Chỉ tiêu doanh thu của doanh nghiệp
Doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền là ba trụ cột chính và cơ bản mà anh chị chủ doanh nghiệp cần quan tâm. Trong đó, khi nhắc đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thông thường chúng ta sẽ nghĩ đến doanh thu. Phần lớn mọi người đều nắm được doanh thu là gì song không phải tất cả mọi người đều nắm được tầm quan trọng của doanh thu.
Để tồn tại được thì doanh nghiệp phải có doanh thu bởi nếu hàng hóa làm ra / nhập về cứ ứ đọng ở đó, không tạo ra doanh thu thì sẽ không có tiền để chi trả các khoản chi phí như chi phí cố định, chi phí văn phòng… Suy cho cùng, đại dịch Covid gây ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu doanh thu, nguồn thu không đủ bù chi khiến doanh nghiệp gặp thiệt hại nặng nề.
Như vậy, điều kiện đầu tiên đối với doanh nghiệp là phải có doanh thu.
Chỉ tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp
Điều kiện thứ hai là doanh nghiệp phải có lợi nhuận, bởi lẽ thứ cuối cùng mà doanh nghiệp thu về là lợi nhuận. Có doanh thu lớn mà lợi nhuận âm thì hoạt động kinh doanh thực tế cũng không hiệu quả.
Khi làm kinh doanh, quan tâm đến lợi nhuận là điều tất yếu. Xem xét đánh giá lợi nhuận không chỉ là tìm hiểu xem hoạt động kinh doanh đã tạo ra bao nhiêu lợi nhuận mà còn từ những thông số này đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp, định hướng doanh nghiệp đến những thành công mới.
Chỉ tiêu dòng tiền của doanh nghiệp (ra & vào)
Tuy nhiên, có doanh thu, có lợi nhuận mà nhiều doanh nghiệp vẫn rơi vào trạng thái nguy hiểm hoặc thậm chí phá sản? Lý do vì sao? Điều kiện thứ 3 – yếu tố dòng tiền chính là lý giải cho tình trạng này. Dòng tiền của doanh nghiệp phải đảm bảo dương, tức là dòng tiền thu về lớn hơn dòng tiền chi ra.
Lấy ví dụ:
- Doanh nghiệp A bán được 100 tỷ hàng hóa / 1 năm, nhưng phần lớn đều là hàng bán chịu, người mua chưa trả tiền, quản lý công nợ không tốt. Nếu gặp rủi ro như: không thu hồi được nợ từ người mua trong khi các khoản nợ phải trả đến hạn thanh toán, DN rất dễ gặp nguy cơ phá sản.
- Doanh nghiệp B chỉ bán được 50 tỷ hàng hóa / 1 năm, nhưng doanh nghiệp B quản lý công nợ tốt, chính sách tốt và biết cách lựa chọn khách hàng. Doanh nghiệp B vẫn hoạt động hiệu quả hơn doanh nghiệp A dù doanh thu của doanh nghiệp B thấp hơn doanh nghiệp A.
Về quản lý dòng tiền, yếu tố này liên quan nhiều đến năng lực quản lý doanh nghiệp. Năng lực quản lý chưa tốt thì có lãi cũng chưa chắc đã có tiền và ngược lại. Ngược lại, có những doanh nghiệp quản lý dòng tiền cực tốt nhưng kinh doanh lại không tốt. Năng lực quản lý dòng tiền tốt nhưng doanh thu và lợi nhuận chưa đảm bảo thì cũng không có kết quả kinh doanh tốt được.
Như vậy, doanh thu – lợi nhuận – dòng tiền là 3 chỉ tiêu quan trọng hàng đầu mà doanh nghiệp cần quan tâm và không thể tách rời nhau. Các chỉ số này được theo dõi trên báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp.
Tiếp theo, CEO/Chủ doanh nghiệp cần nắm các chỉ số tài chính sâu hơn để thực sự hiểu “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp, đánh giá hoạt động tài chính đang có vấn đề ở đâu để đưa ra giải pháp điều chỉnh kịp thời.
Chỉ số tỷ suất thu hồi vốn chủ sở hữu (ROE)
Để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp, chúng ta sử dụng chỉ số ROE. Công thức tính ROE: Lợi nhuận sau thuế /Vốn chủ sở hữu bình quân, trong đó vốn chủ sở hữu bình quân có thể được tính bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như lấy giá trị vốn chủ sở hữu đầu kỳ và cuối kỳ, hoặc lấy giá trị vốn chủ sở hữu cuối quý/tháng/năm chia cho 2, 4 hoặc 12 tùy theo yêu cầu chi tiết hơn.
Chỉ số này cho biết bao nhiêu đồng lợi nhuận được thu về từ mỗi 100 đồng vốn chủ sở hữu. ROE cao hơn cho thấy doanh nghiệp có khả năng thu hồi vốn chủ sở hữu lớn hơn.
