Uniqlo đặt niềm tin vào xu hướng thời trang bền vững

dang.pham

Triết lý đơn giản bền vững đang giúp Uniqlo trở thành hãng thời trang có quy mô lớn thứ ba trên thế giới.

Trong khi các hãng thời trang bình dân trên thế giới đang lao đao với xu hướng “fast-fashion” thì Uniqlo nhà sản xuất phân phối thời trang đến từ Nhật Bản đang thể hiện sự thức thời nhờ vào việc duy trì triết lý thời trang đơn giản và bền vững trong suốt 35 năm.

Trong khi Forever 21 phải đệ đơn bảo hộ phá sản lên tòa án Mỹ, H&M Thụy Điển cũng đối mặt với lợi nhuận giảm suốt ba năm trở lại đây vì chạy theo xu hướng fast fashion. Fast Retailing, tập đoàn sở hữu hãng thời trang Uniqlo đến từ Nhật Bản, đối thủ của những cái tên như Forever 21, Zara, hay H&M, công bố kết quả kinh doanh đạt hiệu suất kỉ lục với doanh thu bán ra trên toàn cầu năm tài chính 2019 đạt 21,5 tỉ USD. Trong đó, Uniqlo quốc tế đóng góp lớn vào doanh thu của tập đoàn.

Thiết kế của các dòng sản phẩm của Uniqlo tập trung vào yếu tố đơn giản - Ảnh: Uniqlo Việt Nam
Thiết kế của các dòng sản phẩm của Uniqlo tập trung vào yếu tố đơn giản - Ảnh: Uniqlo Việt Nam

Tập trung vào thời trang đơn giản, thực dụng

Từ tôn chỉ “simple made better” - đơn giản làm mọi thứ trở nên tốt hơn, đặc điểm của các sản phẩm của Uniqlo có thiết kế cơ bản, đơn sắc, không nhiều họa tiết đặc biệt là trên các dòng sản phẩm áo khoác, áo sơ mi, len, áo chống nắng nam nữ.

Điều này dường như trái ngược hẳn với thông điệp “buy now or never” đánh vào tâm lý mua ngay hoặc không bao giờ của các hãng thời trang theo xu hướng thời trang nhanh - “fast fashion” dẫn đầu bởi các thương hiệu như Zara, hay H&M. Theo quan điểm của Uniqlo, vì sản phẩm của công ty hướng đến thời trang hàng ngày nên đòi hỏi sự tiện lợi. Chính sự đơn giản sẽ khiến các sản phẩm thời trang không bị lỗi thời.

Theo triết lý này, công ty cho rằng, độ bền của sản phẩm sẽ chính là yếu tố khiến khách hàng quay trở lại mua hàng. Uniqlo cho biết, năm vừa qua, công ty bán ra khoảng 10 triệu áo thun trên thế giới.

Sự lên ngôi của xu hướng tiêu dùng bền vững

Theo nhận định của ông Yukihiro Katsuta - Phó Chủ tịch tập đoàn Fast Retailing - trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Uniqlo, xu hướng thời trang tương lai sẽ tập trung vào thế hệ thế Millennial (Thế hệ Y). Đây là thế hệ coi trọng tính cách cá nhân của mình. Chính triết lý của Uniqlo vạch ra từ trước đó lại ngẫu nhiên đáp ứng nhu cầu giới trẻ ở thời điểm hiện tại.

Theo quan điểm của Uniqlo, thời trang không chỉ thể hiện cá tính của người mặc mà còn phải tiện dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Những trang phục có khả năng phối hợp với nhiều vật dụng khác nhau sẽ không làm mẫu trang phục bị cố định một đặc trưng nào đó. 

Theo ông Yukihiro, trong thời gian vừa qua, các sản phẩm “second-hand” (hàng đã sang tay) nổi lên khiến thị trường thời trang phải tìm cách thích nghi. Theo quan điểm của Uniqlo, độ bền vững thể hiện ở việc mặc nhiều lần trong thời gian dài. Với những bộ trang phục chạy theo xu hướng thời trang và chỉ được mặc một đến hai lần rồi khách hàng cất đi không mặc nữa cũng chính là rác.

