Thay đổi tư duy lãnh đạo: Nhiệm vụ “bất khả thi”…(!?)

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Chuyên gia tái cấu trúc doanh nghiệp

02/10/2024 10:23

Đối với những người trưởng thành, đặc biệt là những nhà lãnh đạo đã có thành công, thì những chuyên gia tái cấu trúc DN hay các nhà đào tạo nghệ thuật quản trị chuyên nghiệp nên tránh dùng cụm từ “thay đổi tư duy”, và ngừng mong muốn họ sẽ thay đổi. Vì rất đơn giản, đó là tính cách, là văn hóa cá nhân đã được hình thành từ lâu... Vậy thì cách nào giúp họ có được kết quả mới, một khi họ không chịu thay đổi?

Năng lực văng hoá: Yếu tố “cốt lõi” trong quản trị doanh nghiệp

Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã được nghe nói nhiều về một loại năng lực đặc biệt cần phải có đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chuyên nghiệp đó là... “năng lực văn hóa”, nó tồn tại song song bên cạnh năng lực chuyên môn. Thật ra, “năng lực văn hóa” không phải là khái niệm mới mẻ hay bay bổng gì, nó đã tồn tại từ rất lâu sâu thẳm bên trong mỗi cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp được thể hiện ra bên ngoài bằng góc nhìn, hành vi và tính cách của nhà lãnh đạo hay chủ doanh nghiệp.

Văn hóa là khái niệm rộng lớn và hiện nay vẫn chưa có định nghĩa chính thức nào dành cho nó. Văn hóa có thể được hiểu nôm na là bản ngã của chính thể xoay quanh trục đạo đức hướng thiện: Chân – Thiện – Mỹ. Trong đó, đạo đức kinh doanh cũng là một loại văn hóa cần phải có dành cho chủ doanh nghiệp. Đôi khi, người ta hiểu sai về hai chữ “văn hóa” của chủ doanh nghiệp. Tuyệt đối không chỉ là... trình độ văn hóa, trình độ kiến thức hay trình độ hiểu biết.

1-cleanup-1727839137.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Văn hóa của chủ doanh nghiệp được hiện thực hóa, hữu hình một phần hay toàn phần trở thành văn hóa doanh nghiệp được áp dụng ngay tại doanh nghiệp của họ. Nếu, chủ doanh nghiệp có tư duy của một “con buôn” hay “trọc phú” thì văn hóa tại doanh nghiệp đó không dành cho người lao động có tư tưởng kinh doanh chân chính. Tính cách và phong cách lãnh đạo của chủ doanh nghiệp là một phần trong năng lực văn hóa của họ. Họ nhìn nhận sự vật, sự việc, hiện tượng bằng thế giới quan của họ trong bản ngã chấp mê thì khó có thể thay đổi cục diện doanh nghiệp theo định hướng phát triển dân chủ bền vững, lâu dài...

Như đã biết, trong môi trường kinh thương của bất kỳ quốc gia nào cũng luôn luôn tồn tại ba (03) thực thể song song: Con buôn, Trọc phú và Doanh nhân. Nếu so với mặt vật chất, có thể doanh nhân sẽ không giàu có bằng hai thực thể còn lại, nhưng tính bền vững và tính cam kết đối với người lao động, đối tác hay xã hội luôn luôn cao hơn. Thay vì thay đổi tư duy chủ doanh nghiệp hãy giúp họ nâng cao năng lực văn hóa, giúp họ có được thế gới quan rộng mở hơn với tư duy cầu thị, lắng nghe nhiều hơn.

Chủ doanh nghiệp thay đổi tư duy khi họ… ngã đau và quyết tâm phải thay đổi

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho chủ doanh nghiệp trở nên cố chấp và độc đoán. Hầu hết, họ không đặt niềm tin vào bất kỳ ai trong doanh nghiệp và lâu dần hình thành bản tính đa nghi, khó tiếp cận. Đó là tính cách tiêu cực của một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp mà theo mô tả được viết trong quyển sách “Con buôn, Trọc phú và Doanh nhân: Tư duy quản trị khác biệt” là biểu hiện tư duy “bất cần” và “duy nhất”. Đó là, tư duy sai lệch cần phải loại bỏ.

Không phải bất kỳ chủ doanh nghiệp nào cũng có được năng lực văn hóa tuyệt vời và nghệ thuật lãnh đạo ưu việt nếu như họ không tự nâng cấp năng lực bản thân mỗi ngày và không muốn cầu thị, lắng nghe. Trên thực tế, hầu hết các chủ doanh nghiệp đều không thừa nhận rằng công việc “lãnh đạo” là một nghề. Một khi đã gọi là “nghề” thì phải học và hiểu cặn kẽ bản chất của nghề.

37cea6aeedf64ea817e7-1718258320-1727839158.jpeg
Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Chuyên gia tái cấu trúc doanh nghiệp.

Với phong cách lãnh đạo chuyên quyền, độc đoán hiện nay của một bộ phận không nhỏ chủ doanh nghiệp tại Việt Nam có thể họ sẽ gặt hái thêm những thành công nhất định. Nhưng, chắc chắn nó sẽ không bền vững vì các nhân tài lần lượt “dứt áo ra đi” ngày một nhiều hơn trong những doanh nghiệp này. Lưu ý rằng, sức mạnh tập thể luôn luôn lớn hơn duy ý chí của một cá nhân.

Chủ doanh nghiệp tại Việt Nam ngày nay cần phải có tư duy “khai phóng” và nâng cấp bản thân, loại bỏ bản tính cố chấp, độc đoán và phong cách thích “ra lệnh” của một ông chủ không hơn, không kém để đưa ra những quyết sách mang tính “minh định”... Khai phóng là hoạt động tự thân bên trong con người của mỗi chủ doanh nghiệp, không nhiều người tác động được. Họ chỉ quyết tâm thay đổi tư duy quản trị khi và chỉ khi... ngã thật đau trên thương trường mà thôi.

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Chuyên gia tái cấu trúc doanh nghiệp