Sống chậm sẽ giúp con người cảm nhận hạnh phúc tốt hơn

Tường Thụy

28/07/2021 16:06

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng khuyên rằng, niềm vui và hạnh phúc hiện diện trong từng ngày của bạn, và chỉ cần bạn sống chậm lại, để tâm một chút bạn sẽ cảm nhận được.

Khoa học đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy căng thẳng (stress) có thể làm nhiều loại bệnh trầm trọng hơn. Vì vậy, con người phải có biện pháp hữu hiệu để chống lại stress để cảm nhận hạnh phúc và niềm vui hằng ngày, như cố gắng cười nhiều hơn hoặc điều khiển nhịp thở chậm lại và bước đi khoan thai thay vì đi như chạy.

Tôi từng nhận được đề nghị “lạ lùng” từ một người đã nghỉ hưu ở Úc và đủ tiền đi chơi ở nước ngoài ít nhất 2 lần/năm – là qua Việt Nam chơi cho biết nhưng không đến thành phố lớn, không ở khách sạn 5 sao, phòng khách sạn không cần Internet, không cần cả tivi. Vì thế, sau khi người đó đến TPHCM cùng bạn, tôi đưa về quê chơi, và chọn những chỗ hoang sơ đưa họ đến. Resort thì không thể đáp ứng yêu cầu “không Internet” của khách vì hệ thống wifi có sẵn, chỉ đáp ứng được yêu cầu không tivi bằng cách rút dây cáp ra và tạm đặt tivi vô một góc kín của phòng. Tôi hỏi khách vì sao không ở khách sạn 5 sao – câu trả lời là quá quen thuộc với môi trường giống như 5 sao trong cuộc sống hằng ngày rồi, nên đi chơi phải biết tận hưởng để sống chậm, và Internet hay tivi là không cần thiết.

Vì tình hình Covid 19 hiện nay đang khá căng thẳng nên người ta rất dễ stress nặng. Nếu so sánh lối sống nói chung trước khi Covid 19 xuất hiện ở Việt Nam, Lào và Campuchia, ta sẽ thấy 2 nước bạn sống chậm hơn nên cuộc sống tinh thần sẽ có phần tốt hơn, tự cảm nhận nhiều niềm vui hơn so với ở ta, dù nhiều người sẽ không đồng ý vì con số GDP bình quân đầu người thì Việt Nam cao nhất trong 3 nước.

Thật vậy, thủ đô Vientiane – thành phố đông dân nhất của Lào – khá yên bình. Ô tô cá nhân là phương tiện di chuyển phổ biến nhất ở đó, và khá ít xe máy (tất nhiên là có nhiều xe tuk tuk chở khách). Rất hiếm khi nghe tiếng còi xe (rất khác với các thành phố lớn tại Việt Nam lúc Covid 19 chưa xuất hiện); thời gian đèn đỏ rất lâu nhưng nếu đèn đã đỏ mà người đi bộ của hướng kia chưa băng qua hết thì dòng xe hơi vẫn yên lặng chờ cho qua hết. Nhịp sống nói chung chậm hơn ở Việt Nam, đường phố Vientiane sạch hơn và ít khói bụi hơn, thành phố được giữ gìn ngăn nắp, gọn gàng. Buổi tối đối với gia đình của người dân ở thủ đô xứ sở Triệu Voi hình như dài hơn so với ở Hà Nội, TPHCM? Nếu vậy, chắc chắn họ sẽ cảm nhận nhiều niềm vui hơn.

chua-sisaketv4-1627462804.jpg

Bên trong chùa Sisaket trên đường Lan Xang (Triệu Voi) ở Vientiane. Ảnh: GoWithGuide.com

Trong một đợt đi công tác tại Vientiane, buổi sáng đầu tiên tôi được đánh thức bằng tiếng chổi tre chầm chậm và khe khẽ. Thật ra thì âm thanh khá nhỏ nhưng vì xung quanh yên tĩnh nên nghe được. Tôi bước ra khỏi khách sạn, đi bộ về hướng ấy: chỉ bên kia đường thôi là một ngôi chùa lớn và một nhà sư mặc áo cà sa đang nhẹ nhàng quét lá khô. Trước mắt là một bức tranh cuộc sống đủ màu: xanh của cỏ cây, nâu thẫm của cội bồ đề, áo cà sa vàng nghệ, những bức tường của chùa vàng nhạt hơn, và màu đỏ đậm của mái chùa cong cong. Bình yên quá đỗi, và không khí sáng sớm rất trong lành giúp tinh thần sảng khoái.

