Tái chế thép mới là bền vững

thunguyen

02/01/2021 15:28

Thép phế liệu cần được xem là một loại tài nguyên. Hãy để dành quặng cho thế hệ mai sau.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng tái chế thép mới là hình thức sản xuất bền vững, thay vì khai thác quặng và sản xuất thép mới từ đầu. “Giảm khai thác quặng bằng cách tái chế thép về cơ bản tốt hơn rất nhiều cho môi trường” - ông Đa nhận xét. 
 
Sản xuất thép thường gắn liền với những vấn đề về ô nhiễm môi trường với lượng khí CO2 và các hợp chất độc hại được thải ra trong quá trình khai thác, nung quặng, luyện thép… Tuy nhiên, trên thực tế, thép lại là loại vật chất có thể tái chế tới 100% với chất lượng không đổi. Thép cũng là vật liệu phổ biến được sử dụng trong các công trình năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, thuỷ triều, địa nhiệt và gió. 
 
Hàng năm có khoảng 630 triệu tấn thép được tái chế, đưa nguyên liệu này đứng đầu trong nhóm các nguyên liệu được tái chế trên toàn cầu. Tuy nhiên, so với lượng thép được sản xuất gần 2 tỉ tấn mỗi năm, lượng thép tái chế mới chỉ chiếm khoảng 1/3. Trong khi đó, lượng thép phế liệu từ xác máy bay, ô tô, các thiết bị gia dụng,... vẫn đang không ngừng tăng lên hàng năm.
 
Quá trình tái chế thép vẫn đang gây lên những vấn đề về môi trường, tương tự như khi luyện thép. Tuy nhiên, kỹ thuật nung luyện thép và tái chế thép đang cải thiện từng ngày, giảm thiểu lượng chất thải có hại cho môi trường. Báo cáo của Hiệp hội Thép quốc tế cho biết trong vòng 50 năm qua, năng lượng để chế tạo một tấn thép đã được cắt giảm trên 60%. Với các kỹ thuật xử lý nước (dùng để làm lạnh trong quá trình nung, luyện), có tới 90% lượng nước cuối chu trình sản xuất đạt tiêu chuẩn nước sạch, phần còn lại là thất thoát. Năm 2017, việc thu hồi và sử dụng các sản phẩm phụ của ngành thép đã đạt tỉ lệ hiệu quả trên 96% nhờ những ứng dụng công nghệ hiện đại.
 
Tính toán của Hiệp hội Thép quốc tế cũng cho biết mỗi tấn thép sản xuất từ phế liệu có thể giúp nhà sản xuất tiết kiệm được 1,4 tấn quặng sắt, 740kg than (để nung quặng) và 120kg đá vôi.
 
Ông Nghiêm Xuân Đa cho biết tỷ lệ hiện thép tái chế tại Việt Nam đang rất thấp. Tính cả nhà máy thép Formosa và Nhà máy Thép Hoà Phát Dung Quất, tỷ lệ thép sản xuất lò cao (đốt từ quặng thay vì tái chế) tại Việt Nam ở vào khoảng 80%. 20% còn lại là các nhà máy tái chế thép từ thép phế, đa số được nhập từ nước ngoài. Điều đáng lo ngại là các nhà máy tái chế thép hiện có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, do đó lượng khí thải và chất độc hại phát sinh vẫn chưa được xử lý tốt. 
 
Thế giới đã đi rất xa trong công nghệ tái chế thép. Với đặc thù nguyên liệu là thép phế liệu, từ các máy móc, vật dụng lẫn nhiều tạp chất, các chất phi kim loại, việc phân tách để tạo thành nguyên liệu sạch nhất có thể là thách thức trong lĩnh vực tái chế thép. Với công nghệ ban đầu, người ta thường nung chảy và phân lớp các nguyên liệu nhờ vào khối lượng riêng khác nhau. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã sáng chế ra nhiều công nghệ phân tách triệt để và đơn giản hơn nhiều so với dùng nhiệt, đồng thời giảm lượng khí thải khi phân loại phế liệu.
 
Minh Thư

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Tái chế thép mới là bền vững" tại chuyên mục Công nghệ.