Ngày 09/01 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay đã có 109/110 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt; trong đó 20 quy hoạch cấp quốc gia và 07 quy hoạch tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã được phê duyệt.
“Mặc dù tiến độ yêu cầu gấp (thời gian thực tế triển khai khoảng 12 tháng so với quy định là 24 tháng), song Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vẫn được triển khai công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch. Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, Thành phố Hà Nội đã tổ chức xin ý kiến 21 Bộ, cơ quan Trung ương; 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học và xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư thông qua website của cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô.” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Thông tin về tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, hiện nay, hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình xin ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định với hệ thống các báo cáo gần 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực và 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã, cùng với những báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch (ĐMC), báo cáo tóm tắt, hệ thống phụ lục, hệ thống sơ đồ, bản đồ được xây dựng trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS).
Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển. Đại diện đơn vị tư vấn trình bày dự thảo quy hoạch, GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho biết, quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.
Về quan điểm phát triển, nhấn mạnh rõ những yếu tố liên quan đến “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển”; “phát triển bao trùm, nhanh và bền vững”; phát triển đô thị xanh; lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0”.
Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: Không gian xây dựng; không gian ngầm; không gian số; không gian văn hoá; không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 06 mục tiêu về kinh tế; 05 mục tiêu về xã hội; 06 mục tiêu về môi trường; 02 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 01 mục tiêu về quốc phòng, an ninh. Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 - 12 m2/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65% - 70%...
Tham luận góp ý về nội dung quy hoạch, TS. Cao Viết Sinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng tỉ lệ đóng góp của khu vực dịch vụ trong tăng trưởng của Hà Nội giai đoạn vừa qua cũng có giới hạn, nhất là khi dịch vụ của Hà Nội không mang lại giá trị gia tăng cao.
Theo đó, Hà Nội cần đưa ra các mục tiêu phù hợp với chiến lược của cả nước, xứng đáng là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước và Đồng bằng sông Hồng, chiếm 13% GDP cả nước và hơn 40% GDP của khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Tại Hội thảo, PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc thể hiện sự đồng tình thống nhất với đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô khi đưa ra 6 điểm nghẽn cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, ông nêu thêm quan điểm, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, cùng cả nước nên cần nhấn mạnh trách nhiệm, vai trò của các bộ, ngành và Chính phủ trong giải quyết những điểm nghẽn cho Thủ đô…
“Các kịch bản phát triển được đơn vị tư vấn đặt ra thể hiện nhiều tham vọng và chỉ đạt được với điều kiện TP áp dụng mô hình phát triển mới, theo hướng xanh, số, tuần hoàn, thông minh và ứng dụng trí tuệ nhân tạo” - PGS.TS. KTS Trần Trọng Hanh khẳng định.