TP. HCM: Đề xuất nhiều chính sách gỡ “nút thắt” để giao thông thủy phát triển xứng tầm

Thiên Kim

09/08/2021 14:22

Theo thống kê của Sở GTVT TP. HCM, hệ thống đường thủy trên địa bàn TP. HCM có tổng chiều dài 975km, mặc dù điều kiện sông nước tự nhiên có nhiều thuận lợi, thế nhưng giao thông vận tải đường thủy vẫn chưa phát triển tương xứng, bởi nhiều khó khăn nội tại chưa được tháo gỡ.

Cụ thể, hệ thống đường thủy tại TP. HCM có tổng chiều dài 975km, đạt mật độ bình quân 0,181km/1.000 dân và đạt 0,465 km/km2. Tính ra, mật độ đường thủy đạt bằng 73% so với ĐBSCL, khu vực vốn dĩ có mật độ đường thủy cao nhất nước. TP hiện đang có 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương, với chiều dài 598,7km và 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, với chiều dài hơn 100km.

duong-thuy-1628412267.jpg
Giao thông đường thủy còn nhiều tiềm năng để phát triển (ảnh minh họa)

Mặc dù điều kiện sông nước tự nhiên có nhiều thuận lợi, tuy nhiên, giao thông vận tải đường thủy của thành phố vẫn chưa phát triển tương xứng, bởi nhiều khó khăn nội tại. Trong đó, khó khăn tiêu biểu là tình trạng vướng các công trình vượt sông, bởi vì các công trình vượt sông ấy đều được xây dựng từ lâu.

Thực tế này khiến cho năng lực vận tải đường thủy nội địa của TP. HCM chỉ đạt 40% so với đường bộ. Không chỉ riêng TP. HCM, mà tình trạng trên là thực trạng chung của cả nước.

Để tháo gỡ các khó khăn, Sở GTVT TP. HCM cho rằng, cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho giao thông thủy nội địa. Đặc biệt là kinh phí cho các dự án cải tạo, xây dựng hệ thống kè chống sạt lở, chỉnh trang, nạo vét lòng sông.

Theo thống kê, trong 5 năm qua, tổng vốn đã và đang đầu tư cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy khoảng 1.488 tỉ đồng, trong khi con số đó dành cho đầu tư mạng lưới giao thông đường bộ là 27.272 tỉ đồng. 

Bên cạnh những “nút thắt” trên, thành phố hiện cũng chưa có quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn. Chưa có cơ chế khai thác, phát triển kinh tế ven sông kênh rạch phục vụ du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, tham quan thắng cảnh trên sông và dọc sông…

cang-cat-lai-tphcm-qua-tai-container-do-dich-covid-19-1628412267.jpg

Nhanh chóng gỡ “nút thắt” để giao thông đường thủy phát huy hết lợi thế sẵn có (ảnh minh họa)

Để phát triển tương xứng với tiềm năng, Bộ GTVT đã đề xuất dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa gồm 12 điều.

Cụ thể, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế có ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giúp kết nối hiệu quả giao thông vận tải đường thủy nội địa với các cảng biển chính (nhằm phù hợp với thực tế); ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để giải quyết nút thắt, điểm nghẽn về tĩnh không cầu trên các hành lang vận tải thủy chính theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo trình Thủ tướng còn đề xuất miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước. Giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 7 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã có dự án đầu tư, phát triển cảng thủy nội địa. Ưu tiên bố trí đất xây dựng cảng thủy nội địa khai thác hàng container ở khu vực phía Bắc và khu vực ĐBSCL.

Hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư đóng mới phương tiện thủy nội địa có trọng tải từ 1.500 tấn trở lên, phương tiện thủy nội địa chở hàng container, phương tiện thủy nội địa thuộc đối tượng của Nghị định số 111/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu…

Thiên Kim