Đến nay toàn tỉnh Quảng Bình có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn (gồm 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 140 sản phẩm OCOP 3 sao) với 107 chủ thể kinh tế (gồm 58 hợp tác xã, 21 doanh nghiệp, 28 hộ kinh doanh cá thể), như vậy số sản phẩm OCOP 4 sao đạt và vượt mục tiêu so với Kế hoạch số 493/KH-UBND ngày 23/3/2023 của UBND tỉnh đề ra (mục tiêu đến năm 2025 có 20-25 sản phẩm OCOP 4 sao). Tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung Bộ, với một số sản phẩm nổi bật như khoai gieo, nước mắm, hải sản khô, các sản phẩm từ dược liệu, sản phẩm nông sản như Yến, Cam, Tiêu, Bột nghệ, Mật ong…. Đây là những kết quả rất tích cực, thể hiện sự sáng tạo và năng động của các địa phương để tạo ra những dòng sản phẩm OCOP.
Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2024 đã có hơn 80 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, cao nhất từ khi triển khai chương trình OCOP đến nay. Có thể khẳng định rằng chương trình OCOP đang tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực nông thôn. Các chủ thể kinh tế ngày càng thấy được ý nghĩa, lợi ích khi tham gia chương trình OCOP, không chỉ khai thác tốt các giá trị tài nguyên bản địa, mà góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm, liên kết sản xuất theo hướng bền vững, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Thậm chí một số chủ thể có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Theo Chi cục Phát triển Nông Thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết, thời gian tới, các chủ thể cần đầu tư mở rộng sản xuất, bảo đảm đầu ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường; tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ, đặc biệt là kết nối với các sàn giao dịch, thương mại điện tử…; xây dựng và hoàn thiện kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm, tiến tới áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO/HACCP/GMP… để xuất khẩu sản phẩm, hướng tới thị trường ngoài nước.
Cùng với các kênh xúc tiến thương mại truyền thống, nhiều địa phương đã tích cực khai thác tiềm năng của các sàn thương mại điện tử nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP. Qua đó, hướng tới việc kết nối xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số, từng bước chuyển đổi số thông qua các nền tảng số, giúp tăng hiệu quả quản lý quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, gắn với thương mại điện tử.
Hiện nay, hiệu quả của việc đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử được đánh giá cao. Các sản phẩm OCOP của địa phương được nhanh chóng đưa lên các sàn Postmart (của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), Vỏ Sò (Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel), Sen Đỏ (Tập đoàn FPT)… Trong Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025, có rất nhiều tiêu chí để đánh giá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các sản phẩm OCOP càng độc đáo, càng có nét riêng biệt thì luôn được đánh giá cao, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, và các sản phẩm đó sẽ có nhiều lợi thế hơn khi phân phối ra các thị trường lớn, thị trường có tiềm năng so với các sản phẩm OCOP còn lại.
Theo Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Bình, thực tiễn cho thấy hiện nay các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã được các cấp, các ngành, các chủ thể kinh tế quan tâm đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thông qua nhiều hình thức như: Trưng bày tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện; trưng bày tại các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các điểm du lịch trong tỉnh; ký hợp đồng phân phối sản phẩm với các hệ thống, đại lý trong và ngoài tỉnh; thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như quangbinhtrade.vn; voso.vn; posmart.vn; (Riêng sàn quangbinhtrade.vn đã có 150 doanh nghiệp thành viên tham gia và được niêm yết với 260 sản phẩm được chào bán, trong đó phần lớn là các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm đặc sản; sàn Porstmart.vn hiện có gần 100 sản phẩm nông sản của Quảng Bình tham gia). Đặc biệt một số chủ thể đã ký kết các đơn hàng lớn với các hệ thống siêu thị lớn ở trong nước như BigC, Coopmart.
Ông Trần Quốc Tuấn - Giám dốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Bình cho biết: “Chúng ta cần lưu ý rằng tạo ra sản phẩm thì dễ, nhưng để thương mại hóa được sản phẩm và mang tính bền vững nó lại là câu chuyện khác. Quy luật của thị trường là khi sản phẩm lên kệ siêu thị, sản phẩm nào mang lại doanh thu nhiều nhất cho siêu thị tính trên một đơn vị diện tích thì người ta sẽ ưu tiên bán sản phẩm đó. Do đó yêu cầu của kinh tế hàng hóa chính là phải luôn cải tiến, cải tiến và cải tiến. Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định rằng chương trình OCOP đang là một hướng đi đúng trong việc phát triển kinh tế khu vực nông thôn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng nông thôn mới có chiều sâu và hiệu quả bền vững”.
Cũng theo ông Tuấn, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện, đến xã bảo đảm đồng bộ, hiện đại và bài bản; tiếp tục kết nối, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, góp phần tạo ra một kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm OCOP nói riêng, sản phẩm nông sản nói chung, giúp cho bà con nông dân ổn định giá bán sản phẩm, xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường.
Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, thông qua các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm từ chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương, mà còn được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. Tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Cùng với chương trình OCOP, việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được kết quả quan trọng, góp phần phát triển thị trường trong nước. Từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt. Tạo liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền đến tận tay người tiêu dùng. Thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.