Thị trường ô tô Việt cuối năm 2020 đánh mất "bản sắc" độc đáo vì Covid

minhtam

13/12/2020 07:57

Giảm giá sâu, tấp nập sự kiện lớn, mua bia kèm lạc,... là những cụm từ vẽ lên bản sắc độc đáo mùa cao điểm thị trường ô tô Việt những năm về trước còn bây giờ đã khác!

Dịch Covid-19 tạo ra bầu không khí ảm đạm bao trùm. Chưa năm nào thị trường ô tô Việt được ví như một bức tranh đơn điệu, nhạt nhòa như năm 2020:

Cuộc chiến giảm giá... hạ nhiệt

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là kết thúc năm 2020, các hãng xe cố gắng hoàn thiện những chiến lược cuối cùng, hướng đến một kết quả kinh doanh khởi sắc. Đồng hồ đếm ngược từng giờ khép lại chương trình hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ. Tất cả như thúc giục khách hàng hòa vào không khí mua sắm rộn ràng, nóng bỏng.

Thị trường ô tô Việt cuối năm 2020 đánh mất "bản sắc" độc đáo vì Covid 1

Thị trường ô tô Việt cuối năm 2020 đánh mất "bản sắc" độc đáo vì Covid.

Năm ngoái, cuộc chiến giảm giá ô tô thiết lập nhiều kỷ lục với mức giảm sâu nhất lên tới 300 triệu đồng. Nhiều dòng xe phổ thông giảm tới 100 triệu đồng như Nissan Terra bản V, Toyota Fortuner, Toyota Innova E, Mazda CX-5 (bản cũ), Chevrolet Trailblazer...

Năm nay, không khí trùng xuống vì dịch Covid - 19. Nhận thấy sức mua tăng trở lại, các đại lý bắt đầu cắt giảm ưu đãi sau thời gian vắt kiệt sức lực đối phó với tháng "Cô hồn" và dịch Covid. Chính vì thế, năm 2020 sẽ khác so với mọi năm. Khách hàng không hưởng nhiều ưu đãi khủng.

Trước mùa cao điểm, một số mẫu xe phổ thông như Toyota Vios ưu đãi tới 20 - 25 triệu đồng nay chỉ còn 10 - 15 triệu đồng. Hyundai Accent cũng giảm từ mức 10 - 15 triệu đồng xuống còn 5 - 7 triệu đồng, tùy phiên bản.

Trong khi đó, Thaco dừng tặng bảo hiểm thân vỏ cho khách mua xe Mazda 3, bỏ ưu đãi giảm giá đối với Kia Seltos hay Kia Sorento. Mercedes-Benz không mạnh tay giảm giá cho các dòng xe lắp ráp trong nước.

Không triển lãm ô tô, ra mắt xe rầm rộ

Gian hàng ô tô Nissan tại triển lãm VMS 2019 1

Gian hàng ô tô Nissan tại triển lãm VMS 2019.

Những năm trước, các hãng xe chờ Triển lãm ô tô Việt Nam (VMS) diễn ra để giới thiệu xe mới, thúc đẩy cho cuộc chạy đua doanh số cuối năm. Năm nay, VMS không diễn ra. Những buổi ra mắt xe được tổ chức chủ yếu dưới hình thức online hoặc âm thầm ra mắt trên Website của hãng.

Hết thời bán xe "kèm lạc"

Bán xe "kèm lạc" có nghĩa là khách hàng mua xe phải chi thêm một khoản tiền để mua phụ kiện mới được giao xe sớm. Giá trị bộ phụ kiện từ vài chục đến trăm triệu, tùy vào độ HOT của chiếc xe. Những năm trước, hiện tượng này diễn ra ở hầu hết các dòng xe.

Còn hiện tại, theo ghi nhận chỉ có một số mẫu xe mới vừa ra mắt hoặc sắp ra mắt như Hyundai Accent 2021, Hyundai SantaFe 2021 hay Honda City mới có tình trạng này và số tiền mua phụ kiện không đáng kể so với những năm trước, "chênh" từ 10 - 15 triệu đồng.

Như vậy, dịch Covid-19 không chỉ hay đổi thói quen chi tiêu của khách hàng mà còn thay đổi mạnh mẽ toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam cuối năm 2019. Các hãng xe, đại lý chật vật thích ứng với sự biến đổi đột ngột này. Không khí cạnh tranh tẻ nhạt hơn nhưng chắc chắn nhiều khách hàng cảm thấy dễ chịu vì thoát được cảnh dài cổ chờ xe và đặc biệt không còn bức xúc vì phải mua xe kèm bộ phụ kiện "giá chát" như năm nào.

Nguồn ảnh: Ngô Minh

minhtam