Thử thách năm 2020 của ngành du lịch quốc tế Việt Nam

caodung

Dịch virus Corona (nCoV hay còn gọi là COVID-19) đã xua tan viễn cảnh tăng trưởng đầy lạc quan của ngành du lịch quốc tế Việt Nam năm 2020. Tuy vậy, vẫn còn thời gian để xoay trở tình hình.

Năm 2019 là một năm thành công của ngành du lịch Việt Nam với 18 triệu lượt khách quốc tế (theo Tổng cục Du lịch), tăng 16,2% so với năm 2018 và tiếp tục mức tăng trưởng ổn định liên tục trong nhiều năm qua (biểu đồ 1). Chính đà tăng trưởng đầy triển vọng này đã khiến Việt Nam tự tin đặt mục tiêu đón được 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020.

Biểu đồ 1: Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam qua các năm.  Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam
Biểu đồ 1: Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam qua các năm.
Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam

Tuy nhiên, sự bùng phát không ngờ đến của dịch virus Corona đã đánh một đòn phủ đầu vào sự lạc quan của ngành du lịch quốc tế, gây ra tổn thất lớn về doanh thu ngay dịp cao điểm đầu năm và thử thách sự chuyển biến của toàn ngành nhằm thích ứng với tình hình khó khăn năm nay.

Du lịch có xu hướng tăng trưởng vượt mức phát triển kinh tế

Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), từ năm 2008-2018, du lịch quốc tế có xu hướng phát triển vượt mức tăng trưởng kinh tế (biểu đồ 2).

Biểu đồ 2: Du lịch có xu hướng tăng trưởng vượt mức phát triển kinh tế. Nguồn: UNWTO và IMF (tháng Bảy, 2019)
Biểu đồ 2: Du lịch có xu hướng tăng trưởng vượt mức phát triển kinh tế.
Nguồn: UNWTO và IMF (tháng Bảy, 2019)

Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu tăng 4% bất chấp mức tăng trưởng GDP toàn cầu giảm xuống chỉ còn 2,4% (theo ước tính của Ngân hàng Thế giới). Theo dự đoán của UNWTO, năm 2020 vẫn không phải là ngoại lệ trong xu hướng phát triển vượt mức tăng trưởng kinh tế của ngành du lịch quốc tế.


Tại sao người dân vẫn đi du lịch bất chấp tình hình kinh tế ảm đạm? Ngoài yếu tố tâm lý, điều này có thể được giải thích dựa vào mức sống được nâng cao và du lịch trở thành nhu cầu thiết yếu, người trẻ có xu hướng ít tiết kiệm và mong muốn trải nghiệm nhiều hơn các thế hệ trước, sự bùng nổ của công nghệ và các hãng bay giá rẻ, khiến mọi người dễ dàng tiếp cận và lên kế hoạch du lịch phù hợp với túi tiền của mình.

Đây chính là nền tảng cho hy vọng phục hồi của ngành du lịch quốc tế Việt Nam năm 2020 trong tình hình tổn thất nghiêm trọng bởi trận “hắt hơi” của Trung Quốc kéo dài từ đầu năm nay.

Chuyển dịch thị trường

Theo tính toán của Tổng cục Du lịch, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm nay, lượng khách từ thị trường này có thể giảm từ 90-100%, tương đương với 1,7-1,9 triệu lượt khách và 1,8-2 tỉ USD doanh thu.

Để hình dung mức độ thiệt hại, toàn bộ doanh thu của ngành du lịch Việt Nam từ khách du lịch quốc tế năm 2018 là 10,08 tỉ USD theo số liệu của UNWTO, và 383 nghìn tỷ đồng theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam (chiếm 60,1% tổng doanh thu của ngành du lịch Việt Nam năm 2018). Tuy nhiên, việc đóng cửa thị trường này là điều không thể tránh khỏi nhằm đảm bảo an toàn của toàn bộ nền kinh tế và xã hội.

Để bù đắp thiệt hại, du lịch quốc tế Việt Nam cần mở rộng tiềm năng khai thác đến các thị trường còn mới như Ấn Độ và Trung Đông. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2019, số lượng khách đến từ Ấn Độ mới chỉ chiếm chưa đến 1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Với sự ra mắt của hai đường bay thẳng từ Hà Nội và TP. HCM đến Ấn Độ của hãng hàng không giá rẻ Indigo vào tháng Mười 2019, việc mở rộng thị trường này là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, để thực hiện được việc chuyển dịch thị trường du khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam phải nâng cao năng lực phục vụ, từ việc phổ biến kiến thức về khác biệt văn hóa cho nhân viên nhà hàng, khách sạn, đến việc chuẩn bị các món ăn, nơi lưu trú cho người Hồi giáo.

