Tại khu ổ chuột lớn nhất Nairobi, thủ đô Kenya, do tuyệt vọng trong khi chờ phân phát bột mì và dầu ăn, người xếp hàng đã gây ra vụ giẫm đạp dẫn đến hai người chết và nhiều người bị thương.
Ở Ấn Độ, hàng nghìn công nhân xếp hàng hai ngày một lần để nhận bánh mì và rau xào tạm qua cơn đói.
Khắp nơi ở Columbia, các hộ nghèo treo quần áo và cờ đỏ trên cửa sổ và ban công – ra dấu hiệu họ đang bị đói.
“Chúng tôi không có tiền, và giờ chúng tôi cần sống được trước đã”, theo lời Pauline Karushi, người đã mất việc tại một cửa hàng trang sức ở Nairobi, và sống trong căn hộ hai phòng cùng với con và bốn người họ hàng khác. “Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải ăn rất dè xẻn”.
Đại dịch virus Corona mang nạn đói đến hàng triệu người khắp thế giới. Các biện pháp phong tỏa toàn quốc và giãn cách xã hội đang làm khô kiệt nguồn việc làm và thu nhập, và có thể làm gián đoạn sản xuất và phân phối lương thực – khiến hàng triệu người lo lắng không đủ ăn.
COVID-19 đôi khi được gọi là đại dịch công bằng, vì cả người giàu lẫn người nghèo đều nhiễm bệnh như sau. Nhưng khi ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm, sự giống nhau này không còn. Chính người nghèo, chủ yếu ở các đất nước nghèo hơn, là người đang chịu cảnh đói và đối mặt với nguy cơ chết đói.
“Đại dịch COVID-19 chưa bao giờ công bằng”, theo Asha Jaffar, một tình nguyện viên phân phát thức ăn cho các gia đình ở khu ổ chuột Kibera thuộc Nairobi sau khi xảy ra vụ giẫm đạp chết người. “Đại dịch tiết lộ rất nhiều, kéo ngược tấm màn che dấu khoảng cách giàu nghèo và bộc lộ sự bất bình đẳng ở đất nước này sâu sắc đến mức nào.”
Trước đại dịch, vốn có đến 135 triệu người đang đối mặt với thiếu hụt lương thực trầm trọng. Giờ đây, 130 triệu người nữa có thể chịu cảnh đói vào năm 2020, theo Arif Husain, kinh tế trưởng tại Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), một cơ quan của Liên Hợp Quốc. Tổng cộng, dự đoán có 265 triệu người có thể bị đẩy đến bờ vực chết đói vào cuối năm nay.
“Chúng tôi chưa từng chứng kiến điều gì tương tự trước đây”, ông Husain cho biết. “Ngay từ đầu nạn đói đã trầm trọng, nhưng đại dịch còn khiến tình hình nguy khốn chưa từng thấy”.
Thế giới từng trải qua vài trận khủng hoảng lương thực trầm trọng, nhưng những lần trước chỉ ở quy mô khu vực và do một vài yếu tố gây ra: thời tiết khắc nghiệt, suy giảm kinh tế, chiến tranh hoặc bất ổn chính trị.
Khủng hoảng lần này, theo các chuyên gia, mang quy mô toàn cầu và do một loạt các yếu tố đi kèm với đại dịch và sự gián đoạn trật tự kinh tế: hàng triệu người không đếm xuể đột ngột mất đi nguồn thu nhập chỉ vừa đủ ăn, sự sụt giảm của giá dầu, thiếu nguồn thu vững chắc từ ngành du lịch, lao động nhập cư nước ngoài không có thu nhập gửi về quê nhà, và các vấn đề vẫn đang tiếp diễn như biến đổi khí hậu, bạo lực, mất cân bằng dân số và các thảm họa nhân đạo.
Từ Nam Mỹ đến Nam Phi đến Ấn Độ, các cuộc biểu tình và cướp bóc xảy ra do tuyệt vọng vì tình trạng phong tỏa và lo lắng nạn đói. Các trường học đóng cửa, hơn 368 triệu trẻ em mất đi bữa ăn dinh dưỡng thường nhận được ở trường.
