Sản xuất nông nghiệp 4.0: Xu hướng phát triển bền vững và bài học từ Mỹ

Phạm Sơn

07/10/2022 14:37

Israel là quốc gia có điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, Hoa Kỳ chỉ có khoảng 1,3% dân số làm nông nghiệp nhưng đây là 2 quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới. Theo giáo sư Hà Tôn Vinh, bài học chung từ thành công của 2 quốc gia này mà Việt Nam cần học tập chính là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Trong buổi đối thoại xoay quanh nội dung "Nông nghiệp 4.0: Xu hướng phát triển bền vững", giáo sư Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo và Tư vấn Quản lý Stellar Management đã chia sẻ về những yếu tố giúp cho Hoa Kỳ có nền nông nghiệp hiện đại và thành công.

anh-1665126529.png

Giáo sư Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo và Tư vấn Quản lý Stellar Management

Theo giáo sư Hà Tôn Vinh, hiện nay tại Hoa Kỳ chỉ có 1.3% dân số làm nghề nông nhưng lại đóng góp khoảng 88% nhu cầu về nông sản của quốc gia này. Năng suất lao động của người nông dân Mỹ cũng rất cao khi mỗi người nông dân có thể canh tác diện tích lên đến cả 100 ha.  

Điều này có được là nhờ việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tự động hoá và cơ giới vào quá trình canh tác. Máy móc tự động theo lập trình hay drone được sử dụng phổ biến trong nông nghiệp Mỹ. Nhờ đó, người nông dân chủ yếu làm nhiệm vụ giám sát quá trình hoạt động của máy móc chứ không cần tốn công sức, thời gian như phương thức canh tác truyền thống. Việc này còn dễ dàng hơn nhờ có cơ sở dữ liệu công nghệ, máy móc được chia sẻ công khai để những người làm nông nghiệp có thể lựa chọn và đặt hàng một cách dễ dàng.

Giáo sư Vinh cũng cho biết ngoài sự chủ động của người nông dân, chính phủ và các ngân hàng Mỹ thực hiện nhiều chính sách thực tế để hỗ trợ đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.  Nổi bật trong đó là những khoản vay với lãi suất ưu đãi chỉ khoảng 1%.

Kể cả trước khi canh tác, các yếu tố kinh tế đã được tính toán một cách cẩn thận để lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhu cầu thị trường cũng như gắn kết chặt chẽ với đơn vị chế biến, kinh doanh. Chuỗi giá trị liên kết bền vững này giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp đảm bảo tính bền vững và hiệu quả kinh tế. Đây là một trong những nội dung mà nông nghiệp Việt Nam rất cần học hỏi để tránh tính trạng “được mùa mất giá” thường xảy ra gần đây.   

Tại Việt Nam, nông nghiệp là một ngành kinh tế chủ lực với số lượng lớn lao động ở khu vực nông thôn. Theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, dân số thành thị của nước ta là trên 33 triệu người chiếm 34,4% tổng dân số; dân số nông thôn là khoảng 63 triệu người, chiếm 65,4% tổng dân số. Cho dù không phải tất cả, thì một số lượng rất lớn những người dân sống ở nông thôn đều làm nông nghiệp hoặc làm dịch vụ gắn với nông nghiệp.

Thế nhưng, ngành này đang phải đối mặt trực diện với hàng loạt khó khăn từ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan… cho đến biến động phức tạp của thị trường. Năng suất nuôi trồng chưa cao trong khi tỷ lệ hư hỏng, thất thoát sau thu hoạch vẫn còn cao. Trong hoàn cảnh đó, tập trung phát triển theo hướng công nghệ cao sẽ là một trong những bước đi chiến lược và bền vững cho ngành nông nghiệp.

Giáo sư Hà Tôn Vinh nhận định Việt Nam vẫn chưa tận dụng được tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tỷ lệ người Việt sử dụng Internet lên đến trên 70%. Điện thoại thông minh cũng rất phổ biến nhưng ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp vẫn rất hạn chế.

Thành công của nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu nhằm giải quyết các khó khăn thách thức trong tình hình phát triển nông nghiệp hiện nay. Ứng dụng những thành tựu công nghệ 4.0 trong nông nghiệp giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường bảo đảm điều kiện để phát triển bền vững đất nước. Đây là việc mà chúng ta cần thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả nếu muốn xây dựng nền nông nghiệp mạnh và bền vững.

Phạm Sơn