Đẩy mạnh doanh thu thay vì tăng số lượt khách

Khi nhìn vào các con số thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, từ năm 2010 đến 2018, so với khu vực Đông Nam Á, tuy Việt Nam có tỉ lệ tăng trưởng về số lượng khách quốc tế cao nhất, nhưng thị phần doanh thu từ du lịch quốc tế chỉ đứng thứ ba trong khu vực này, ở mức 2,3%, thua xa nước dẫn đầu là Thái Lan với tỉ lệ 14,5 %.

Điều này chứng tỏ một thực trạng đáng buồn của du lịch Việt Nam là khách thì đông hơn mà doanh thu tăng không đáng kể. Để thay đổi thực trạng này, ngành du lịch quốc tế cần đầu tư chất xám nhiều hơn để tăng cường các sản phẩm mua sắm và dịch vụ trải nghiệm cho khách nước ngoài như các trò chơi mạo hiểm, trekking, khám phá văn hóa bản địa, v.v khi du lịch tại Việt Nam.

Việc nâng cao trình độ ngoại ngữ giúp khách du lịch khám phá trọn vẹn văn hóa bản địa hay những nét độc đáo của nhiều vùng miền Việt Nam, cũng là yếu tố quan trọng để giữ chân khách quốc tế lại lâu hơn, giúp tăng doanh thu cho các nguồn thu chính là vận chuyển, lưu trú và ẩm thực.

Nắm bắt các xu hướng mới

Năm 2019 là năm đánh dấu sự thay đổi lớn trong lĩnh vực lữ hành quốc tế, với sự sụp đổ của Thomas Cook, một trong những công ty du lịch lữ hành lâu đời nhất thế giới. Sự phá sản của công ty du lịch lữ hành 178 năm tuổi này là bài học cho ngành du lịch Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt các xu hướng du lịch mới của thế giới như du lịch một mình và du lịch tự túc, cũng như sự nổi lên của các hình thức đặt phòng và lịch bay trực tuyến.

Để kịp hòa nhịp với các xu hướng mới giúp khách quốc tế tăng mức độ chủ động và tự do khi lên kế hoạch du lịch, việc tăng cường quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết. Tiếp cận khách hàng trên nền tảng phân tích dữ liệu cũng là một cách để truyền thông điệp về Việt Nam như một điểm đến an toàn, mới mẻ và phù hợp đến từng cá nhân du khách quốc tế tiềm năng.

Trong bối cảnh ngành du lịch quốc tế toàn khu vực chấp nhận thiệt hại trong đầu năm và dồn toàn lực để phục hồi sau khi dịch virus Corona được dập tắt, nếu không thực hiện được việc nắm bắt xu hướng mới này, Việt Nam dễ dàng để mất thị phần cũng như doanh thu du lịch quốc tế vào tay những người chơi năng động và chuyên nghiệp hơn trong khu vực như Thái Lan và Singapore.

Tóm lại, việc bùng phát dịch virus Corona ngay từ những ngày đầu năm vẫn có thể tạm xem là cơ hội, để ngành du lịch Việt Nam còn đủ thời gian nâng cao năng lực và xoay chuyển tình thế trong năm nay, cũng như chuẩn bị tốt hơn cho những năm sau đó. Theo lời ông Trần Long, công ty tư vấn Plenum về sự phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh thì “Người dân bị tù túng lâu ngày sẽ kéo nhau đến các cửa tiệm và nhà hàng”. Và có lẽ, cả đi du lịch.

Ngày 1/2/2020, Cục Hàng không Việt Nam đã huỷ toàn bộ phép bay đã cấp và không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không của Việt Nam và Trung Quốc khai thác các đường bay giữa hai quốc gia do ảnh hưởng của dịch virus Corona. Ước tính thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay của các hãng hàng không Việt Nam lên tới khoảng hơn 10.000 tỉ đồng.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam năm 2019, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm gần 80% tổng lượng khách. Do vậy, con số ước tính 10.000 tỉ đồng do việc dừng các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc không phải là thiệt hại riêng của ngành hàng không, mà còn liên đới ảnh hưởng đến ngành du lịch, vì doanh thu từ việc di chuyển cũng là một trong ba nguồn doanh thu lớn nhất của du lịch quốc tế Việt Nam.


Cao Dung

caodung