Trên toàn cầu, không có sự thiếu hụt lương thực. Nạn đói quy mô lớn do đại dịch vẫn chưa xảy ra. Nhưng các vấn đề về logistics trong trồng trọt, thu hoạch và vận chuyển lương thực sẽ khiến các nước nghèo chịu cảnh đói trong vài tháng tới, đặc biệt là những nước phụ thuộc nguồn lương thực nhập khẩu, theo ông Johan Swinnen, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế ở Washington.
Trong khi hệ thống phân phối và bán lẻ thực phẩm ở các nước giàu có tổ chức và tự động hóa, ông Swinnenkể, các hệ thống này ở các quốc gia đang phát triển tập trung nhiều người lao động, khiến cho “các chuỗi cung ứng này càng dễ tổn thương hơn trước COVID-19 và trái ngược với quy định giãn cách xã hội”.
Thậm chí nếu vẫn chưa có tăng mạnh về giá lương thực, mức độ an ninh lương thực đối với người dân nghèo có thể xói mòn rất lớn trên toàn cầu. Điều này đặc biệt đúng với các nền kinh tế như Sudan và Zimbabwe, những nơi vốn đã chật vật trước đại dịch, hoặc những nước như Iran, quốc gia ngày càng dùng nhiều nguồn thu từ dầu mỏ để tài trợ các mặt hàng tối quan trọng như lương thực và thuốc men.
Ở Venezuela, đại dịch có thể là một cú đánh chí mạng đối với hàng triệu người vốn đang sống trong tình cảnh suy sụp kinh tế lớn nhất thế giới không tính thời chiến tranh.
Tại khu ổ chuột ngổn ngang đồ vật ở Petare, ngoại ô thủ đô Caracas (Venezuela), lệnh phong tỏa toàn quốc khiến Freddy Bastardo và năm người khác trong hộ gia đình mất việc làm. Nguồn thức ăn do chính phủ cung cấp, vốn được phát hai tháng một lần hồi trước đại dịch, đã hết sạch từ lâu.
“Chúng tôi đã nghĩ đến việc bán những món đồ không dùng đến trong nhà để có tiền ăn”, theo ông Bastardo, một nhân viên bảo vệ 25 tuổi. “Hàng xóm của tôi còn không hề có thức ăn, và tôi lo rằng nếu biểu tình xảy ra, chúng tôi sẽ không ra khỏi nhà được.”
Sự bất định về nguồn thức ăn cũng đang lớn dần lên ở Ấn Độ, nơi các công nhân được trả lương ngày và có ít hoặc không có bảo hiểm xã hội phải đối mặt với tương lai mà nạn đói là đe dọa cận kề thay vì virus Corona.
Khi tiền lương đã cạn kiệt, ước tính hơn nửa triệu người phải rời các thành phố để đi bộ về quê, bắt đầu một “cuộc di cư quy mô lớn nhất kể từ khi độc lập”, theo Amitabh Behar, giám đốc Oxfam Ấn Độ.
Vào một buổi tối mới đây, hàng trăm lao động nhập cư, những người bị kẹt lại ở New Delhi sau khi lệnh phong tỏa gấp rút được thực hiện vào tháng Ba, ngồi dưới bóng mát của chân cầu để đợi tiếp tế thức ăn. Chính quyền Delhi đã thiết lập các khu bếp nấu cháo hỗ trợ, nhưng những công nhân như Nihal Singh vẫn bị đối khi đoàn người thất nghiệp lũ lượt kéo đến các trung tâm này.
“Không phải virus Corona, mà là nạn đói sẽ giết chết chúng tôi”, ông Singh cho biết khi đang chờ được ăn bữa đầu tiên trong ngày. Những người nhập cư đứng xếp hàng đã đánh nhau để tranh giành dĩa cơm với đậu lăng. Ông Singh nói ông xấu hổ vì phải xin ăn nhưng không còn lựa chọn nào khác.
“Tình hình phong tỏa đã giẫm đạp lên danh dự chúng tôi”, ông nói.
