Quảng Bình: Du lịch nông nghiệp và sản phẩm OCOP cần cái “bắt tay siết chặt” giữa các ngành

Thảo Nguyên

04/08/2024 15:42

Du lịch nông nghiệp hay còn gọi là du lịch cộng đồng, thường được hiểu là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch. Nói cách khác, đây là loại hình du lịch trong đó cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch.

Loại hình này được phát triển trên cơ sở văn hóa của cộng đồng. Do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Du lịch cộng đồng không chỉ cung cấp các trải nghiệm du lịch độc đáo mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch xanh cho Quảng Bình, đồng thời tạo sinh kế ổn định lâu dài cho người dân và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học cho khu vực này.

Quảng Bình là một trong những ít địa phương triển khai du lịch cộng đồng từ nhiều năm qua và đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, để kết nối du lịch cùng các sản vật địa phương được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cần cái bắt tay của các ngành.

Tôn trọng văn hóa

Theo ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Viện phát triển Du lịch Châu Á: “Du lịch cộng đồng ở Quảng Bình đang có những bước đi riêng, gây dấu ấn trong lòng du khách. Tuy nhiên, bản chất cốt lõi của du lịch cộng đồng thuộc về chính cộng đồng cư dân bản địa, bản sắc văn hóa và ý thức cộng đồng trong người dân”. Cộng đồng là phải đoàn kết và đi lên từ nội lực, tôn trọng tuyệt đối văn hóa bản địa, không đưa cái bên ngoài vào, phục hồi nguyên trạng thiên nhiên môi trường xung quanh, rồi mới cùng cộng đồng kiến tạo nên sản phẩm tour du lịch, mà nguyên liệu ở đây chính là hơi thở cuộc sống, sinh hoạt, lao động canh tác hàng ngày của người dân bản địa. Rồi mới gắn kết chọn lọc khách hàng với mục tiêu “sự hài lòng của du khách sánh ngang với sự hài lòng của cộng đồng”.

Những du khách tôn trọng tuyệt đối ngôi làng, văn hóa bản địa và thiên nhiên môi trường mới được đón đến để cùng trải nghiệm, hưởng thụ cao về văn hóa, thiên nhiên… cùng cộng đồng xây dựng tích hợp thêm các giá trị về nông sản, đặc sản, OCOP địa phương kèm với các ngành nghề thủ công truyền thống vốn có, đời sống tinh thần văn hóa phong phú của họ.

Qua đó, hướng đến việc bồi đắp, phục hồi cả môi trường văn hóa và môi trường thiên nhiên, rồi gia tăng phúc lợi xã hội cho cộng đồng, nhằm đạt mục tiêu chỉ số hạnh phúc cho cả cộng đồng.

anh-chup-man-hinh-2024-08-08-luc-154001-1723106444.png
Làng du lịch Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) bầu chọn là Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023. Ảnh: Oxalis

Cũng theo ông Phạm Hải Quỳnh: “Những người kết nối cộng đồng và du khách phải tôn trọng cộng đồng tuyệt đối. Không được lấn át cộng đồng, mà sẽ giúp cộng đồng kết nối du khách, tham gia thêm các giá trị như xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu ra của nông sản và các sản phẩm thủ công truyền thống, các sản phẩm OCOP…”.

Du lịch cộng đồng, là một hình thức du lịch hướng đến trao quyền cho cộng đồng quản lý phát triển du lịch nhằm đạt được nguyện vọng quyền lợi cộng đồng, bao gồm phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Do đó, du lịch cộng đồng không chỉ liên quan đến sự hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa các đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng. Mà ở đó còn liên quan đến hỗ trợ của cộng đồng (bên trong và bên ngoài) đối với các đơn vị kinh doanh du lịch nhỏ. Đồng thời, cam kết cung cấp hỗ trợ cho các dự án cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống.

Du lịch cộng đồng trao quyền cho cộng đồng địa phương xác định và bảo đảm tương lai kinh tế-xã hội của họ thông qua những lợi ích thu được từ dịch vụ trong các hoạt động; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa; thúc đẩy sự bình đẳng cùng có lợi trong mối quan hệ giữa chủ nhà và khách tham quan. Du lịch cộng đồng, thường phục vụ cho thị trường ngách như du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp… Sử dụng các sản phẩm và dịch vụ địa phương, mang lại lợi ích kinh tế khi tham gia vào du lịch.

Ngành Du lịch Quảng Bình cho biết, để tiếp tục tạo được sức cạnh tranh, hướng tới thị trường một cách sâu rộng đối với phát triển du lịch xanh và sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, người dân về vai trò, ý nghĩa của phát triển du lịch xanh gắn với nội dung.

 Ý nghĩa của chương trình OCOP, sự kết hợp này không chỉ tạo ra sự phát triển du lịch bền vững mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu qủa cao hơn. Tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để người dân, doanh nghiệp phát triển loại hình du lịch xanh, các sản phẩm du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, du lịch Netzero,... Liên kết với các công ty lữ hành để hình thành các chương trình du lịch theo xu hướng giảm thiểu các bon tiêu thụ; phố biến hướng dẫn thực hiện các tiêu chí của Nhãn Bông sen Xanh cho các cơ sở lưu trú; các tiêu chí ASEAN (Du lịch bền vững, Thành phố du lịch sạch, Du lịch cộng đồng, Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay), Khách sạn xanh, Địa điểm tổ chức MICE, Dịch vụ Spa, Nhà vệ sinh công cộng); 17 tiêu chí bền vững của Liên hợp quốc…

Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công thương chia sẻ, Quảng Bình xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian qua, việc phát triển sản phẩm, đa dạng hóa các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch đang ngày được chú trọng. Các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn như homestay, farmstay, cắm trại, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá; mô hình làng du lịch cộng đồng với những trải nghiệm từ công việc làm nông, thưởng thức món ăn địa phương mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, quầy hàng lưu niệm, điểm check-in và các dịch vụ đa dạng khác… đã thu hút nhiều du khách đến với Quảng Bình trong thời gian vừa qua.

Quảng Bình nhìn nhận du lịch cộng đồng... thấu đáo hơn

Đẩy mạnh việc kết nối các sản phẩm OCOP Quảng Bình gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trong những năm qua Sở Công thương đã tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch. Quan tâm hỗ trợ các cửa hàng tiện ích bán hàng Việt, điểm bán hàng nông sản, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các địa điểm du lịch. Địa bàn trung tâm du lịch của tỉnh, địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài tỉnh, cũng như khách quốc tế.

Cùng với phát triển các hoạt động về du lịch, dịch vụ Quảng Bình đang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.

6b1dc6802c1e8940d00f-1723106475.jpg
Tỉnh Quảng Bình liên tục tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng.

Việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Bình vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, gia tăng giá trị các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ cho các mặt hàng nông sản, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của cộng đồng, đem đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.

Thời gian tới, ngành Công thương sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết với các hoạt động du lịch, để các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình ngày càng vươn xa. Nâng tầm giá trị, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế tin tưởng sử dụng, hình thành những thương hiệu mạnh có uy tín trên thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Trần Đình Hiệp - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình đưa ra ý kiến: “Quảng Bình hội tụ rất nhiều yếu tố để phát triển mạnh loại hình du lịch nông thôn, thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với Sở Du lịch và các đơn vị, địa phương liên quan để triển khai các mô hình, chương trình nhằm thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, góp phần đa dạng hoá ngành du lịch của tỉnh nhà. Đưa du lịch nông nghiệp Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Thảo Nguyên