Vì đâu nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ của VietinBank tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm?

Thanh Thảo

14/08/2024 09:58

Tổng nợ xấu của VietinBank tăng 48% so với thời điểm đầu năm, trong đó riêng nợ có khả năng mất vốn là hơn 7.800 tỷ đồng, nợ nghi ngờ lên đến hơn 13.456 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán: CTG) mới đây đã công bố báo cáo tài chính kinh doanh  hợp nhất quý 2/2024.

Cụ thể, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của ngân hàng trong quý 2 đạt hơn 30.138 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 34.116 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Tổng chung, 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã ghi nhận thu nhập lãi thuần hơn 61.090 tỷ đồng.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của công ty tăng nhẹ, lên mức 1.886 tỷ đồng/ Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng là 1.086 tỷ đồng.

Đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán, ngân hàng lỗ gần 140 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này là lãi gần 17 tỷ đồng. Trong số đó, thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư lãi hơn 6,7 tỷ đồng. Chi phí mua bán chứng khoán đầu tư và chi phí hoàn nhập dự phòng rủi ro chứng khoán đầu tư lần lượt lỗ hơn 2 tỷ đồng và 144,3 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần của Vietinbank mang lại hơn 210 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 9%, lên mức 9.888 tỷ đồng.

Tổng chung, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, lũy kế 6 tháng đầu năm, VietinBank báo lãi trước thuế hơn 12.960 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.

anh3-1723537952.png
 

Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của VietinBank đạt hơn 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 6,66% so với đầu năm.

Trong số đó, cho vay các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước là 1,55 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 1,46 triệu tỷ đồng của cuối năm ngoái. Cho vay chiết khấu công cụ chuyển nhượng các giấy có giá là 1.785 tỷ đồng, cho thuê tài chính là gần 5.159 tỷ đồng, các khoản trả thay khách hàng là 240 tỷ đồng, cho vay đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài là 9.400 tỷ đồng. Trong kỳ, ngân hàng không ghi nhận cho vay bằng vốn tài trợ, ủy thác đầu tư.

Liên quan đến chất lượng các khoản nợ, tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 tăng mạnh 48% so với đầu năm, lên mức 24.645 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng gia tăng từ 1,12% lên 1,56%.

Cụ thể, nợ đủ tiêu chuẩn của ngân hàng đạt 1.524 tỷ đồng. Nợ cần chú ý giảm nhẹ, đạt 22.628 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 33,33%, đạt 3.344 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ tăng gấp 2,85 lần so với cùng kỳ, lên 13.456 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn giảm 17%, xuống còn 7.845 tỷ đồng.

Nợ xấu gia tăng, VietinBank đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Tổng số tiền trích lập dự phòng đạt 15.868 tỷ đồng, tăng 20% so với con số 13.202 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. 

Trong giai đoạn 2024 - 2029, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng bình quân tối thiểu 5% cả giai đoạn. Tổng tăng trưởng tín dụng tăng bình quân 5 - 10% trong cả giai đoạn, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng bình quân tối thiểu 5-10% trong cả giai đoạn.

vietin-bank-1723537981.png
 

Ở một diễn biến khác, trong danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 do VietinBank mới công bố,  cơ cấu cổ đông của ngân hàng này có 4 ngân hàng, tổ chức năm giữ trên 1% vốn.

Đầu tiên là Ngân hàng Nhà nước nắm hơn 3,46 tỷ cổ phiếu CTG tương đương 64,47% vốn. MUFG Bank, Ltd là cổ đông chiến lược của VietinBank đang nắm giữ 1,059 tỷ cổ phiếu, tương đương với 19,73% vốn điều lệ. Công đoàn VietinBank nắm giữ hơn 61,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu vốn là 1,15%.

Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam sở hữu 57,6 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 1,07% vốn điều lệ VietinBank. Người liên quan của Prudential Việt Nam (không được công bố chi tiết) cũng sở hữu gần 3 triệu cổ phiếu ngân hàng này, tương ứng 0,05% vốn.

Thanh Thảo