Người tị nạn và những người sống ở vùng chiến sự có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Những lệnh giới nghiêm và hạn chế đi lại đã làm tiêu tan thu nhập ít ỏi của những người lầm nơi lạc chốn ở Uganda và Ethiopia, việc giao hạt giống, công cụ trồng trọt ở Nam Sudan và sự phân phát hỗ trợ lương thực ở Cộng Hòa Trung Phi. Các biện pháp ngăn chặn dịch ở Niger, nơi có gần 60 nghìn người tị nạn xung đột từ Mali, đã khiến giá thức ăn tăng đột biến, theo Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC).
Các tác động của hạn chế đi lại “có thể gây ra nhiều đau thương hơn chính dịch bệnh”, theo ông Kurrt Tjossem, phó chủ tịch khu vực Đông Phi, Ủy ban Cứu trợ Quốc tế.
Ahmad Bayoush, một công nhân xây dựng tại tỉnh Idlib phía bắc Syria, nói rằng anh và nhiều người khác đã đăng ký nhận lương thực từ các nhóm cứu trợ, nhưng vẫn chưa nhận được.
“Tôi nghĩ rằng nạn đói thực sự sẽ xảy ra nếu tình hình cứ tiếp tục thế này ở miền bắc”, Bayoush nói.
Đại dịch cũng làm giảm nỗ lực đối phó với dịch châu chấu lịch sử đang tàn phá phía Đông và Nam Phi. Bùng phát dịch lần này là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở khu vực này và đến ngay sau năm 2019, một năm đánh dấu hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng. Nhưng sự xuất hiện của hàng tỉ con côn trùng mới có thể làm an ninh lương thực nguy khốn hơn nhiều, theo Cyril Ferrand, giám đốc đội cứu trợ của FAO ở Đông Phi.
Các lệnh cấm đi lại và việc đóng cửa sân bay đang làm gián đoạn nguồn cung thuốc trừ sâu, theo ông Ferrand, là thứ có thể giúp hạn chế sự sinh sôi của châu chấu và cứu đồng ruộng và mùa màng.
Khi nhiều người lâm vào cảnh đói, còn một lo ngại ở nhiều quốc gia là thiếu lương thực sẽ dẫn đến bất ổn xã hội. Ở Columbia, cư dân của bang ven biển La Guajirra đã bắt đầu chặn đường để kêu gọi sự chú ý đến nhu cầu lương thực của họ. Ở Nam Phi, những kẻ bạo động đã đột nhập vào các cửa hàng thức ăn ở khu phố và đối đầu với cảnh sát.
Và thậm chí các gói cứu trợ lương thực từ thiện chỉ có thể tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh khi đoàn người kéo đến, như việc thực sự đã xảy ra ở thị trấn nhỏ của khu ổ chuột Kibera, Nairobi đầu tháng Tư.
“Người dân báo tin cho nhau và đổ xô đến”, theo Valentine Akinyi, người làm việc ở văn phòng chính phủ cấp quận nơi lương thực được phân phát. “Người dân mất việc làm. Điều đó đủ để biết họ đói đến mức nào.”
Để giảm nhẹ tác động của khủng hoảng, vài chính phủ đã cố định giá các loại thực phẩm, phân phán thức ăn miễn phí và lên sẵn kế hoạch để chuyển tiền cho các hộ nghèo nhất.
Tuy nhiên, các cộng đồng người trên khắp thế giới vẫn đang tự giải quyết vấn đề của mình. Một số kêu gọi quyên góp thông qua các nền tảng crowdfunding, số khác bắt đầu các chương trình mua bữa ăn cho các gia đình bị đói.
Một buổi chiều nọ, bà Jaffar và một nhóm những người tình nguyện lên đường ngang qua Kibera, mang theo các vật phẩm như đường, bột mì, gạo và băng vệ sinh đến hàng chục gia đình. Là một cư dân ở địa phương này, bà Jaffar kể rằng mình bắt đầu lái xe đi phát lương thực sau khi nghe câu chuyện nhiều gia đình phải để chính họ và con cái nhịn đói đi ngủ.
Chuyến xe chở lương thực cứu trợ đã đến được 500 gia đình. Nhưng vì số lượng những người đang cần giúp đỡ quá lớn, công sức của nhóm từ thiện “chỉ như muối bỏ bể”, theo bà Jaffar.
Theo The New York Times