Đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong số 7 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đã chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, chỉ có 2/7 doanh nghiệp có sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài, gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Sau khi có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, Petrolimex đã trở thành: doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn thuộc VN30 - danh mục chỉ số gồm 30 cổ phiếu được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), với giá trị vốn hoá thị trường cũng như tính thanh khoản cao trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cơ cấu cổ đông hiện tại Petrolimex có hơn 100 quỹ đầu tư, tổ chức nước ngoài.
Đối với Hãng hàng không Quốc gia, việc lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là ANA Holdings Inc. (Nhật Bản) đã giúp Vietnam Airlines nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh, giá trị thương hiệu cũng như mở rộng các cơ hội tốt hơn khi tiếp cận nguồn vốn từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Việc Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản – ANA Holdings, trở thành cổ đông chiến lược đã góp phần cải thiện tình hình tài chính của Vietnam Airlines, những lợi ích hai bên nhận được từ hợp tác chiến lược đóng vai trò quan trọng và lâu dài.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần thoái vốn nhà nước không thành công. Cụ thể, với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), việc triển khai cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Xe lửa Gia Lâm và Công ty TNHH MTV Xe lửa Dĩ An đã không đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Jin Xin (Trung Quốc) do vướng mắc về ngành nghề, tỷ lệ sở hữu và vấn đề nhà đất.
Trong giai đoạn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) năm 2018, EVNGENCO3 đã tìm được 4 nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng tiêu chí. Tuy nhiên do khó khăn, vướng mắc nên việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đã không thành công.
Theo đề án, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đặt lộ trình khuyến khích khu vực đầu tư nước ngoài mua phần vốn tại doanh nghiệp nhà nước thành hai giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất, 2021 – 2025, sẽ xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật riêng cho hoạt động bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Theo đó, xây dựng quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mua phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp nhà nước.
Ban hành danh mục các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh hạn chế tiếp cận; danh mục các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh được phép tiếp cận, điều kiện tiếp cận, tỷ lệ cho phép nắm giữ vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp trong ngành, nghề, lĩnh vực với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Đồng thời, ban hành các chính sách ưu đãi, điều kiện ràng buộc đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mua phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Trên cơ sở danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt giai đoạn 2021 -2025, Ủy ban xem xét, lựa chọn trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp để triển khai bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
Giai đoạn thứ hai, 2026 – 2030, xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa, bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài với vai trò là nhà đầu tư chiến lược trong từng thời kỳ về danh mục doanh nghiệp, thời hạn bán vốn, tỷ lệ nắm giữ, các điều kiện chính đối với nhà đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư chiến lược. Thực hiện việc cổ phần hóa, bán vốn theo Danh mục được phê duyệt và quy định pháp luật.