Phát triển nhà ở xã hội không chỉ là nhiệm vụ cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Chiến lược Phát triển Nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đặt mục tiêu xây dựng 100 triệu m2 diện tích sàn mỗi năm, trong đó ít nhất 20% diện tích sàn dành cho người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội được triển khai với tổng quy mô 593.428 căn, nhưng mới chỉ có 103 dự án hoàn thành với hơn 66.755 căn hộ. Số lượng này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Trước những khó khăn này, việc tìm kiếm các giải pháp thiết kế nhà ở xã hội tối ưu, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tiễn, tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ thi công là yêu cầu cấp thiết.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc nghiên cứu và đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia để tạo nguồn lực bền vững, hỗ trợ tài chính cho các dự án nhà ở giá rẻ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã từng bước đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch kinh tế - xã hội của mình, góp phần tăng tốc độ triển khai các dự án trên cả nước, nhằm thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
Theo ông Dũng, để thúc đẩy nhà ở xã hội, có 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau: (1) Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. (2) Lập kế hoạch triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, yêu cầu địa phương cam kết thực hiện. (3) Bố trí quỹ đất và quy hoạch nhà ở xã hội hợp lý, với hơn 9.737 ha đất đã được quy hoạch trên cả nước. (4) Thúc đẩy triển khai dự án nhà ở xã hội, với hơn 655 dự án đã và đang được triển khai từ năm 2021 đến nay. (5) Huy động nguồn vốn và cơ chế tài chính, bao gồm chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng và nghiên cứu các giải pháp bổ sung như Quỹ nhà ở quốc gia.
Bên cạnh đó, đối với mục tiêu giảm phát thải carbon của ngành Xây dựng, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam, thì hiện nay, ngành Xây dựng sử dụng khoảng 35% - 40% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia, trong đó chủ yếu là tiêu thụ điện. Đối với các công trình xây dựng tại Việt Nam, mức độ lãng phí năng lượng khá lớn, tuy nhiên cũng có nhiều tiềm năng về sử dụng năng lượng hiệu quả. Việc này sẽ giúp giảm chi phí vận hành và giảm lượng khí thải CO2, mang lại lợi ích về môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Do đó, xây dựng công trình, tòa nhà xanh, tiết kiệm năng lượng đang là xu hướng phát triển mà ngành Xây dựng hướng tới, với các công trình thiết kế thông minh, thân thiện môi trường, tiết kiệm điện năng đã và đang được xây dựng đưa vào vận hành trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong đó, các dự án, công trình nhà ở xã hội phát thải carbon thấp là một phần không thể thiếu.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Viện IBST) nhận định, các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn không chỉ đảm bảo an toàn kết cấu mà còn định hướng cho việc áp dụng các giải pháp thiết kế tối ưu, sử dụng vật liệu phù hợp, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian thi công. Thiếu đi một hệ thống tiêu chuẩn rõ ràng, đồng bộ, chúng ta sẽ khó có thể kiểm soát được chất lượng, tối ưu hóa nguồn lực và đảm bảo tính bền vững cho các công trình nhà ở xã hội.
Hiện, Viện IBST đã và đang tập trung vào việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, vật liệu thân thiện với môi trường và giải pháp thiết kế tối ưu nhằm hỗ trợ quá trình phát triển nhà ở xã hội xanh. Để triển khai thành công mô hình này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính và cộng đồng cư dân.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã nhấn mạnh, giải pháp công nghệ xây dựng bền vững và đòn bẩy tài chính sẽ giúp chủ đầu tư tối ưu hóa chi phí, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mà vẫn đảm bảo chất lượng. Theo đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần thiết phải có quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế nhà ở phát thải carbon thấp, tìm kiếm các giải pháp công nghệ và sự hợp tác quốc tế.
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia từ các trường đại học hàng đầu, bao gồm Đại học Melbourne và Đại học Curtin đã trình bày về Mạng lưới Nghiên cứu giảm carbon (RNDBI) và tiềm năng tín chỉ carbon cho các dự án nhà ở xanh, phát thải carbon thấp. Đại diện Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cũng chia sẻ về các cơ chế tài chính giúp các nhà phát triển và nhà đầu tư tiếp cận thị trường nhà ở xã hội xanh.