Cũng thời gian trước Covid, tỉnh cực nam Champasak của Lào được khá nhiều khách du lịch Tây tìm đến vì có khu vực Siphandon (Bốn Ngàn Đảo) rất mát mẻ nhờ sông nước bao quanh và còn vắng vẻ, hoang sơ. Từng đi thuyền trên những nhánh sông Mekong ở Siphandon, tôi thấy nhiều khách nước ngoài nằm hẳn ngoài vườn của những căn bungalow gỗ để đọc sách thư giãn như những người rãnh rỗi nhất thế gian. Không cần phải sắm đủ tiện nghi hiện đại hay làm cả rừng bê tông để mang lại hạnh phúc.

siphandonv4-1627462912.jpg
Khung cảnh yên bình ở Siphandon, tỉnh Champasak - Lào. Ảnh: Internet

Xuôi xuống nữa là đến Campuchia, phía nam của Lào. Thủ đô Phnom Penh vẫn còn giữ được khá nhiều nét cổ kính pha trộn kiến trúc Khmer và kiến trúc Pháp. Nghĩa là người ta vẫn cố gắng giữ lại nhiều cái cũ, ví dụ như các hàng cây lâu năm trong thành phố, thay vì chặt bỏ để mở rộng đường hay làm cầu mới như ở Hà Nội và TPHCM. Muốn xây dựng hiện đại? Hãy chọn các khu vực phía nam của Phnom Penh, hay thành phố vệ tinh Takhmau thuộc Kandal (tỉnh khá rộng vì ôm trọn Phnom Penh ở giữa). Quy hoạch phát triển đó cho thấy một sự thật: phát triển hiện đại không có nghĩa phải bỏ đi hoàn toàn những giá trị cũ, mà là vừa cũ vừa mới. Cũng như cuộc sống, vừa phải tất bật kiếm sống nhưng phải sống chậm để cảm nhận được hạnh phúc dung dị hằng ngày.

Uống bia tại quán ở Phnom Penh (cũng phải nhắc lại: trước Covid 19) dường như cũng phải chậm hơn TPHCM. Với Sài Gòn-TPHCM, “chịu chơi” là phải hết ly/chai/lon không quá 2 lần uống, tức là hoặc 50% hoặc 100%. Kiểu tốc độ này chắc chắn không phải là để thưởng thức bia mà chỉ để say.

Trong khi đó, tại một quán bia lạnh lề đường trong khu vực Sisowath Quay dọc sông Tonle Sap, Phnom Penh, tôi và bạn đồng hành ngồi xuống và người phục vụ kiên nhẫn giới thiệu một số loại bia đã ướp lạnh (thường là không bỏ đá vào bia để khách có thể thưởng thức bia thay vì uống đá); rồi mang ra kèm theo một đĩa đậu phộng muối chiên giòn để khách nhâm nhi bia và nói chuyện thư giãn. Các bàn xung quanh cũng không có kiểu “1-2-3 dzô 100%” mà cứ chậm rãi uống. Nhân viên cũng không vội vàng xáp vào rót ra ly liên tục để đem chai khác tới vì đa số khách uống từ chai hay lon, nhân viên chỉ đến khi khách yêu cầu gì đó.

Tôi là người không thể uống hơn 1 chai bia mà không say, nhưng hôm đó nhâm nhi chầm chậm kiểu ấy cũng được 2 chai mà không bị say, vẫn đi bộ từ quán về nơi ở cách xa hơn 2km. Và như vậy, tự thấy hình như uống chậm và nói chuyện vui – không có “không say không về” – sẽ nhân văn hơn là “bottom up” 100%.

Tường Thụy