Vai trò của Luật Đầu tư với hoạt động đầu tư tài chính tại Việt Nam

Luật sư Trần Phương Bắc

22/08/2022 08:22

Luật Đầu tư (2020) được ban hành ngày 17/6/2020 nhằm thay thế Luật Đầu tư 2015. Luật Đầu tư (2020) điều chỉnh các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, trong đó bao gồm cả các hoạt động đầu tư tài chính.

luat-su-tran-phuong-bac-1661131262.jpg
Luật sư Trần Phương Bắc

Các “hoạt động đầu tư tài chính” được tạm hiểu là các hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp, thông qua việc mua cổ phần và phần vốn góp của doanh nghiệp hoặc đầu tư vào các công cụ nợ, giấy tờ có giá hoặc các loại chứng khoán khác do doanh nghiệp phát hành. Thông thường, các nhà đầu tư tài chính không trực tiếp tham gia vào việc quản lý hoặc điều hành doanh nghiệp, tuy nhiên cũng có một số trường hợp các nhà đầu tư tài chính cũng có được một hoặc một số chỗ trong hội đồng quản trị của doanh nghiệp.

Như là một phần của các hoạt động đầu tư, đầu tư tài chính cũng được pháp luật công nhận theo các quy định tại điều 5 (Chính sách đầu tư) như “quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm”, “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư” hoặc “Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế”.

Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tài chính cũng được pháp luật bảo vệ và bảo hộ thông qua các chính sách nêu tại điều 10 (Bảo đảm quyền sở hữu tài sản), điều 11 (Bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh), điều 12 (Bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài), điều 13 (Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật).

Như đã nói ở trên, đầu tư tài chính thường không gắn liền với việc thành lập và quản lý doanh nghiệp (đầu tư trực tiếp) mà các hoạt động đầu tư tài chính chủ yếu thông qua việc mua phần góp vốn hoặc cổ phần của công ty, đầu tư thông qua các công cụ tài chính và công cụ nợ khác. Đối với việc mua phần vốn góp hoặc cổ phần của công ty, Luật Đầu tư có các quy định cụ thể tại điều 24 (Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp), điều 25 (Hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp) và điều 26 (Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp).

Luật Đầu tư không điều chỉnh các hoạt động đầu tư tài chính khác như mua trái phiếu, mua bán các công cụ nợ, các công cụ tài chính khác trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên Luật Đầu tư lại cho phép đầu tư tài chính ra nước ngoài. Cụ thể, điểm d và đ khoản 1, điều 52 quy định hình thức đầu tư “Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài” và “Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư”. Nhà đầu tư tài chính ra nước ngoài cũng cần tuân thủ các quy định về xin chấp thuận hoặc đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư tài chính giống như các hoạt động đầu tư khác cũng phải tuân thủ một số quy định như không được đầu tư vào các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại điều 6 như kinh doanh ma tuý, các hoá chất và khoáng vật bị cấm, các loại động vật, thực vật hoang dã nằm trong danh sách cấm buôn bán, kinh doanh mại dâm, mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người, hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người, kinh doanh pháo nổ, kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Nhà đầu tư tài chính cũng phải chịu một số hạn chế trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như quy định tại điều 7, là các hoạt động kinh doanh phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Ngoài ra, nếu nhà đầu tư tài chính là nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư tài chính đó còn phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài như quy định tại điều 9 bao gồm Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, gồm: a) Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và b) Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.

Trong trường hợp nhà đầu tư tài chính nước ngoài nếu không thuộc trường hợp chưa được tiếp cận thị trường hoặc tiếp cận thị trường có điều kiện thì nhà đầu tư tài chính nước ngoài sẽ được phép đầu tư như nhà đầu tư trong nước. Đối với ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư tài chính nước ngoài phải tuân thủ về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế hoặc hình thức và phạm vị hoạt động đầu tư, năng lực của nhà đầu tư hoặc các điều kiện khác do pháp luật quy định.

Một điểm đáng chú ý liên quan đến các nhà đầu tư tài chính nước ngoài là các hạn chế về tiếp cận thị trường chỉ là các hạn chế đối với các hình thức đầu tư được nêu tại điều 21 (1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, 2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, 3. Thực hiện dự án đầu tư, 4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, 5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ). Các hình thức đầu tư tài chính khác như cho vay, đầu tư vào các loại công cụ nợ, giấy tờ có giá, các công cụ tài chính khác sẽ không chịu các hạn chế về tiếp cận thị trường.

Trong trường hợp phát sinh tranh chấp trong hoạt động đầu tư tài chính, nhà đầu tư tài chính được quyền lựa chọn các cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài và toà án. Đối với các nhà đầu tư tài chính nước ngoài, họ còn có thể được lựa chọn thêm trọng tài nước ngoài hoặc trọng tài quốc tế. Việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp thường được quy định trong các hợp đồng hoặc thoả thuận về đầu tư. Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp thì tranh chấp sẽ được giải quyết theo các quy định pháp luật về tố tụng dân sự hoặc tố tụng trong thương mại.

Như vậy, mặc dù Luật Đầu tư không có nhiều quy định về các hình thức đầu tư tài chính, tuy nhiên Luật Đầu tư cũng nêu được các khuôn khổ pháp lý cơ bản cho hoạt động đầu tư tài chính và quan trọng hơn, các hoạt động đầu tư tài chính được Luật Đầu tư bảo hộ, các quyền và lợi ích của các nhà đầu tư tài chính cũng được bảo hộ như các nhà đầu tư khác. Nhà đầu tư cần lựa chọn các hình thức đầu tư phù hợp với khả năng, điều kiện tài chính, hiểu biết và kiến thức của mình.

Luật sư Trần Phương Bắc
Người theo dõi

Người theo dõi

11:24 22/08/2022

Rất hay đấy luật sư