Không chạy theo phát triển xu hướng thời trang nhanh, Uniqlo tập trung giải quyết các vấn đề về người dùng. Khác biệt với các đối thủ khác, Uniqlo có đội ngũ nghiên cứu và phát triển các dòng vải có khả năng tản nhiệt, nhẹ, tái chế sợi cho quần jeans, vải chống nhăn.

Uniqlo giới thiệu công nghệ Heattech - có khả năng làm mát cho người dùng - Ảnh: Uniqlo
Uniqlo giới thiệu công nghệ Heattech - có khả năng làm mát cho người dùng - Ảnh: Uniqlo



Đề cao yếu tố trải nghiệm

Các công ty bán lẻ thất bại thường hay đổ lỗi cho sự phát triển của internet và thương mại điện tử. Ông  Yukihiro cho rằng, trải nghiệm của khách hàng vẫn vô cùng quan trọng, đặc biệt là việc nghe tư vấn, trực tiếp thử sản phẩm. Quan trọng hơn là chất lượng dịch vụ, chất lượng không gian cửa hàng đến trải nghiệm. Theo đánh giá của Uniqlo, trong lĩnh vực thời trang, con người vẫn là yếu tố quan trọng.

Ông Yukihiro Katsuta - Phó Chủ tịch tập đoàn Fast Retailing - trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Uniqlo - Ảnh: Uniqlo Việt Nam
Ông Yukihiro Katsuta - Phó Chủ tịch tập đoàn Fast Retailing - trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Uniqlo - Ảnh: Uniqlo Việt Nam

Lồng ghép câu chuyện vào sản phẩm

Theo quan điểm của Uniqlo, không có thời trang lỗi thời mà chỉ có những phong cách đi vào biểu tượng. Uniqlo kết hợp với các thương hiệu như Mickey của Disney, Marvel hay Manga Out của tuần báo tiếng Nhật Weekly Shonen Magazine thuộc nhà xuất bản Kodansha nổi tiếng toàn thế giới. Đặc điểm của các nhân vật, hình tượng không chỉ dừng lại ở xu hướng mà đã trở thành biểu tượng toàn cầu.

Gặp khó khăn khi tìm địa điểm vào thị trường Việt Nam

Tại khu vực Đông Nam Á, Uniqlo hiện có tổng cộng 211 cửa hàng. Trong đó, 58 cửa hàng tại Philippines, 50 cửa hàng tại Thái Lan và 49 cửa hàng tại Malaysia. Tuy nhiên, phải đến đầu tháng 12. 2019, Uniqlo mới chính thức bước vào thị trường Việt Nam với cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM. Theo chia sẻ của ông Yukihiro, vị trí flagship - cửa hàng đầu tiên khi bước vào một thị trường mới có ý nghĩa rất quan trọng, đáng giá hơn nhiều so với chi phí bỏ ra cho hoạt động marketing. 

Việc Uniqlo có mặt trễ tại Việt Nam là do yếu tố khách quan từ sự khan hiếm của bất động sản bán lẻ. Thị trường thiếu những vị trí đắc địa, có quy mô và giá cả vừa tầm. Điều này Uniqlo từng gặp tương tự tại thành phố Madrid của Tây Ban Nha và Milano của Ý, ông dẫn chứng. Đại diện của Uniqlo cũng cho biết thêm, tập đoàn chưa có kế hoạch cụ thể về số lượng cửa hàng sẽ mở tại Việt Nam.

Bà Nhung Trương - Trưởng bộ phận Marketing của Uniqlo Việt Nam - Ảnh Uniqlo Việt Nam
Bà Nhung Trương - Trưởng bộ phận Marketing của Uniqlo Việt Nam - Ảnh Uniqlo Việt Nam

Dâng Phạm

dang.pham