Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm “Phát triển du lịch trang trại và những vấn đề pháp lý liên quan”.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho biết, trong những năm trở lại đây, du lịch và nông nghiệp là hai ngành có mối quan hệ chặt chẽ và đều là ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển (Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…
Theo đó, mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái hay du lịch sinh thái nông nghiệp là sự kết hợp của du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp hiện đang trở thành xu hướng phát triển hướng đến trách nhiệm với xã hội và lối sống thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững.
Cụ thể, để khai thác phát triển hoạt động du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp và nông thôn, theo các chuyên gia cần phải bảo đảm được các tiêu chí sau:
Đầu tiên, không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp (điểm đến): là đơn vị không gian cụ thể thuộc về các tổ chức lãnh thổ nông nghiệp như trang trại, đồng ruộng, rừng trồng; làng quê, thôn bản, làng chài, miệt vườn…Bởi, các điểm đến này luôn chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống, các lễ hội, làng nghề truyền thống, nền ẩm thực và các sản vật địa phương gắn với các yếu tố môi trường khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng…
Thứ hai, các hoạt động của du lịch nông nghiệp cung ứng cho du khách: các hoạt động phục vụ cho sự giao lưu, trải nghiệm, khám phá của du khách với cộng đồng như hoạt động giải trí ngoài trời (câu cá, săn bắt, tìm hiểu cuộc sống hoang dã, cấy lúa); trải nghiệm học tập (tham quan nhà máy, xưởng sản xuất sản phẩm đặc trưng của địa phương, lớp học nấu ăn, nghiên cứu cấy ghép, sản xuất cây trồng, vật nuôi…); hoạt động thư giãn (lễ hội, các màn trình diễn truyền thống); trải nghiệm cuộc sống người bản địa (homestay, các chương trình được hướng dẫn bởi người dân bản địa, mặc trang phục truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương; mua sản phẩm được sản xuất trực tiếp tại điểm du lịch…). Những hoạt động này đòi hỏi sự sáng tạo, đầu tư chọn lọc và làm nên sự hấp dẫn của sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp.
Thứ ba, chủ thể cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp: cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây chính người dân, cộng đồng địa phương gắn với môi trường văn hóa, quy trình sản xuất, phương thức tập quán kỹ thuật canh tác, trồng trọt, chăn nuôi. Người dân địa phương sẽ là chủ thể gìn giữ và chia sẻ các giá trị văn hóa nông nghiệp với du khách.
Thứ tư, chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp: lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường phải đảm bảo hài hòa giữa người dân bản địa, công ty du lịch và các bên liên quan. Trong đó, điểm quan trọng nhất là mang du lịch nông nghiệp phải mang lại thu nhập trực tiếp và sinh kế cho người dân thông qua cung cấp dịch vụ cho khách du lịch (homestay, hướng dẫn, trình diễn, cung cấp dịch vụ, hàng hóa, nông sản được sản xuất tại địa phương phục vụ tiêu thụ tại chỗ…).
Thứ năm, vai trò cầu nối của các công ty lữ hành: các công ty lữ hành đóng vai trò là cầu nối đưa khách du lịch đến với điểm đến, định hướng thiết kế sản phẩm du lịch nông nghiệp phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp chỉ được khai thác hiệu quả khi được nằm trong kế hoạch marketing sản phẩm từ khảo sát, xây dựng, quảng bá, bán, tổ chức thực hiện của các công ty lữ hành.
Thứ sáu, oạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông điểm đến: việc xây dựng thương hiệu cho địa danh, sản phẩm nông nghiệp gắn với địa danh sản xuất sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển du lịch nông nghiệp.
Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh, tại Việt Nam, du lịch nông nghiệp đang dần trở thành một xu hướng mới. Các cơ quan ban ngành đã đặt ra nhiều mục tiêu, giải pháp tập trung cho phát triển du lịch, trong đó tập trung mở rộng không gian khai thác du lịch sinh thái nông nghiệp, phát triển hệ thống sản phẩm chất lượng cao, khác biệt, có khả năng cạnh tranh cao, hấp dẫn khách du lịch.
Việc phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch trang trại, du lịch làng nghề sẽ mang lại lợi ích cho du khách du lịch và người dân địa phương, tạo ra cơ hội kết nối và nhiều trải nghiệm thực tế. Từ đó, tạo ra sự thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch ở những vùng quê giúp đảm bảo phát triển bền vững và bảo tồn môi trường tự nhiên. Bên cạnh việc giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn, còn là nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề để hiện thực hóa khát vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp bằng việc xây dựng, phát triển mô hình kết hợp du lịch nông nghiệp, cần được hiện thực hóa bởi khuôn khổ pháp lý.