Theo báo cáo của FiinRatings, tính đến ngày 5/2 thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 4 giao dịch phát hành với tổng giá trị 6.450 tỷ đồng từ 4 doanh nghiệp gồm: Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM phát hành 2.800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi; Tập đoàn Vingroup phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng; Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vận tải phát hành 450 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.
FiinRatings đánh giá, mặc dù giá trị phát hành trong tháng 1/2024 khá khiêm tốn, nhưng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 với tổng giá trị phát hành chỉ ở mức 490 tỷ đồng.
Tuy vậy, nếu so với giai đoạn năm 2021 và 2022, tổng giá trị chào bán thành công trong tháng 1/2024 còn quá khiêm tốn so với con số 10.400 tỷ đồng của năm 2021 và 19.700 tỷ đồng của năm 2022.
Trong tháng 1/2024, tổng giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ đạt 74.500 tỷ đồng, giảm 24,5% so với mức bình quân tháng 12/2023. Trái phiếu ngân hàng vẫn là nhóm được giao dịch sôi động nhất ở cả các kỳ hạn ngắn và dài hạn, thậm chí trên 7 năm. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu được kinh doanh với những kỳ hạn ngắn hoặc dưới 3 năm và bổ phiến nhất là kỳ hạn còn lại ở mức 6 - 12 tháng.
Về lãi suất giao dịch trên thị trường hay tỷ suất đáo hạn trái phiếu, hiện dao động ở mức 5 - 7% đối với trái phiếu của các ngân hàng lớn tùy theo kỳ hạn còn lại. Trong khi đó, tỷ suất đáo hạn trái phiếu của các lô trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính dao động phổ biến ở mức 7 - 12% tùy theo mức độ rủi ro hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp.
Theo thông tin hiện hành, một số doanh nghiệp đã có kế hoạch phát hành trái phiếu thời gian tới, như HB Bank, VietBank và 2 doanh nghiệp bất động sản gồm Vingroup và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển (DIG).
Dự báo cả năm, FiinRatings nói khó đoán được giá trị phát hành nhưng có triển vọng kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp sôi động hơn 2023, vì 4 lý do.
Đầu tiên, các ngân hàng sẽ có kế hoạch phát hành trái phiếu để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 (dự kiến 15% toàn hệ thống) và các năm tiếp theo. Việc bổ sung vốn cũng sẽ gia tăng vốn cấp 2 và góp phần đáp ứng tốt hơn các chỉ tiêu về an toàn vốn và quản trị rủi ro của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ hai, môi trường lãi suất thấp và thuận lợi cho huy động vốn dài hạn. Thứ ba, nguồn cung trái phiếu sẽ được mở rộng. Và cuối cùng là niềm tin của nhà đầu tư từng bước được cải thiện, FiinRatings đã ghi nhận sự tham gia nhất định của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào một số lô trái phiếu riêng lẻ phát hành bởi những doanh nghiệp đầu ngành.
Tính đến ngày 2/2, trong tổng số 1,24 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, có khoảng 1,1 triệu tỷ đồng là trái phiếu riêng lẻ. Trong đó, nếu loại bỏ 384.500 tỷ trái phiếu ngân hàng, thì số dư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu hành là 722.780 tỷ đồng phát hành bởi các tổ chức phi ngân hàng.
Trong số này, một số rủi ro đến từ trái phiếu bất động sản có số dư ở mức 382.000 tỷ đồng; trái phiếu ngành xây dựng và vật liệu ở mức 72.500 tỷ đồng và trái phiếu ngành du lịch và giải trí ở mức 75.800 tỷ đồng.