Tổng giám đốc WHO muộn màng "xoay chiều" nhưng Trung Quốc muốn "bế quan tỏa cảng"
Ngày 15-7, trong một cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận với các phóng viên rằng vẫn có khả năng vi rút Covid-19 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm.
Tổng giám đốc WHO Tedros đã dẫn lại những kinh nghiệm của mình khi là một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và nhà miễn dịch học, từ đó ông nói rằng “tai nạn trong phòng thí nghiệm là điều phổ biến”, vì vậy phải “kiểm tra chuyện đã xảy ra, đặc biệt là trong phòng thí nghiệm”. Theo ông, đây là điều quan trọng để suy ra nguồn gốc đại dịch.
Ông Tedros kêu gọi Trung Quốc cùng các quốc gia thành viên minh bạch và hợp tác với các nhà khoa học trong việc xác định nguồn gốc đại dịch Covid-19, bao gồm cả việc cung cấp dữ liệu thô.
Ngày 16-7, trong cuộc họp kín với đại diện của các nhà nước thành viên WHO, Tổng giám đốc Tedros đề xuất 5 ưu tiên cho giai đoạn kế tiếp của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19. Trong đó có “việc kiểm tra các phòng thí nghiệm liên quan và các viện nghiên cứu hoạt động ở những khu vực có ca nhiễm đầu tiên được xác định vào tháng 12.2019”.
Ông Tedros còn kêu gọi nghiên cứu thêm các chợ bán động vật trong và xung quanh thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được công bố và là nơi tọa lạc của Viện Virus học Vũ Hán.
Thế nhưng trong cuộc họp báo ngày 19.7, khi được Reuters hỏi về phản ứng của Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng kế hoạch điều tra nguồn gốc Covid-19 giai đoạn 2 do ông Tedros đề xuất “không phù hợp với lập trường của Trung Quốc”.
Phát ngôn viên Triệu Lập Quốc còn nhắc lại kết luận gây tranh cãi từ cuộc điều tra giai đoạn một do nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đến Vũ Hán hồi tháng 1 và 2.2021 rằng việc virus gây Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ không thể” và đề nghị tiến hành nghiên cứu thêm các ca nhiễm được phát hiện sớm trên phạm vi toàn cầu.
Như vậy xem ra việc điều tra Phòng thí nghiệm Vũ Hán giai đoạn 2 sẽ bế tắc. Các chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc lo ngại việc WHO kết luận virus Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán thành sự thật sẽ khiến nước này có thể đối diện với hàng trăm vụ kiện quốc tế yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc rò rỉ virus gây nên.
Ở phần dưới, chúng tôi sẽ phân tích thiệt hại kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra. Đó là con số "kinh hoàng" mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường.
Chuyên gia: "'Có bằng chứng virus Covid-19 được tạo ra tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán"
Trước đó, nghiên cứu của chuyên gia về ung thư người Anh, giáo sư Angus Dalgleish, và nhà khoa học Na Uy, tiến sĩ Birger Sørensen được công bố trên tạp chí Quarterly Review of Biophysics Discovery (tạm dịch: Chuyên san Khám phá Lý sinh) cho thấy trong quá trình nghiên cứu vắc xin, họ đã phát hiện “dấu vết đặc biệt” cho thấy virus Covid-19 không có nguồn gốc tự nhiên. Manh mối này là một hàng 4 axit amin, tạo ra điện tích dương và liên kết với các tế bào âm tính của con người.
“Quy luật tự nhiên là bạn không thể có 4 axit amin dương trên một hàng. Cách duy nhất để có điều này là bạn phải tự tạo ra nó”, Giáo sư Angus Dalgleish nói.
Phát hiện trên khiến hai chuyên gia kết luận "khả năng Covid-19 là kết quả của quá trình tự nhiên là rất nhỏ". "Nếu đại dịch do virus tự nhiên gây ra, nó sẽ biến đổi dần và trở nên dễ lây lan hơn, nhưng ít gây bệnh hơn. Đó là điều nhiều người dự đoán ở đại dịch Covid-19, nhưng dường như đã không xảy ra", họ cho hay.
Trên cơ sở nghiên cứu khoa học của mình, giáo sư Angus Dalgleish và tiến sĩ Birger Sørensen kết luận Covid-19 không có nguồn gốc trong tự nhiên mà được tạo ra tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc). Họ khẳng định Trung Quốc "cố ý phá hủy, che giấu hoặc làm sai lạc dữ liệu".
Phát hiện của hai chuyên gia này khiến cộng đồng khoa học "dậy sóng", bởi phần lớn các nhà khoa học cho đến gần đây vẫn khẳng định SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên, lây từ dơi hoặc một loài vật khác sang người.