Mục tiêu của các doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận và quan trọng là quan tâm đến lợi nhuận tính trên vốn chủ sở hữu đã đầu tư (lợi nhuận tính trên doanh thu chỉ là hiệu quả hoạt động kinh doanh). ROE cũng có thể được sử dụng để so sánh giữa các doanh nghiệp không cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. ROE tối thiểu phải lớn hơn lãi suất trung và dài hạn của ngân hàng thương mại để đảm bảo rằng đầu tư vào doanh nghiệp có lợi hơn việc gửi tiền vào ngân hàng. Khi đầu tư vào doanh nghiệp, rủi ro cao hơn nhiều lần so với việc gửi tiền, và ngân hàng thường yêu cầu tài sản đảm bảo hoặc ưu tiên trả nợ trước khi tính đến lợi ích của chủ sở hữu.
Hệ số nợ của doanh nghiệp
Công thức tính hệ số nợ là: Nợ phải trả/Tổng nguồn vốn. Đối với doanh nghiệp nhà nước, hệ số nợ không được vượt quá 75% theo quy định của Luật số 69 QH13. Đối với doanh nghiệp tư nhân, không có quy định cụ thể về hệ số nợ tối đa mà phụ thuộc vào từng ngân hàng.
Sử dụng đòn bẩy tài chính, tức là sử dụng nợ, là một cách để doanh nghiệp tăng hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, việc sử dụng nợ cũng mang đến nhiều rủi ro. Ngân hàng có thể tăng hệ số nợ lên đến 80-85% đối với doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, và yêu cầu giảm hệ số nợ ngay lập tức đối với doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Sử dụng nợ đúng cách sẽ tăng ROE, nhưng nếu không sử dụng nợ hiệu quả, doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro.
Tỷ số sinh lời cơ sở (BEP)
Tỷ số sinh lời cơ sở, còn gọi là BEP là một chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả sử dụng mỗi đồng nợ vay. Để đánh giá hiệu quả này, chúng ta không thể sử dụng ROE hoặc ROA vì cả hai chỉ số này tính lợi nhuận sau thuế. Thay vào đó, chúng ta sử dụng lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) để đo lường hiệu quả sử dụng mỗi đồng nợ vay. Công thức tính BEP là:
BEP (tỷ số sinh lời cơ sở) = EBIT / Tổng nguồn vốn
Chỉ số này cho biết mỗi 100 đồng vốn đang được sử dụng vào hoạt động kinh doanh sẽ tạo ra bao nhiêu lợi nhuận trước lãi vay và thuế. Chúng ta sử dụng BEP để so sánh với chi phí sử dụng nợ vay bình quân.
Nếu BEP lớn hơn chi phí sử dụng nợ vay bình quân, điều đó cho thấy doanh nghiệp đang có trạng thái đòn bẩy tài chính tích cực, tức là đang sử dụng nợ một cách hiệu quả. BEP có thể coi là chỉ tiêu duy nhất để đánh giá trực tiếp sức khỏe tài chính doanh nghiệp.
Khả năng thanh toán hiện hành (CR)
Khả năng thanh toán hiện hành (CR) là chỉ số đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại. Công thức tính CR như sau:
Khả năng thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn
Tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn đều là các chỉ tiêu liên quan đến thanh khoản. Chỉ số CR cho biết mỗi đồng nợ ngắn hạn được đảm bảo thanh toán bằng bao nhiêu đồng tài sản ngắn hạn. Khi CR > 1, điều đó cho thấy doanh nghiệp có khả năng thanh toán nợ ngắn hạn tốt. Ngược lại, nếu CR < 1, thì doanh nghiệp có khả năng thanh toán nợ ngắn hạn kém.
Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh
Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh là sự chênh lệch giữa dòng tiền thu và dòng tiền chi của doanh nghiệp. Để đánh giá khả năng thanh toán nợ, chỉ số khả năng thanh toán hiện hành không phải là một chỉ tiêu duy nhất mà chúng ta cần quan tâm. Chúng ta cần xem xét cả lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh. Nếu lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh (dòng tiền thu về - dòng tiền chi) lớn hơn 0, điều đó cho thấy doanh nghiệp có khả năng thanh toán nợ ngắn hạn tốt. Ngược lại, nếu lưu chuyển tiền âm (dòng tiền thu về - dòng tiền chi) nhỏ hơn hoặc bằng 0, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp sẽ kém.
Vòng quay hàng tồn kho
Vòng quay hàng tồn kho là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá tình hình tài chính của một doanh nghiệp. Để đánh giá hiệu quả quản lý hàng tồn kho, chúng ta sử dụng chỉ số vòng quay hàng tồn kho. Công thức tính là:
Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán / Hàng tồn kho bình quân.
Để tính số ngày lưu kho bình quân nếu tính theo tháng, ta dùng công thức: Số ngày lưu kho bình quân = 30 / Vòng quay hàng tồn kho (theo tháng).
Nếu tính theo năm, công thức sẽ là:
Số ngày lưu kho bình quân = 365 / Vòng quay hàng tồn kho (theo năm).
Vòng quay hàng tồn kho càng cao, hiệu quả quản lý hàng tồn kho càng tốt hoặc số ngày lưu kho bình quân sẽ giảm. Dựa vào số ngày lưu kho này, doanh nghiệp có thể ước lượng số ngày cần để nhập hàng mới.