.HCM có thể điều trị cùng lúc 1.200 người bị lây nhiễm thể nặng, tức tương ứng với số người nhiễm toàn thành phố từ 8.500 đến 10.000 người (tỷ lệ người nhiễm thể nặng bình quân từ 10 - 15%). Ông Nhân giả sử ngành y tế Việt Nam có thể điều trị cùng lúc 3.000 người bị lây nhiễm thể nặng, có nghĩa là chúng ta có thể chịu đựng được tình trạng có 21.000 đến 30.000 người nhiễm bệnh. 

Trước những phân tích và cảnh báo nói trên, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất chín giải pháp để kiểm soát dịch bệnh như sau:

1. Không cho người có nguy cơ đã nhiễm virus vào cộng đồng dân cư ở Việt Nam, khi chưa loại trừ được khả năng đã nhiễm (cách ly chọn lọc và cách ly tất cả người nhập cảnh, tuỳ giai đoạn dịch toàn cầu).

2. Thực hiện cách ly tất cả những người có khả năng đã tiếp xúc với người nhiễm (F1, F2, F3) tại nhà, khu cách ly địa phương (quận, huyện) và khu cách ly tập trung (thành phố, tỉnh).

3. Thử xét nghiệm virus tại các bệnh viện điều trị, các khu cách ly tập trung, những người có nguy cơ lây nhiễm cao và tự nguyện (khi có điều kiện)

4. Đưa hết vào bệnh viện số người nhiễm nặng để điều trị (10-15% tổng số người đã nhiễm)

5. Đeo khẩu trang khi đi ngoài đường và trong mọi hoạt động hàng ngày ở cơ quan, doanh nghiệp, chợ,…; rửa tay thường xuyên để diệt virus.

6. Hạn chế tập trung đông người, chỉ đi học lại khi đảm bảo không có nguy cơ lây nhiễm với các hoạt động tập trung ở các trường học. 

7. Không sử dụng hẹ thống điều hoà không khí ở các toà nhà cao tầng đang có nguy cơ lây nhiễm. 

8. Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, sức mạnh văn hoá của người Việt Nam để mọi người tự giác thực hiện các biện pháp để tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, cơ quan, địa phương mình không bị nhiễm virus và ngăn chặn hậu quả lây lan. 

9. Phát huy sức mạnh tài chính của Nhà nước, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, sự đóng góp, nhường cơm sẻ áo của gần 100 triệu người Việt Nam để những người mất việc làm vì dịch Corona có được thu nhập tối thiểu, nuôi được gia đình, chữa được bệnh khi ốm đau, từ đó ổn định xã hội và để các doanh nghiệp phải đóng cửa vì dịch Corona toàn cầu duy trì được đội ngũ người lao động cơ bản của doanh nghiệp, không phá sản trong vòng ba tháng, ít phá sản trong vòng sáu tháng.

Linh Anh

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Vì sao mốc 100 bệnh nhân COVID-19 quan trọng?" tại chuyên mục Khoa học quản lý.