Virus Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại hơn 10.300 tỷ USD
Kế từ khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được công bố ở Vũ Hán vào cuối năm 2019 đến nay, tổng số ca nhiễm trên toàn cầu đã tăng lên hơn 190 triệu ca, trong đó có hơn 4 triệu ca tử vong. Bên cạnh đó thiệt hại về kinh tế toàn cầu cũng rất kinh hoàng.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ước tính tổng cộng, trong năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 10.300 tỷ USD.
Mức suy giảm kinh tế do đại dịch Covid-19 được Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính trên cơ sở tính toán tương đương những gì từng được ghi nhận trong cuộc Đại suy thoái hồi năm 1930 và trong hai cuộc chiến tranh thế giới.
Tháng 2 năm ngoái, khi mối đe doạ của đại dịch Covid-19 chưa hiện hữu, WB đã dự báo GDP toàn cầu tăng 2,5% trong năm 2020, đạt mức 86.000 tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế so với con số đó, GDP toàn cầu năm 2020 đã giảm 6,6%, tương đương khoảng 5.600 tỷ USD.
Báo cáo của WB cho thấy nền kinh tế thế giới có thể sẽ phát triển nhanh một cách không bình thường trong năm 2021 nhờ việc triển khai vaccine phòng ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, ngay cả khi dự báo này đúng và không có thêm biến cố nào xảy ra, sản lượng kinh tế thế giới năm 2021 vẫn sẽ thấp hơn 5,3% tương đương 4.700 tỷ USD so với dự báo của WB trước khi đại dịch xảy ra.
Tổng cộng, trong năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 10.300 tỷ USD.
Hiện chỉ có Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có quy mô GDP hàng năm vượt ngưỡng 10.000 tỷ USD.
Nếu quy đổi mức thiệt hại 10.300 tỷ USD, con số này bằng giá trị vốn hoá của 10 tập đoàn niêm yết lớn nhất trên thế giới, gồm: Amazon, Apple và Saudi Aramco.
Theo WB, khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) chịu tổn thất trên 2.000 tỷ USD và Hoa Kỳ chịu thiệt hại khoảng 1.700 tỷ USD do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong số các quốc gia đang phát triển, Ấn Độ chịu mức thiệt hại lớn nhất, khoảng 950 tỷ USD. Mặc dù nền kinh tế của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với nền kinh tế của Ấn Độ, nhưng nước này có mức thiệt hại thấp hơn, khoảng 680 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngay cả những con số thiệt hại khổng lồ trên cũng là chưa đầy đủ. Thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra sẽ không chỉ giới hạn trong năm nay và năm ngoái. Ngân hàng Thế giới dự kiến GDP toàn cầu năm 2022 sẽ vẫn thấp hơn 4,4% so với mức mà ngân hàng này dự báo trước đại dịch.
WB lo ngại với tổn hại lâu dài đối với đầu tư, nguồn nhân lực và do đó có thể là tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Tổ chức này cũng lo ngại rằng các khoản nợ mà các chính phủ và công ty đã vay để vượt qua đại dịch COVID-19 có thể gây hại cho tăng trưởng trong tương lai.
Cựu Tổng thống Donal Trump khi phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng hòa ở thành phố Greenville (Bắc Carolina, Mỹ) vào ngày 5-6-2021 đã yêu cầu Trung Quốc bồi thường 10.000 tỉ USD thiệt hại cho nước Mỹ và thế giới do sai lầm trong quản lý virus gây ra dịch bệnh COVID-19.
"Đã đến lúc Mỹ và thế giới yêu cầu giới lãnh đạo Trung Quốc bồi thường và chịu trách nhiệm. Chúng ta phải cùng lên tiếng đòi Trung Quốc trả giá. Mỹ cần lập tức thực hiện các bước áp thuế 100% lên mọi hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc", ông Donald Trump phát biểu.
Cựu Tổng thống Donald Trump là người từng nghi ngờ virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19) thoát ra ngoài từ phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ông mạnh mẽ đưa ra yêu cầu như trên sau khi báo chí công bố nghiên cứu của chuyên gia về ung thư người Anh, giáo sư Angus Dalgleish, và nhà khoa học Na Uy, tiến sĩ Birger Sørensen cho thấy họ đã tìm được bằng chứng ban đầu cho thấy virus SARS-CoV-2 được tạo ra từ phòng thí nghiệm.
Ngô Kỳ (TPHCM)
08:47 21/07/2021
Thế giới thiệt hại 10.300 tỷ USD. Còn Việt Nam bao nhiêu tỷ USD ?
Trần Quốc Quỳnh (Bình Phước)
08:46 21/07/2021
Các cơ quan của Liên hợp quốc không làm sáng tỏ việc này thì ai là ? Thật sốc khi đọc con số tử vong và thiệt hại kinh tế toàn cầu.