Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố báo cáo cập nhật thị trường quý 2/2024. Dữ liệu cho thấy hoạt động phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn khi lượng phát hành từ những doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất hay hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng gần như không có. Hầu hết các đợt phát hành đến từ các ngân hàng thương mại.
Nhóm ngân hàng chiếm 75% tổng giá trị phát hành
Trong quý 2/2024, có 4 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 2.500 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng giá trị phát hành; và 84 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 88.719 tỷ đồng, chiếm 97,3%.
Trái với quý 1/2024, hoạt động phát hành trong quý 2 đã trở nên sôi động hơn nhiều với sự tăng vọt về phát hành của nhóm ngân hàng và bất động sản. Chuyên gia nhận định nguyên nhân có thể đến từ hoạt động tín dụng của ngân hàng cải thiện và nhu cầu bù đắp lượng trái phiếu đáo hạn. Trong quý 2 vừa qua, gần 67.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý 2 tăng 138% lên 91.219 tỷ đồng. Phần lớn trái phiếu được phát hành thuộc nhóm ngân hàng với 68.546 tỷ đồng, chiếm 75% tổng giá trị phát hành.
VBMA cho biết 78% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 2/2024 có kỳ hạn từ 1 đến 3 năm. Lãi suất phát hành bình quân quý 2/2024: 6.62%/năm. Kỳ hạn phát hành bình quân quý 2/2024 là 3,66 năm.
Lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý 2 đi xuống ở hầu hết các nhóm ngành so với cùng kỳ năm trước, lãi suất bình quân giảm 3,17 điểm phần trăm. So với quý 1/2024, lãi suất phát hành cũng hạ nhiệt ở tất cả các nhóm ngành trừ nhóm bất động sản. Theo chuyên gia, đây là diễn biến khá bất ngờ khi mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng lên trong quý 2, cùng với đó là nhu cầu phát hành để bù đắp lượng trái phiếu đáo hạn trong quý.
Trong quý 2/2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn là 41.011 tỷ đồng, giảm 51,3% so với cùng kỳ 2023. Giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn trong nửa cuối năm là 139.765 tỷ đồng; trong đó 58.782 tỷ đồng là trái phiếu bất động sản, tương đương 42%; 16% là trái phiếu ngân hàng, trị giá 22.498 tỷ đồng.
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc mới trong quý 2/2024 ở mức 11.362 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý 1/2024. Phần lớn trái phiếu chậm trả lũy kế từ tháng 11/2022 đến nay là trái phiếu bất động sản, chiếm 63% tổng giá trị chậm trả.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 265.456 tỷ đồng trong quý 2/2024, bình quân đạt 4.352 tỷ đồng/ngày, tăng 17,6% so với quý 1/2024. Phần lớn giá trị giao dịch thuộc về các trái phiếu của nhóm ngân hàng. Trong top 10 tổ chức phát hành có trái phiếu được giao dịch nhiều nhất trong quý 2, nhóm ngân hàng góp 6 đại diện.
Phát hành trái phiếu trong bối cảnh hiện nay là phù hợp với ngành ngân hàng
Việc ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu tại thời điểm này được các chuyên gia nhận định là phù hợp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay.
Theo Giám đốc phân tích Visrating Phan Duy Hưng, để tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động các nhà băng sẽ cần tăng cường phát hành trái phiếu dài hạn hơn nửa để bổ sung vốn và an toàn vốn. Việc các ngân hàng phát hành trái phiếu hỗ trợ tăng trưởng tín dụng càng được thúc đẩy hơn trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi chậm lại do điều kiện hoạt động kinh doanh suy giảm trong giai đoạn vừa qua.
Theo ước tính của ông Phan Duy Hưng, ngành ngân hàng sẽ phát hành hơn 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong ba năm tới. Theo đó, khoảng 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh do vốn cấp 2 của các ngân hàng này sẽ bị khấu trừ đáng kể.
Theo PGS.TS. Võ Đại Lược, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới - cho biết so với nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là bất động sản, trái phiếu ngân hàng được nhìn nhận ở mức độ khá an toàn. Bởi vậy dù nhóm tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu kỳ hạn tương đối dài, khoảng 3 - 5 năm với lãi suất khoảng 6% nhưng vẫn thu hút được nhà đầu tư. Vị chuyên gia nhận định, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay là phù hợp với ngân hàng. Theo đó, các nhà băng có thể hạn chế bớt rủi ro gia tăng về chi phí vốn đầu vào khi lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại.
Còn TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định rằng, sở dĩ các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trở lại là nhằm tăng vốn cấp 2 để đáp ứng chuẩn Basel II và Basel III.
Điểm khác biệt của trái phiếu ngân hàng là lãi suất thấp, nhưng rủi ro thấp do việc phát hành được tuân thủ quy định chặt chẽ theo tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước giám sát. Các tổ chức tín dụng có trái phiếu đến hạn đều hoạt động có lãi. Đáng chú ý, có gần 99% trái phiếu ngân hàng được nắm giữ bởi các nhà đầu tư tổ chức (chủ yếu là các định chế tài chính).
Được biết, một số ngân hàng có kế hoạch phát hành trái phiếu trong thời gian tới gồm: Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 năm 2024, được chia thành đợt 1 và đợt 2 với tổng giá trị tối đa lần lượt là 8.000 tỷ đồng và 12.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 đợt 1 với tổng giá trị tối đa 9.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 nghìn đồng/trái phiếu, kỳ hạn 7 năm và 8 năm. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 8.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn trên 5 năm. |